1. Khủng hoảng người tị nạn Châu Âu

Một người tị nạn Syria bế theo một đứa trẻ bơi về phía bờ khi còn cách đảo Lesbos, Hy Lạp,
khoảng 100 m

4 triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa do cuộc nội chiến Syria và hơn 750.000 người tị nạn. Trên những chiếc thuyền vượt biển và cả trên bộ, người di cư nhằm đích đến Châu Âu với thân xác tàn tạ tìm kiếm tương lai tốt hơn. Dòng người tị nạn đổ đến Châu Âu đã biến thành cuộc di cư lớn nhất loài người thế kỷ 21. Các chính phủ Châu Âu bấn loạn, tìm mọi cách đối phó, cả đánh chìm tàu, bắn vào người di cư nhưng trên hết, trước vấn đề nhân đạo, đối xử giữa con người với con người, người tị nạn đã đạt được mục đích sau khi các nước Châu Âu phân bổ tiếp nhận cho mỗi nước.

2. Cuộc chiến tại Syria

Một cuộc không kích của Nga được thực hiện ở Homs, Syria

Cuộc nội chiến kéo dài gần 5 năm tại Syria đã giết chết khoảng 250.000 người và gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất kể từ Thế chiến II. Cuộc chiến tại Syria không còn bó hẹp trong khuôn khổ một cuộc nội chiến giữa phe nổi dậy và Chính phủ, mà còn kéo theo hệ quả địa chính trị rộng lớn hơn, với sự tham gia của các cường quốc, bao gồm Nga, Mỹ và liên minh chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) gồm hàng chục quốc gia và nhiều nhóm vũ trang đối lập khác. Việc Nga tham chiến là điểm đáng nói nhất của điểm nóng này trong năm 2015 khi qua vụ việc, Nga tiếp tục khẳng định vị thế với thế giới. Từ tháng 9, Nga bắt đầu chiến dịch không kích IS với sự đề nghị của Tổng thống Syria Assad. Cuộc nội chiến này phút chốc chuyển sang 1 hướng hoàn toàn khác, khi tiêm kích Thổ Nhĩ Kỳ tiêu diệt 1 máy bay chiến đấu Su-24 của Nga. Vụ việc này làm căng thẳng Nga với Thổ Nhĩ Kỳ đẩy tới đỉnh điểm, hàng loạt biện pháp quân sự, chính trị, kinh tế đang tiếp tục được cân nhắc nhưng hãy lưu ý, Nga đã có 1 cái cớ không thể tốt hơn để đưa hệ thống phòng không tối tân S-400 khóa bầu trời phía nam Châu Âu

3. Chủ nghĩa khủng bố bành trướng hoạt động

Mảnh vỡ của máy bay Nga rơi trên bán đảo Sinai, Ai Cập, ngày 31/10

Chủ đề khủng bố suốt năm 2015 ám ảnh bởi cái tên IS – tổ chức Nhà nước hồi giáo tự xưng. Ngày 31/10, khủng bố máy bay Nga tại bán đảo Sinai, Ai Cập, 224 người thiệt mạng, IS gài bom trên máy bay. Tại Pháp, đầu năm IS xả súng vào tòa soạn tạp chí châm biếm Charlie Hebdo, cuối năm tiến hành 6 vụ khủng bố liên hoàn thứ 6 ngày 13 rung chuyển kinh đô ánh sáng, 130 người thiệt mạng; vụ xả súng ở California, Mỹ ngày 3/12 và hàng trăm vụ lớn nhỏ khác khắp thế giới. 2015, IS tấn công thế giới trên phần đất 3 châu lục, mở rộng mạng lưới hoạt động với nhiều nhánh và phần tử tham gia ở khắp nơi trên thế giớ. Ước tính, 80% số người thiệt mạng tại Afghanistan, Iraq, Nigeria, Pakistan và Syria là do khủng bố gây ra.

Không chỉ hoạt động tại các điểm nóng Trung Đông hay tấn công nhằm vào các quốc gia phương Tây, năm 2015, chủ nghĩa cực đoan đã gõ cửa Châu Á. Điển hình là vụ phiến quân Duy Ngô Nhĩ đánh bom ngôi đền Erawan, trung tâm thủ đô Bangkok, Thái Lan đã khiến 20 người thiệt mạng và 80 người khác bị thương.

3 sự kiện này thực chất liên quan mật thiết đến nhau theo 1 logic, Chủ nghĩa tư bản luôn tạo ra bất ổn ở mỏ dầu Trung Đông. Họ đã rất thành công khi IS ngày càng mạnh thêm, gây rối loạn cả khu vực. Nội chiến ở Syria buộc phải kéo dài liên miên. Chỉ có điều, người tị nạn tràn sang Châu Âu và Nga tham chiến, tìm cách nâng cao vai trò là nằm ngoài những tính toán này. Nếu tìm 1 bức tranh tươi sáng ở Trung Đông trong năm 2015, không thể tiêu biểu hơn là việc nhóm P5+1 gồm Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Mỹ, Đức cùng Iran đã đạt được thỏa thuận về chương trình hạt nhân gây tranh cãi khi cuối cùng, Iran phải cắt giảm khoảng 97% kho dự trữ uranium làm giàu để đổi lấy việc gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt. Lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei tuyên bố Washington vẫn còn là “kẻ thù số 1 và Tehran sẽ không bao giờ thay đổi quan điểm theo hướng của Washington.

4. Thế giới đạt được thỏa thuận về biến đổi khí hậu

Chủ tịch COP21 Laurent Fabius gõ búa thông qua Thỏa thuận

Ngày 12/12, tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21), đại diện của 196 bên tham gia đã chính thức thông qua thỏa thuận lịch sử nhằm ngăn chặn tình trạng ấm lên của trái đất, với mục tiêu quan trọng nhất là giữ nhiệt độ trái đất không tăng quá 2 độ C so với thời điểm tiền công nghiệp cuối thế kỷ XIX, đồng thời kèm theo khuyến nghị quyết tâm đạt được mức 1,5 độ C. Thỏa thuận này sẽ phát huy hiệu lực từ sau năm 2020, kết thúc sự tranh cãi kéo dài nhiều năm giữa các nước giàu và nước nghèo trong việc thực hiện chiến dịch trị giá hàng nghìn tỷ USD nhằm đối phó với tác động của biến đổi khí hậu.

5. Trung Quốc có nhiều động thái làm nóng tình hình Biển Đông

Tình hình mới trên biển Đông đã làm nóng các diễn đàn an ninh trong khu vực như Đối thoại
Shangrila 2015 và Hội nghị tương lai châu Á

Trong năm 2015, Trung Quốc đã tiến hành bồi đắp các đảo nhân tạo phi pháp trên Biển Đông, khiến vùng biển này lại dậy sóng. Hành động của Trung Quốc đã khiến nhiều quốc gia trong khu vực và cộng đồng quốc tế bày tỏ quan ngại sâu sắc về âm mưu độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh. Mỹ cáo buộc hoạt động xây dựng phi pháp của Trung Quốc là “quân sự hóa” Biển Đông, đe dọa tự do hàng không và hàng hải trên Biển Đông và quyết định điều tàu tuần tra khu vực 12 hải lý quanh các đảo Trung Quốc cải tạo trái phép trong khu vực quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Tình hình mới trên biển Đông đã làm nóng các diễn đàn an ninh trong khu vực như Đối thoại Shangrila 2015 và Hội nghị tương lai châu Á.

6. Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP)

Đại diện 12 nước tham gia đàm phán TPP tại Atlanta (Mỹ)

Sau 7 năm đàn phán, Mỹ và 11 quốc gia trong đó có Việt Nam đã đạt được thỏa thuận Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). TPP được xem là thỏa thuận thương mại lớn nhất trong lịch sử nhân loại, giúp giảm thuế xuất nhập khẩu, cũng như bãi bỏ các rào cản bảo hộ thương mại tại 12 quốc gia thành viên. Các nước này hiện chiếm đến 40% tỷ trọng kinh tế toàn cầu. TPP cũng được cho là giúp Tổng thống Mỹ Barack Obama củng cố chiến lược tái cân bằng hay “xoay trục” sang Châu Á. Tuy nhiên, Tổng thống Obama chưa thật sự giành được chiến thắng với TPP bởi vì TPP có nguy cơ bị Quốc hội Mỹ do Đảng Cộng hòa kiểm soát bỏ phiếu phủ quyết. Bên cạnh đó, một số nhà làm luật Mỹ đã lên tiếng bày tỏ lo ngại TPP sẽ làm mất đi nhiều công ăn việc làm của dân Mỹ. Ông Obama sẽ phải thuyết phục Quốc hội Mỹ bỏ phiếu thông qua một dự luật để TPP chính thức có hiệu lực. Các nhà phân tích cho rằng việc Quốc hội Mỹ bỏ phiếu khó có thể diễn ra trước cuộc bầu cử năm 2016.

7. Kinh tế: Giảm!

“Sự mất giá của đồng Nhân dân tệ sẽ còn được đẩy nhanh trong năm 2016”, chuyên gia kinh tế
cấp cao Bill Adams thuộc công ty PNC Financial Services nhận định ngày 9/12.

Trung Quốc đột ngột giảm giá Nhân dân tệ 1,9% vào tháng 8 năm 2015 gây nên sự khủng hoảng nhất định, ảnh hưởng đến các thị trường tài chính toàn cầu. Giá dầu thô những phiên cuối năm 2015 đã dò đáy ở mức dưới 40 USD một thùng, thấp nhất trong 7 năm do cung tiếp tục vượt quá cầu. Nhật Bản thoát suy thoái, Trung Quốc tăng trưởng thấp nhất 6 năm…Trong khi đó, quyết định đưa Nhân dân tệ của Trung Quốc vào danh sách các đồng tiền quy đổi của Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) - loại tiền tệ quy ước của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) là dấu mốc quan trọng trong nỗ lực 5 năm của Trung Quốc trên con đường tăng cường ảnh hưởng lên nền kinh tế toàn cầu và cũng như một sự thừa nhận của thế giới đối với nỗ lực quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ của Chính phủ Trung Quốc.

8. Quan hệ Mỹ - Cuba cải thiện sau hơn nửa thế kỷ

Tổng thống Obama tuyên bố về việc tái lập quan hệ ngoại giao với Cuba, bên cạnh
Phó Tổng thống Joe Biden

Ngày 14/8/2015 đã trở thành dấu mốc lịch sử trong quan hệ giữa Mỹ và Cuba khi lần đầu tiên quốc kỳ của Mỹ được kéo lên tại thủ đô La Habana của Cuba sau 54 năm kể từ khi hai nước cắt đứt quan hệ ngoại giao. Thỏa thuận đồng ý khôi phục dịch vụ thương mại hàng không lần đầu tiên trong hơn 50 năm qua cũng đã cho phép những chuyến bay khứ hồi mỗi ngày giữa hai nước. Đây là bước đi đáng kể sau đúng một năm (ngày 17-12-2014) hai bên khôi phục quan hệ ngoại giao.

9. Những Thảm họa!

Cảnh sát Nepal đưa các thi thể tìm thấy tại một tòa nhà sập ở thủ đô Kathmandu

Những tai nạn trên quy mô lớn mà có thể gọi là thảm họa, làm chết nhiều người, năm nào cũng diễn ra. Đó là những tai nạn bất thình lình, cũng có thể là những mối nguy an toàn đã được cảnh báo từ trước. Năm 2015, động đất kinh hoàng tại Nepal mạnh 7,8 độ Ricter xảy tại thủ đô Kathmandu, hôm 25/4 đã cướp đi sinh mạng hơn 8.000 người, khoảng 18.000 người khác bị thương trong khi có đến 8 triệu người bị ảnh hưởng bởi trận động đất này. Thảm họa giẫm đạp ở Mecca từng xảy ra nhiều lần. Những tín đồ đạo Hồi ai cũng có mong ước hành hương đến Mecca 1 lần trong đời, ai cũng biết nguy hiểm ở đó nhưng rồi hơn 2.000 người đã người thiệt mạng. Đây là vụ giẫm đạp có hậu quả nghiêm trọng nhất trong lễ hành hương Hajj kể từ năm 1990, khi đó hơn 1.400 người thiệt mạng.

Vụ nổ kho hóa chất tại Thiên Tân, Trung Quốc hôm 12/8 đã khiến 123 người thiệt mạng, hơn 500 người khác bị thương, phá hủy nhiều tòa nhà lân cận và thiêu rụi hơn 1.000 chiếc ôtô. Sau vụ nổ này, giới chức trách Trung Quốc đã bắt giữ 12 người có liên quan và siết chặt quy định về tiêu chuẩn an toàn tại các nhà máy sản xuất công nghiệp khắp cả nước.

10. Trong kỷ nguyên mà Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào mọi mặt đời sống quốc tế, việc nắm bắt tin tức thời sự, diễn biến tình hình trên các mặt chính trị - kinh tế - xã hội – khoa học - giáo dục…là công việc và nhu cầu của tất cả mọi người.

Các bạn đang nghĩ đến điều gì? Cộng đồng ASEAN, một cuộc xung đột nào đó, hay đơn giản là cần một sự kiện giải trí, xin hãy tự đưa ra đáp án cho mình. Đó cũng là cách để mỗi quý vị khán giả, cùng Thainguyentv.vn tiếp tục theo dõi, phân tích, bình luận và rút ra cho mình những vấn đề của thế giới đương đại. Một thế giới mà chúng ta đang sống, là hạt nhân và góp phần định hình bằng chính ước mơ và việc làm của mình./.

Thainguyentv.vn