Tham dự có Trung tướng Phan Văn Việt, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Tổng cục II; các đồng chí lãnh đạo Cục Nghiên cứu, Tổng cục II qua các thời kỳ; đại diện cấp ủy, chính quyền địa phương cùng đông đảo đồng chí, đồng đội và gia đình Thượng úy Nguyễn Thị Mỹ Nhung…

Báo cáo tại buổi lễ, Đại tá Hoàng Hùng, Phó cục trưởng Cục 12 (Tổng cục II), cho biết: Thượng úy Nguyễn Thị Mỹ Nhung (tên thường gọi là Tám Thảo, bí danh Nguyễn Thị Yên Thảo), sinh năm 1932, trong một gia đình tiểu tư sản buôn bán ở Chợ Bến Thành (Sài Gòn). Trong suốt thời gian tham gia cách mạng, nhất là trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, từ lúc ban đầu là giao liên bí mật nội thành Sài Gòn cho đến khi là điệp viên của Cụm Tình báo H63, đồng chí luôn dũng cảm, mưu trí, thông minh, sáng tạo, vượt qua sự kiểm soát nghiêm ngặt của địch để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

phong tang danh hieu anh hung llvt nhan dan cho thuong uy nguyen thi my nhung
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Trung tướng Phan Văn Việt trao bằng danh hiệu anh hùng LLVT cho Thượng úy Nguyễn Thị Mỹ Nhung.

Nổi bật trong những chiến công đó là lần đồng chí nhận nhiệm vụ vận chuyển 24 cuốn phim Kodak đi từ nội thành Sài Gòn ra Củ Chi, năm 1961. Khi đến địa phận Hóc Môn thì bị địch chặn lại để khám xét. Đồng chí đã bình tĩnh ứng phó, mưu trí qua mặt được tên chỉ huy và đưa tài liệu ra căn cứ an toàn.

Trong thời gian làm thông dịch viên tại cơ quan tình báo Bộ tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng hòa, đồng chí đã vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách, lấy được nhiều tài liệu quan trọng, góp phần phục vụ đắc lực cho cấp trên đưa ra những quyết định quan trọng giành thắng lợi trên chiến trường. Tiêu biểu là sơ đồ bố trí lực lượng của Tổng bộ Hải quân Việt Nam Cộng hòa; tài liệu đánh giá của Mỹ, ngụy về Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968…

Sau hòa bình lập lại, đồng chí Mỹ Nhung tiếp tục công tác tại Đoàn 1752, Cục Nghiên cứu, Bộ Tổng tham mưu. Đến năm 1979, đồng chí chuyển công tác về Sở Văn hóa-Thông tin TP Hồ Chí Minh, rồi nghỉ hưu năm 1993.

Trong suốt quá trình phục vụ cách mạng, đồng chí Nguyễn Thị Mỹ Nhung được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương các loại. Ngày 30-8-2018, đồng chí Mỹ Nhung được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Phát biểu tại buổi lễ, Trung tướng Phan Văn Việt, Chính ủy Tổng cục II nêu rõ: Danh hiệu cao quý mà Đảng, Nhà nước và nhân dân phong tặng đồng chí Nguyễn Thị Mỹ Nhung là sự ghi nhận công lao cống hiến to lớn, xuất sắc của đồng chí trong 45 năm phục vụ cách mạng, nhất là những chiến công trong hơn 20 năm thực hiện nhiệm vụ giao thông viên bí mật của Cụm tình báo H63, trực tiếp chuyển, nhận tài liệu, sự chỉ đạo của tổ chức và tài liệu tối mật từ điệp viên, Anh hùng LLVT nhân dân Phạm Xuân Ẩn về chiến khu an toàn… Dù trong môi trường hoạt động nào, cương vị công tác nào, đồng chí Mỹ Nhung cũng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, lập nhiều chiến công, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Tấm gương anh hùng của đồng chí Mỹ Nhung sẽ là nguồn cổ vũ to lớn để cán bộ, nhân viên, chiến sĩ toàn Tổng cục II noi theo, không ngừng phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ, xứng đáng với truyền thống anh hùng của ngành Tình báo Quốc phòng Việt Nam./.