Theo Ủy ban Nhân dân huyện Điện Biên, thuận lợi nhìn thấy rõ nhất ở đây là việc bộ mặt nông thôn mới ở các vùng trồng cao su đã thay đổi rõ nét, điều kiện kinh tế, vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên. Chủ trương của huyện là tập trung tuyên truyền cho người dân tham gia bảo vệ tốt các diện tích trồng cao su hiện có, khai thác các diện tích cao su đến tuổi thu hoạch để làm cơ sở phân chia lợi nhuận cho người dân.

bao dam quyen loi cho nguoi gop dat trong cao su
Trước mắt tỉnh Điện Biên sẽ đề nghị các địa phương sẽ cùng tham gia giám sát sản lượng mủ cao su khai thác được.

Ông Ngô Xuân Chinh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Điện Biên cho biết: “Để đảm bảo các quyền lợi về kinh tế cho người dân tham gia góp đất, chúng tôi đã đề nghị với Sở Tài chính báo cáo UBND tỉnh Điện Biên làm việc thống nhất với tập đoàn cao su để làm rõ một số vấn đề về giá thành bán sản phẩm cao su cũng như tỷ lệ ăn chia quy đổi từ cao su tươi về cao su mủ dạng khô để làm cơ sở tính toán phân chia quyền lợi của người dân khi tham gia góp đất trồng cao su”.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Điện Biên, khó khăn tồn tại trong việc quản lý các diện tích cao su là vấn đề về địa hình. Việc khai thác mủ cao su diễn ra nhiều đợt, do đó việc giám sát năng suất, sản lượng mủ cao su còn gặp nhiều khó khăn, nhiều người dân vẫn băn khoăn khi không biết những diện tích góp đất trồng cao su của mình cho được sản lượng bao nhiêu.

Do đó trước mắt tỉnh sẽ đề nghị các địa phương sẽ cùng tham gia giám sát sản lượng mủ cao su khai thác được.

bao dam quyen loi cho nguoi gop dat trong cao su
Nhiều người dân vẫn băn khoăn khi không biết những diện tích góp đất trồng cao su của mình cho được sản lượng bao nhiêu.

Ông Trần Văn Thượng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Điện Biên nói: “Cây cao su có rất nhiều dòng nên việc giám sát về năng suất, sản lượng mủ gặp khó liên quan đến chu kỳ, năng suất và sản lượng. Bởi lẽ liên quan đến sản lượng thì liên quan đến hiệu quả sản xuất kinh doanh. Tỉnh và tập đoàn sẽ có buổi làm việc để thống nhất một số khó khăn trong việc tổ chức thực hiện để đánh giá làm sao phát triển cũng như mở rộng quy mô”.

Dù còn nhiều khó khăn tồn tại, song nhìn tổng thể có thể thấy hiệu quả mang lại từ cây cao su tại Điện Biên là đáng ghi nhận. Điều cần nhất hiện nay là sớm đẩy nhanh việc thẩm định giá mủ cao su, chia lợi nhuận cho người dân góp đất trồng, công khai cơ chế giám sát sản lượng mủ khai thác được để người dân góp đất trồng cao su không bị thiệt thòi. Từ đó người dân toàn tâm, toàn ý, tập trung phát triển cây cao su./.