2 cây “quái thú” bị làm giả giấy tờ để đối phó?
Xã nghi ngờ giấy tờ bị… làm giả mạo
Tại Hạt kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế, một người tự xưng là chủ hàng đã cung cấp các giấy tờ liên quan đến việc khác thác, vận chuyển 3 cây "quái thú" và tất cả đều có giấy tờ xác nhận của chính quyền địa phương. Cả 3 cây quái thú đều có nguồn gốc từ tỉnh Đắk Lắk.
Theo đó, trong hồ sơ thể hiện, 2 trong 3 "quái thú" có nguồn gốc là của bà H’Yô Na Byă ở xã Ea Hồ (huyện Krông Năng) đã được bà H’Phi La Niê – Phó Chủ tịch UBND xã Ea Hồ ký, đóng dấu xác nhận khai thác ngày 23/3. Cả 2 cây này đều là cây đa sộp có đường kính 1,4m và chiều cao 12m.
Ngoài ra, hồ sơ cho thấy Phó Chủ tịch xã Ea Hồ cũng đã ký xác nhận vào đơn vận chuyển 2 cây đa sộp này cũng vào ngày 23/3 cho ông Đinh Công Quân.
2 trong số 3 cây "quái thú" bị nghi làm giả giấy tờ để khai thác, vận chuyển (ảnh Đại Dương) |
Tuy nhiên, khi phóng viên liên hệ chính quyền xã Ea Hồ thì nhận được thông tin “bất ngờ”, đó là UBND xã chưa bao giờ ký xác nhận cho việc khai thác, vận chuyển cây đa sộp nào cả.
Bà H’Phi La Niê – Phó Chủ tịch UBND xã Ea Hồ cho rằng bà chưa từng ký xác nhận xin khai thác cây đa nào cho hộ bà H’Yo Na Byă và cũng chưa từng ký xác nhận cho việc vận chuyển cây cho bất cứ ai.
Khi phóng viên đề cập vấn đề trong đơn có đóng dấu và ký tên của bà H’Phi La Niê thì Phó Chủ tịch xã Ea Hồ nhận định “giấy tờ có thể bị làm giả và đã mạo danh tên của tôi”.
Phó Chủ tịch UBND xã Ea Hồ khẳng định chưa từng ký xác nhận cho việc khai thác cây như văn bản này (ảnh Đại Dương) |
Bà H’Phi La Niê xác nhận hộ gia đình bà H’Yô Na Byã có hộ khẩu trên địa bàn xã nhưng việc khai nhận đã khai thác cây ngày 23/3 là không có cơ sở.
Qua trao đổi, ông Nguyễn Văn Tiếp – Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Krông Năng cho biết, vào thời gian trên không có bất cứ cây đa sộp nào được khai thác, vận chuyển trên địa bàn xã Ea Hồ chỉ duy nhất có 1 cây đa sộp ở xã Tam Giang (báo Dân trí đã phản ánh trước đó) có xác nhận khai thác.
“Ngay sau khi nhận được thông tin việc hồ sơ không rõ ràng, tôi đã cử anh em xuống tận địa phương để làm việc. Tuy nhiên, hiện hộ bà H’Yô Na Byã đang đi làm nương rẫy ở xa nên chúng tôi đang chờ bà về nhà để tiếp tục xác minh, làm rõ”, ông Tiếp nhấn mạnh.
Trước thông tin hồ sơ có 2 cây đa sộp khai thác tại Ea Hồ nhưng xã phủ nhận việc xác nhận, ông Đỗ Quang Tùng - Quyền Cục trưởng Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp - Bộ NN-PTNT) cho biết “hiện lực lượng kiểm lâm đang tiến hành xác minh, người dân nói khai thác ở đâu thì chúng tôi sẽ yêu cầu họ chỉ ra vị trí khai thác để tới đó xác minh xem có đúng như vậy không”.
"Quái thú" thứ ba được khẳng định có giấy tờ chuẩn
Theo hồ sơ, một trong ba cây quái thú là của ông Phạm Đình Thướng (SN 1967, ngụ thôn 3, xã Ea Pil, huyện M’Đrắk).
Để xác minh, làm rõ thông tin này, sáng 5/4, PV báo Dân trí trực tiếp liên hệ với ông Vũ Văn Lương – Chủ tịch UBND xã Ea Phil (huyện M’Đrắk) thì được cho biết, ông Phạm Đình Thướng từng làm đơn xin địa phương xác nhận về một cây đa sộp nằm trên rẫy nhà mình.
Ông Phạm Đình Thướng chỉ vị trí khai thác cây đa sộp của gia đình ông |
“Xã xác nhận ông Thướng đúng là người có hộ khẩu tại địa bàn và cho cán bộ địa chính xác nhận đúng là có một cây đa nằm tại khu rẫy như ông Thướng trình báo. Còn lại việc cho phép khai thác là do Hạt kiểm lâm huyện làm, có giấy tờ đầy đủ hết”, ông Lương cho hay.
Trong hồ sơ, cây đa sộp của ông Thướng có đường kính gốc 1,8m, dài 8m, khối lượng hơn 9m3. Đơn xin khai thác và vận chuyển cây đa sộp thể hiện, để tặng cho anh Lương Anh Tuấn vận chuyển về xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất (Hà Nội) làm bóng mát.
Một số cành cây đa sộp của ông Thướng còn sót lại |
Ông Thướng cũng thừa nhận có một người bạn của ông đã xin gốc cây đa này, do cây đa lớn chiếm nhiều diện tích trong rẫy và tỏa bóng làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của một số loại cây trồng khác nên đồng đã đồng ý cho bạn bứng đi vào ngày 12/3.