Nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Shinzo Abe, tối 16/1, diễn ra Tọa đàm giữa lãnh đạo các doanh nghiệp Nhật Bản và địa phương Việt Nam.

Tham dự cuộc tọa đàm có 26 lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu của Nhật Bản tháp tùng Thủ tướng Shinzo Abe trong chuyến thăm Việt Nam lần này.

Về phía Việt Nam có đại diện lãnh đạo của 36 tỉnh tiêu biểu được lựa chọn dựa trên tiêu chí ưu tiên về tiềm năng thu hút đầu tư từ Nhật Bản.

36 tinh thanh tiep thi hinh anh voi cac tap doan hang dau nhat ban

Chủ trì buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung (hàng đầu, thứ hai, từ trái sang) cho rằng, Việt Nam và Nhật Bản có nhiều cơ hội hợp tác cùng có lợi.

Nhật Bản hiện là đối tác FDI lớn thứ hai và là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam. Nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư vào hầu hết các tỉnh, thành và lĩnh vực kinh tế trọng yếu của Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Văn Trung khẳng định Việt Nam trân trọng các dự án đầu tư kinh doanh nghiêm túc và hiệu quả của các nhà đầu tư Nhật Bản. Doanh nghiệp Nhật Bản chính là kênh kinh tế đối ngoại giao lưu thiết thực nhất góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương với nhiều đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế xã hội, chuyển đổi cơ cấu kinh tế cũng như ý thức và kỷ luật lao động của người lao động Việt Nam.

Trợ lý của Thủ tướng Nhật Bản, ông Hiroto Izumi cho biết, trong những năm gần đây, chính phủ Nhật Bản đặc biệt hoan nghênh và thúc đẩy hoạt động giao lưu kinh tế giữa các địa phương của 2 quốc gia. Hiện có hơn 1600 doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư vào Việt Nam.

36 tinh thanh tiep thi hinh anh voi cac tap doan hang dau nhat ban

Trợ lý của Thủ tướng Nhật Bản, ông Hiroto Izumi (hàng đầu, chính giữa).

Ông Hiroto Izumi tin rằng cuộc tọa đàm giữa lãnh đạo các doanh nghiệp Nhật Bản và địa phương Việt Nam nhân chuyến thăm của ông Shinzo Abe lần này là cơ hội tốt để các địa phương thể hiện sức hấp dẫn đầu tư của mình, giới thiệu về các thành tựu kinh tế cũng như biện pháp hoàn thiện môi trường đầu tư trong tương lai.

Về phía Nhật Bản, các doanh nghiệp nước này có dịp đặt ra những câu hỏi để nâng cao hơn nữa sự hiểu biết cũng như sự quan tâm đến các địa phương của Việt Nam.

Tại cuộc tọa đàm, các tập đoàn Nhật Bản và các địa phương Việt Nam đã giới thiệu, trao đổi và kết nối kinh doanh, đặc biệt trong 3 nhóm lĩnh vực có nhiều tiềm năng hợp tác là công nghiệp chế tạo, nông nghiệp và chế biến thực phẩm, thương mại và dịch vụ.

36 tinh thanh tiep thi hinh anh voi cac tap doan hang dau nhat ban

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chia sẻ tại cuộc tọa đàm.

Lãnh đạo các tỉnh, thành của Việt Nam tham dự tọa đàm đã nêu bật những lợi thế về tài nguyên, vị trí địa lý của tỉnh mình; đồng thời nêu những ví dụ điển hình là chính các doanh nghiệp Nhật Bản đang làm ăn tại địa phương để chứng minh việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.

Về phía Nhật Bản, đại diện của tập đoàn công nghiệp Misubishi (Nhật Bản) đánh giá các địa phương Việt Nam đang tiến triển rất tốt, đem lại nhiều giá trị gia tăng. Song, cần phải có sự quy hoạch phân công để mỗi tỉnh có nét nổi bật, hoàn thiện hệ thống giao thông vận tải và đảm bảo nguồn cung cấp nhiên liệu, nguyên vật liệu có giá trị gia tăng cao để có thể nâng cao tính cạnh tranh.

Cũng chia sẻ tại cuộc tọa đàm này, Tổng Giám đốc Công ty Tokyo Metro (Nhật Bản) Yoshimitsu Oku cho biết, Tokyo Metro đã ký thỏa thuận với Hà Nội nhằm giúp đỡ thành phố xây dựng hệ thống đường sắt đô thị. Ông biết rằng Hà Nội cũng đang phát triển nhiều dự án giao thông thân thiện với đô thị. Tập đoàn mong muốn tiếp tục thúc đẩy phát triển hợp tác trong lĩnh vực này.

Về nông nghiệp, Trợ lý của Thủ tướng Nhật Bản, ông Hiroto Izumi cho biết nông nghiệp công nghệ cao là thế mạnh của Nhật Bản. Trong thời gian tới, thông qua Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, doanh nghiệp Nhật Bản có thể thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đầu tư cho lĩnh vực này tại các tỉnh thành có nhiều tiềm năng đã được quảng bá tại cuộc tọa đàm này như Sơn La, Yên Bái, Đắc Lắc, Trà Vinh./.