Tại Hội thảo “Hoạt động đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan - thực trạng và giải pháp” do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức sáng 26/10 tại Hà Nội nhiều đại biểu đã nhận định, ở Việt Nam, mức độ vi phạm bản quyền ngày càng mạnh mẽ, đặc biệt trên các lĩnh vực điện ảnh, âm nhạc và truyền hình... không chỉ làm tổn thất kinh tế mà còn kéo theo những hệ lụy là hủy hoại tinh thần, nhiệt huyết sáng tạo của các tác giả.

Đồng thời, các đại biểu tham dự hội thảo chỉ ra một thực tế, bản quyền tác giả nói riêng và sở hữu trí tuệ nói chung đã được ban hành cách đây 20 năm, nhưng vẫn chưa thấm sâu vào nhận thức của xã hội cũng như các cấp quản lý Nhà nước nên việc thực thi rất khó.

ban quyen tac gia chua du thuc luc va giai phap de bao ve

Mức độ vi phạm bản quyền tại Việt Nam ngày càng mạnh mẽ, đặc biệt trên các lĩnh vực điện ảnh, âm nhạc và truyền hình...

Ca sỹ Việt Hoàn, cho biết, không ít trang mạng thường xuyên sử dụng tất cả sản phẩm của ca sỹ, trong đó có anh mà không xin phép, mặc dù họ đã thu tiền từ các lượt truy cập, tải về.

“Các ca sỹ họ đầu tư rất nhiều tiền để làm MV, CD ca nhạc thì ngay lập tức chỉ trong một tuần sau trên thị trường đã đầy rẫy sản phẩm nhái và hàng in lậu. Đó là điều vô cùng thiệt thòi với các ca sỹ nếu như chúng ta không quản lý tốt, không có những hiệp hội bảo vệ quyền tác giả… Nếu không làm tốt được điều đó thì tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ không bao giờ có sản phẩm âm nhạc hay được” - ca sỹ Việt Hoàn chia sẻ.

Ngoài ra, các đại biểu cũng khẳng định, trong nhiều trường hợp, việc đấu tranh với các tổ chức xã hội trong lĩnh vực bản quyền tác giả khó khăn hơn bởi sự hướng dẫn sai lệch của các cơ quan quản lý.

Nhạc sỹ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cho biết, trong lĩnh vực nhạc số trên hệ thống internet, vì không có công cụ kiểm soát số lượng bài hát các đối tác đang sử dụng và cập nhật cũng như tần suất sử dụng các bài hát nên Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam mới chỉ đang thu phí theo các đối tác đăng ký số lượng bài hát.

“Theo luật pháp, âm nhạc trong môi trường kinh doanh thì đều có nghĩa vụ phải trả tiền cho các chủ sở hữu quyền cho tác giả theo một tỷ lệ tương ứng với hoạt động kinh doanh của mình. Số lượng cán bộ hiện nay của chúng tôi là dưới 100 người thì chưa đủ để làm hết việc đó. Với những khó khăn, kể cả nhận thức, sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước và cả thực lực của chúng tôi thì hiện nay mới làm được khoảng 15%”./.