Nhà nước thứ hai trong lịch sử Việt Nam là nước Âu Lạc, với người thủ lĩnh kiệt hiệt là Thục Phán, đã chống lại sự xâm lược ào ạt của quân Tần từ phương Bắc tràn xuống. Sự kiện này đã nói rõ một đặc điểm của lịch sử Việt Nam: Bắt đầu dựng nước cũng là bắt đầu giữ nước. Tư thế chung của dân tộc ta trong suốt cả dặm dài lịch sử là luôn luôn phải vừa lao động dựng nước, vừa chiến đấu giữ nước.

tu chu nghia yeu nuoc den van hoa quan su viet nam

Tái hiện Ông Gióng đánh trận trong Lễ hội Gióng Phù Đổng, huyện Gia Lâm (TP Hà Nội). Ảnh: ANH THẢO

Đến cuối thế kỷ 3 trước Công nguyên (TCN), cuối thời Văn Lang-đầu thời Âu Lạc, dân tộc Việt Nam đã đi vào chính sử. Công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã được thực hiện một cách quyết liệt và có hiệu quả lớn.

Sau chiến thắng quân Tần, khoảng năm 208 TCN, nhân uy tín sẵn có, Thục Phán tự xưng là An Dương Vương, đổi quốc hiệu thành Âu Lạc, phản ánh sự hợp nhất chặt chẽ giữa hai thành phần Việt tộc trong một chỉnh thể quốc gia, một kết cấu chính trị-xã hội cao hơn Nhà nước Văn Lang. Có thể xem Âu Lạc là đỉnh cao cuối cùng của kỷ nguyên bắt đầu dựng nước và giữ nước. Trên cơ sở đó, Thục Phán quyết định dời đô từ Việt Trì về ngã ba sông Đuống-sông Hồng, là vùng đất Cổ Loa, xây thành, đánh dấu sự phát đạt của nền kinh tế vùng đồng bằng. Sự thành lập Nhà nước Âu Lạc là bước phát triển kế tục nước Văn Lang, tạo thành thời đại Văn Lang-Âu Lạc, một thời đại vô cùng quan trọng trong lịch sử Việt Nam. Đó cũng là kỷ nguyên mở đầu truyền thống dựng nước và giữ nước oai hùng của dân tộc và từ đó được nâng lên thành chủ nghĩa yêu nước Việt Nam.

Trong lịch sử Việt Nam, có một thời gian rất dài-thời Bắc thuộc và chống Bắc thuộc-tới 1.117 năm, tính từ khi Triệu Đà xâm chiếm nước Âu Lạc (179 TCN) đến chiến thắng Bạch Đằng lần thứ nhất (938), sống ngột ngạt dưới chế độ Bắc thuộc hơn mười một thế kỷ, với chủ nghĩa yêu nước nồng cháy từ một dân tộc hình thành sớm, hầu như lúc nào nhân dân ta cũng sẵn sàng vùng dậy, quyết giành chính quyền về mình và trên thực tế, đã tìm ra được phương pháp thích hợp và hiệu quả. Thời kỳ này, nhân dân ta biết nâng hình thức khởi nghĩa lên thành khởi nghĩa dân tộc, với sự tham gia của cả nước, của toàn dân. Từ khởi nghĩa, nhân dân ta đã phát triển thành chiến tranh giải phóng dân tộc. Với hai loại hình đấu tranh vũ trang độc đáo trên, đặc biệt là chiến tranh giải phóng dân tộc, nhân dân ta đã vĩnh viễn chấm dứt chế độ Bắc thuộc vào thế kỷ 10 và tiếp sau đó là vào thế kỷ 15.

Âm mưu xâm lược của các đế chế phong kiến phương Bắc tuy chưa hết nhưng tinh thần độc lập, tự chủ của người Việt thì đến đây đã được khẳng định. Dưới thời Độc lập-Tự chủ, trong mối quan hệ biện chứng với chủ nghĩa yêu nước, quá trình biết đánh và biết thắng của văn hóa quân sự Việt Nam, mà nghệ thuật quân sự là tiêu điểm, đã có nhiều đóng góp rất sáng tạo. Với tương quan lực lượng phải lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh trước mọi đạo quân xâm lược, bên cạnh những hành động đấu tranh vũ trang, trong văn hóa quân sự đã xuất hiện những hành động đấu tranh phi vũ trang, bên cạnh yếu tố trí tuệ đã xuất hiện những yếu tố nhân văn. Đó là nét độc đáo của văn hóa quân sự Việt Nam mà trên thế giới hiếm thấy dân tộc nào có được.

Thông thường trong chiến tranh, một chân lý vĩnh cửu là “mạnh được yếu thua”. Điều tưởng như hợp lý đó đã làm cho những người tham chiến trở nên độc ác, tàn bạo. Chém giết, đốt phá tối đa, miễn là tạo được sức mạnh để chiến thắng. Để chiến thắng nhất thiết phải suy nghĩ tới bạo lực. Nghiêm khắc mà nói, đó là lý luận của chiến tranh xâm lược, phi nghĩa, một loại hình chiến tranh thôn tính, cướp bóc, đàn áp, không hợp pháp, chống lại đạo lý, chống lại cách ứng xử đúng đắn của con người là luôn luôn muốn hòa bình, yên ổn để làm ăn, sinh sống.

Trái lại, loại hình chiến tranh mà dân tộc ta tiến hành trong hơn hai ngàn năm qua nhằm bảo vệ độc lập, tự do, là chiến tranh chính nghĩa, mang tính nhân văn cao cả. Dĩ nhiên, khi quân xâm lược mang bạo lực đến thì nhân dân ta buộc phải dùng bạo lực để chống lại. Trước hết là bằng vũ khí. Là một đất nước có nhiều địa hình sông nước, loại vũ khí rất khác lạ lần đầu tiên xuất hiện dưới thời Tự chủ là cọc Bạch Đằng cùng với những chiếc thuyền chiến. Thực ra, ngay từ thời nước Âu Lạc, dân tộc ta cũng đã có những chiếc thuyền chiến như thuyền Mông Đồng cùng với loại vũ khí đánh xa là nỏ Liên Châu. Từ đó, thuyền chiến ngày càng được cải tiến, thành loại thuyền Cổ Lâu, thuyền Đại Hiệu. Khi vũ khí nóng xuất hiện, nhân dân ta đã có những kiểu loại độc đáo như: “Thần cơ sang pháo” (súng cầm tay và đại bác có máy móc như thần), hỏa hổ, voi pháo (đại bác đặt lên lưng voi)… Đó là những loại vũ khí được sử dụng trong chiến tranh giữ nước chống phong kiến xâm lược phương Bắc. Sau này, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, những quân đội có vũ khí tối tân, hiện đại thì việc ứng phó của dân tộc ta cũng có những thay đổi thích hợp. Phương châm của ta đề ra lúc ấy là: Lấy vũ khí địch đánh địch, tự chế tạo và nhận viện trợ. Từ một nền kinh tế nông nghiệp lúa nước lạc hậu, dân tộc ta không có điều kiện chế tạo vũ khí hiện đại nhưng việc sử dụng trên thực tế chiến địa lại có nhiều sáng tạo như các loại súng phóng lựu chống tăng B40, B41, súng tiểu liên AK47 cho bộ binh, pháo vác vai A12 và tên lửa SAM2 cho bộ đội phòng không… Trong chiến tranh, vũ khí có một vị trí rất quan trọng. Biết cách sử dụng nó, các lực lượng tham chiến sẽ giành được những chiến thắng đáng kể. Nhưng trong phương tiện tiến hành chiến tranh, bên cạnh việc sử dụng vũ khí thì con người đóng vai trò quyết định. Đó là những tổ chức quân sự.

Trong chiến tranh giữ nước, với tương quan phải lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh, dân tộc ta đã lấy lực lượng chính trị làm cơ sở để xây dựng nên quân đội thường trực làm nòng cốt cho lực lượng rộng rãi quần chúng vũ trang cùng đánh giặc. Từ quân đội thường trực, nhân dân ta đã từng bước hình thành nên hai thứ quân: Quân chủ lực của triều đình, của nhà nước cơ động chiến đấu trên phạm vi cả nước và quân địa phương chiến đấu trên phạm vi đạo, lộ, châu, huyện… làm nòng cốt cho quần chúng vũ trang là dân binh trong lịch sử, là dân quân tự vệ dưới thời hiện đại, chiến đấu ở làng, bản. Tổ chức quân sự với hình thức “ba thứ quân” là một loại hình hết sức độc đáo của Việt Nam mà xưa nay chưa từng có ở bất cứ một quốc gia nào trên thế giới.

Điểm độc đáo nhất trong nghệ thuật quân sự của ta là không cho địch đánh theo cách của mình mà buộc phải đánh theo cách của ta. Chính vì thế, quân xâm lược phải từ bỏ sở trường để rồi bị lúng túng, thất bại vì sở đoản. Những phương pháp hành động quân sự đó được phát triển, mở rộng và dần dần hình thành nên nghệ thuật quân sự Việt Nam, nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân, với các nội dung chủ yếu là: Tạo lực, lập thế, tranh thời, dụng mưu.

Điều đáng chú ý ở đây là trong nội dung nghệ thuật quân sự dân tộc, xuất phát từ chiến tranh chính nghĩa, bên cạnh những yếu tố trí tuệ-hợp lý, dân tộc ta còn đưa vào những yếu tố nhân văn-hợp pháp. Mục tiêu trong các cuộc chiến tranh giữ nước của dân tộc ta là đều biết dừng lại khi đã đè bẹp được ý chí xâm lược thay vì tiêu diệt đến tên lính cuối cùng. Chính vì thế mà sau những chiến thắng của quân và dân ta, trong lòng nhân dân của các nước từng cử quân sang xâm lược nước ta đã không có những hận thù trước chủ nghĩa yêu nước nhân văn và tính khoan dung cao cả của người Việt./.