5 điểm du lịch ở Việt Nam không dành cho người yếu tim
Đỉnh Pha Luông – nóc nhà Mộc Châu
Đỉnh Pha Luông hun hút nằm cách thị trấn Mộc Châu chừng 40 km, thuộc xã Tân Xuân, huyện Chiềng Xuân. Có độ cao hơn 2.000m so với mực nước biển, con đường chinh phục Pha Luông chẳng hề dễ dàng chút nào, kể cả đối với các phượt thủ chuyên nghiệp.
Thời gian thực tế và hợp lý nhất cho bạn chinh phục đỉnh Pha Luông là 2 ngày 2 đêm. |
Để leo lên đến đỉnh của ngọn núi vắt ngang đường biên giới tự nhiên Việt – Lào với con đường dốc lên thăm thẳm và đường rừng lối hẹp thực sự là một hành trình nhiều gian nan.Vì vậy, ngoài việc chuẩn bị một sức khỏe tốt, bạn cũng cần có tâm lý thật vững để đối mặt với những thử thách phía trước.
Tuy nhiên, nếu vượt qua được tất cả những khó khăn ấy, khi chinh phục được “nóc nhà Mộc Châu”, bạn sẽ cảm thấy mình được đền đáp xứng đáng. Khung cảnh nơi đây cho ta cảm giác như đứng ở cõi thần tiên với núi rừng bạt ngàn lẫn trong biển mây bồng bềnh và tận hưởng tiếng gió bên tai. Đưa mắt về phía xa, bạn còn có thể thấy ranh giới tự nhiên giữa Việt Nam và Lào.
Biển mây chờ đón phượt thủ trên đỉnh Pha Luông. |
Đèo Mã Pí Lèng - Hà Giang
Đèo Mã Pí Lèng (còn có âm đọc là Mã Pì Lèng) thuộc tỉnh Hà Giang là cung đường đèo hiểm trở dài khoảng 20 km, thuộc cao nguyên Đồng Văn, nằm trên con đường Hạnh Phúc nối liền thành phố Hà Giang, Đồng Văn và thị trấn Mèo Vạc.
Mã Pí Lèng được du khách gọi là một trong "tứ đại đỉnh đèo" tại vùng núi phía Bắc Việt Nam. |
Mã Pì Lèng còn có nghĩa là “sống mũi con ngựa”, nói rộng ra miêu tả sự hiểm trở của đỉnh núi dựng đứng như sống mũi ngựa. Đèo Mã Pì Lèng tuy không dài nhưng là cung đèo hiểm trở bậc nhất ở vùng núi biên viễn phía Bắc, được ví như “vua” của các con đèo Việt Nam. Để làm con đường này đã có hàng chục nghìn nhân công từ khắp các tỉnh miền Bắc ngày đêm miệt mài đục đá. Riêng đoạn qua Mã Pì Lèng được các thanh niên cảm tử treo mình trên vách núi lấn từng centimet để làm đường trong 11 tháng.
Con đường đèo như dải lụa quanh co uốn khúc lượn theo sườn núi, một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm. Đây hẳn là một thử thách lớn với những ai ưa mạo hiểm. Sau khi vượt qua những con dốc, du khách đặt chân lên đỉnh Mã Pì Lèng chợt ngỡ ngàng giữa không gian hùng vĩ của núi rừng hiện lên trên nền trời sáng trong. Đặc biệt, nhiều người nhất định phải trèo lên một mỏm đá nhô ra từ khu vực đèo Mã Pì Lèng để cảm nhận được trọn vẹn sự hùng vĩ bao la của núi rừng miền biên giới phía Bắc.
Bàu Sấu Nam Cát Tiên
Điểm tham quan Vườn quốc gia Nam Cát Tiên không còn xa lạ với nhiều người, thế nhưng để đến được với Bàu Sấu là cả một vấn đề mà bạn cần cân nhắc. Để đến và chiêm ngưỡng được toàn cảnh điểm du lịch này, du khách cần trải qua 9 km đường xe và 5 km đường rừng cách trở.
Bàu Sấu nằm lọt thỏm trong vùng lõi của vườn quốc gia Nam Cát Tiên. |
Không chỉ thế, những người gan dạ còn có thể thử độ “liều” của mình bằng cách ngồi trên chiếc thuyền độc mộc trôi theo dòng nước, trong khi ở phía dưới có đến hàng trăm con cá sấu đang ẩn mình. Cá sấu trú ngụ đông đúc ở những đám sình lầy hoặc có thể hiện diện bất cứ nơi đâu, vì thế nơi đây nghiễm nhiên trở thành lãnh địa mà cá sấu làm chủ hoàn toàn. Ngoài ra, khu vực này còn tập trung nhiều loài động-thực vật có tên trong sách đỏ Việt Nam và thế giới.
Trước đây, cá sấu ở Bàu Sấu bị săn bắt vô tội vạ nên đã tuyệt chủng. Nhưng đến nay, Vườn quốc gia Cát Tiên đã nhiều lần thả cá sấu về với môi trường tự nhiên. Trải qua hơn 10 năm, cá sấu ở Bàu Sấu đã phục hồi bản năng tự nhiên như săn mồi, ấp trứng,…
Hồ Đá Thủ Đức – Thành phố Hồ Chí Minh
Nhắc đến làng Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, nhiều người lập tức nghĩ đến hồ Đá. Thực ra, Hồ đá là một hồ nước nhân tạo, được nhiều người biết đến với vẻ đẹp thơ mộng nhưng ẩn chứa nhiều nguy hiểm chết người.
Hồ Đá đẹp nhưng ẩn chứa nhiều nguy hiểm. |
Sự ra đời của hồ Đá là kết quả của việc khai thác đá để lại. Sau một thời gian, nước mưa và các mạch nước ngầm trong đá chảy ra tạo thành hồ. Khu vực hồ Đá bao gồm bốn hồ nước sâu hơn 60 mét, nước trong hồ quanh năm lạnh giá. Bao quanh hồ là những dốc đá lởm chởm dựng đứng với những lối đi cheo leo.
Vào mùa hè, từ 17h - 18h, khi hoàng hôn buông xuống là khoảng thời gian lý tưởng nhất để nhiều bạn trẻ tụ tập đông đúc với các hoạt động dã ngoại, câu cá, thổi sáo, chụp hình. Hồ Đá còn là nơi hẹn hò quen thuộc của các cặp tình nhân. Với những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, ghi được những hình ảnh đẹp về không gian trong xanh của hồ Đá là một trải nghiệm tuyệt vời.
Không chỉ đến hò hẹn, nhiều người còn đến hồ Đá bơi lội hay tìm kiếm cảm giác mạnh khi phóng từ trên vách đá cao dựng đứng xuống lòng hồ bất chấp dòng nước lạnh giá và những mỏm đá ngầm ẩn dưới mặt nước phẳng lặng. Nước trong hồ luôn ở trạng thái đứng do không có dòng chảy. Các thợ lặn cho biết, cấu tạo lòng hồ rất phức tạp, độ sâu thay đổi đột ngột, chỉ cần xê dịch vài phân độ sâu có thể thay đổi cả mét. Thêm vào đó, hồ hình thành từ núi đá nên hai bên bờ chỉ toàn đá sỏi, sơ ý một chút đã rơi xuống lòng hồ.
Thác Datanla Đà Lạt
Cách trung tâm thành phố Đà Lạt 5km, nằm khoảng giữa đèo Prenn, từ quốc lộ 20 rẽ xuống dốc khoảng 300m là tới một thung lũng nhỏ. Tại đây, du khách có cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp tuyệt vời của một ngọn thác tên Datanla. Thác này đổ từ một ghềnh đá cao khoảng 20m xuống một vực sâu, còn gọi là Hố tử thần - tạo nên khung cảnh thơ mộng và hùng vĩ.
“Hố tử thần” nằm giữa rừng thông bạt ngàn, có địa hình xung quanh là đồi núi. |
Quan sát từ bên trên, rất khó để du khách nhìn thấy cảnh đẹp dưới thung lũng, trừ… lá rừng. Để tham quan hết các tầng thác ở Datanla, nhiều người lựa chọn đi bộ qua những cung bậc thang được xây bằng xi măng, phủ đầy rêu xanh trơn trượt. Và cũng chính vì thế, đây được xem là một trong những địa điểm du lịch nguy hiểm nhất của Đà Lạt. Trong 10 năm qua, đã có khá nhiều du khách tử nạn ở địa điểm này.