10 miệng núi lửa cổ "hiếm hoi thế giới" ít người biết ở đảo Lý Sơn
Tại hội thảo "Phát triển du lịch Lý Sơn" sáng 30.8, PGS.TS Vũ Cao Minh, Viện Địa Chất - Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam công bố kết quả nghiên cứu di sản địa chất ở huyện đảo này.
Sau thời gian dài nghiên cứu, ông Minh cùng các chuyên gia xác định ở huyện đảo Lý Sơn có 10 miệng núi lửa. Trong đó, sáu miệng núi lửa ở đảo Lớn, một miệng ở đảo Bé, ba miệng núi lửa ngầm dưới mặt biển.
Bảo tàng núi lửa
Du khách tham quan bãi đá trầm tích Hang Sau, đảo Bé Lý Sơn. Ảnh: M.Hoàng. |
Vị chuyên gia này ví di sản địa chất nơi đây như bảo tàng thiên nhiên núi lửa biển. Miệng núi lửa Thới Lới cao 149 m, Giếng Sỏi cao 106 m, Giếng Tiền cao 86 m đều là những đài quan sát lý tưởng hấp dẫn du khách.
Trong khi đó miệng núi lửa ngầm ở độ sâu 40-50 m phía nam đảo Lý Sơn có đường kính tương đương với miệng núi lửa Thới Lới trên mặt đất. Phía Tây đảo Lớn cũng có núi lửa ngầm dưới biển nhô cao gần khu vực thắng cảnh Giếng Tiền. Đây là nguồn tài nguyên quý cần được khai thác phục vụ phát triển du lịch lặn biển khám phá núi lửa biển.
Riêng ba vách đá Hang Cau, chùa Hang, Giếng Tiền trải dài hàng trăm mét có giá trị lớn về khoa học, cảnh quan kỳ vĩ. Tài nguyên du lịch địa chất, địa mạo ở Lý Sơ là độc đáo hiếm hoi thế giới. Cụm núi lửa từ Thới Lới đến chùa Hang có cấu tạo đặc biệt, hai núi lửa chồng lên nhau.
Niên đại 9 đến 11 triệu năm
Miệng núi lửa cổ Hang Cau và chùa Hang phun nổ sớm khoảng 9-11 triệu năm. Núi lửa cổ này phun lên lượng đá basalt lớn tạo nên phần nền cả đảo Lý Sơn hiện nay. Còn miệng núi lửa có hồ nước trên đỉnh Thới Lới phun nổ cách nay 1 triệu năm.
Các chuyên gia đề xuất xây dựng Lý Sơn là huyện đảo độc đáo, kỳ thú về du lịch núi lửa biển; quy hoạch và xây dựng kiến trúc công trình lấy cảm hứng từ núi lửa; gắn với quy định độ lớn và chiều cao công trình nhằm bảo tồn di sản dễ tổn thương, khôi phục cảnh quan và di sản địa chất đã bị xâm hại.
Nhìn nhận về tiềm năng phát triển du lịch địa phương này, ông Đặng Ngọc Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết Lý Sơn là nơi lưu giữ nhiều bằng chứng lịch sử về chủ quyền biển đảo trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Dòng chảy lịch sử lưu truyền, hòa quyện bản sắc riêng có của các tộc người nối tiếp nhau cộng cư trên mảnh đất này. Hoạt động phun trào núi lửa đã tạo nên hình thế Lý Sơn độc đáo với thềm địa chất hàng triệu năm.
Hiện Quảng Ngãi đã mời chuyên gia giúp hoàn thành hồ sơ kiến nghị UNESSCO công nhận Lý Sơn, Bình Châu và vùng phụ cận thành công viên địa chất toàn cầu. Ông Dũng cho rằng, hội thảo “Phát triển du lịch Lý Sơn” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm cụ thể hóa các giải pháp phù hợp với đặc thù cho hoạt động du lịch Lý Sơn.
Từ kết quả nghiên cứu, hiến kế các nhà khoa học, địa phương này đánh giá đúng thực trạng hoạt động du lịch thời gian qua, xây dựng định hướng và giải pháp phát triển du lịch trong thời gian đến. Đây là cơ hội kết nối các sản phẩm văn hóa, du lịch góp phần đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch Lý Sơn - Quảng Ngãi với cả nước và quốc tế.
Thống kê của huyện Lý Sơn, năm 2016 gần 165.000 lượt du khách đến du lịch. 8 tháng đầu năm 2017 có 210.000 lượt khách đến đây tham quan. Ngành du lịch Quảng Ngãi đặt mục tiêu đến 2020, Lý Sơn trở thành đảo du lịch quốc gia theo tiêu chí công viên địa chất toàn cầu.
Hiện, Quảng Ngãi đã thành lập trung tâm lặn biển ngắm san hô kết hợp với khám phá di sản địa chất kỳ thú gồm hệ thống hang động, cổng tò vò dưới nước, miệng núi lửa ngầm và tàu cổ đắm quanh vùng biển đảo Lý Sơn phục vụ du khách.