Báo động ô nhiễm môi trường tại các chợ đầu mối ở TP HCM
Điều này không chỉ gây ra ô nhiễm môi trường xung quanh mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an toàn thực phẩm, phát sinh các nguồn bệnh dịch từ rác thải.
Có mặt tại chợ đầu mối Bình Điền vào giữa trưa nắng nóng, mọi người đều dễ dàng nhận thấy hệ thống nước thải đen ngòm, nhiều vũng đọng nước bốc mùi hôi thối ở xung quanh chợ.
Rác thải tại chợ đầu mối Bình Điền- TP HCM |
Từ trong khu nhà lồng đến sân chợ đều lênh láng nước thải hôi tanh. Đặc biệt, nhiều thùng chứa thủy hải sản, bao bì, xác tôm cá bị vứt chỏng chơ khắp chợ, chưa được thu dọn kịp thời, khiến nơi đây không khác gì một bãi rác khổng lồ.
Do đặc thù của chợ là kinh doanh hàng thủy hải sản nên mùi tanh của nước thải ở nơi này vô cùng nồng nặc. Thêm vào đó, ở khu kinh doanh nông sản, rau, củ, quả hư hỏng vứt bỏ khắp các lối vào. Các thùng giấy, thùng xốp vứt kín cả lối đi. Mùi nông sản thối rữa bốc lên nồng nặc khiến nhiều người cảm thấy rất khó chịu.
Anh Lê Văn Khanh, Tiểu thương tại khu chợ Bình Điền cho biết: “Chợ rất bầy nhầy, quá trời dơ, hôi lắm. Người mệt lắm vì mùi hôi quá trời. Buôn bán làm ăn thì phải chịu thôi. Tình trạng này kéo dài từ 23h đêm đến 2h sáng mới quét. Ngày nào cũng vậy đó, vũng nước hôi rình, quá dơ”.
Những vũng nước bốc mùi tanh hôi nồng nặc tại khu chợ đầu mối thủy hải sản Bình Điền. |
Ngoài rác thải, một vấn nạn khác tồn tại ở các khu chợ đầu mối chính là việc bị các chợ “cóc” vây quanh. Như chợ Bình Điền, dọc chiều dài khoảng gần một cây số từ đường Nguyễn Văn Linh chạy vào cổng chợ là các sạp buôn bán gia cầm, nông sản, thủy sản bày la liệt, vô cùng nhếch nhác và phản cảm. Cùng với lượng rác thải trong chợ, rác ở các chợ cóc này cũng biến khu vực này thành những “điểm đen” về ô nhiễm môi trường.
Hiện nay, nguy cơ nguồn ô nhiễm ở chợ đầu mối trên địa bàn TP HCM bị phát tán ra các khu vực xung quanh là rất lớn, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Hơn nữa việc dọn dẹp, làm sạch tại các khu vực chợ đầu mối đang là một việc hết sức khó khăn. Nguyên nhân do lượng rác thải nhiều, việc buôn bán chỉ tập trung trong một thời gian ngắn khiến rác càng ùn ứ.
Theo số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM, hàng ngày công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn phát sinh tại các chợ Thủ Đức là 80 tấn/ngày, chợ Hóc Môn là 50 tấn/ ngày, chợ Bình Điền là 40 tấn/ ngày, chủ yếu là thành phần rác hữu cơ. Trên thực tế, hiện nay tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải tại các khu chợ này đang ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của người dân .
Ông Trần Nguyễn Hiền, Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM cho biết: “Chúng tôi không chỉ tiếp nhận phản ánh của người dân, giờ chúng tôi cũng yêu cầu các chợ đầu mối tăng cường công tác giám sát cũng như những công trình bảo vệ môi trường. Đặc biệt là xử lý, giảm thiểu mùi phát sinh, cũng như tình hình vệ sinh quản lý việc vận chuyển các hàng hóa vào và ra các chợ đầu mối cũng như hoạt động của các tiểu thương tại đây”.
Dù có lực lượng vệ sinh môi trường nhưng không thể bảo vệ môi trường tại khu chợ đầu mối Bình Điền |
Quyết định số 64 của UBND TP HCM qui định hoạt động kinh doanh bán buôn các nhóm hàng nông sản, thực phẩm trên địa bàn thành phố chỉ được tập trung tại ba chợ đầu mối nông sản, thực phẩm là: chợ đầu mối Thủ Đức, chợ đầu mối Hóc Môn và chợ đầu mối Bình Điền, với mục tiêu là tập trung kiểm soát được tình hình ô nhiễm môi trường do các hoạt động thương mại phát tán gây ra.
Tuy nhiên, trước sự báo động của ô nhiễm mùi và rác thải tại các chợ đầu mối hiện nay thì Ban quản lý các khu chợ này cần phải tăng cường giám sát chất lượng môi trường, quá trình vận hành, hoạt động của các công trình xử lý rác thải theo qui định. Đồng thời, các quận, huyện quản lý các khu chợ cần thường xuyên phối hợp với ngành chức năng tổ chức kiểm tra định kỳ, giám sát chặt chẽ các hoạt động chợ đầu mối để đảm bảo sức khỏe cho người dân xung quanh khu vực./.