10 giờ 45 phút, ngày 15-9, chúng tôi tới địa bàn huyện Cẩm Xuyên; thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Gió bắt đầu gầm rít từng hồi, cây cối nghiêng ngả đổ sạt, tôn bay loảng xoảng mọi nơi. Ông Chu Minh Ấn, 87 tuổi, ở xóm Hải Phong 1, xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh nói: “Đây là cơn bão lớn nhất mà tôi từng chứng kiến”. Trước diễn biến phức tạp của bão số 10, toàn bộ hơn 1.000 dân làng biển Hải Phong, xã Kỳ Lợi, nơi xác định tâm bão đi qua, được yêu cầu sơ tán đến những nơi an toàn. Ông Ấn và vợ đã lên Ban chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng Vũng Áng-Sơn Dương (BĐBP tỉnh Hà Tĩnh) để lánh nạn. Đơn vị biên phòng trở thành nơi tránh trú bão của hơn 200 người dân làng biển Hải Phong, trong đó chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ em. Trước tình huống khẩn trương, nhiều người không kịp mang theo gì ngoài chiếc chiếu, cái gối, tấm chăn để nghỉ tạm. Tại đây, người dân được cán bộ, chiến sĩ BĐBP san sẻ cơm, mì ăn liền, nước uống. Trong thời điểm tâm bão đang hoành hành, Trung úy Phạm Thanh Toại, nhân viên Trạm kiểm soát Cảng Vũng Áng-Sơn Dương vẫn tìm cách nấu mì ăn liền phục vụ người dân. Cụ Chu Thị Luân, 90 tuổi cho biết: “Tôi già rồi, gia đình lại neo người, nếu không có các chú BĐBP giúp đỡ thì thực sự không biết phải làm sao trước cơn bão này”. Cùng với việc sơ tán người, các đơn vị BĐBP cũng tìm mọi cách để giảm thiệt hại về tài sản cho nhân dân. Đồn Biên phòng Roòn (BĐBP tỉnh Quảng Bình) cũng trở thành nơi tránh trú bão của hơn 30 hộ dân, gồm 60 nhân khẩu của thôn Phú Xuân, xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch. Mặc dù gió giật liên hồi, sóng biển dâng cao gây ngập một số khu vực trong các thôn, nhưng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Roòn vẫn bất chấp hiểm nguy xuống địa bàn đưa toàn bộ người dân về đơn vị tránh trú. Đại úy Trịnh Tư Thắng, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Roòn, nói: “Khi nhận được thông tin địa bàn đóng quân là nơi tâm bão đi qua, chỉ huy đơn vị đã tập trung quân số giao nhiệm vụ rõ ràng. Mấy ngày nay, nhiều cán bộ, chiến sĩ không biết đến giấc ngủ, tất cả đều lo lắng để bảo vệ tính mạng và tài sản cho nhân dân”.

llvt quan khu 4 tap trung giup dan trong bao

Cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế giúp người dân dựng lại nhà. Ảnh: Trần Tình.

Đến chiều 15-9, bão số 10 vẫn tiếp tục gây mưa to, gió lớn trên địa bàn hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình. Trên con đường từ cảng Vũng Áng đến thị xã Kỳ Anh, nhiều nhà dân bị tốc mái hoàn toàn, một số thùng container vốn được sử dụng để làm điểm buôn bán bị gió bão “đưa” ra giữa Quốc lộ 12C. Quốc lộ 1A nhiều điểm bị tê liệt do nước ngập; cây cối, cột điện đổ gây ách tắc giao thông. Thị trấn Kỳ Anh thiệt hại nặng. Hệ thống điện lưới bị đổ, đứt ở nhiều nơi gây mất điện trên diện rộng. Hệ thống viễn thông bị hỏng nặng, hầu như không liên lạc được bằng điện thoại di động. Trên sông Quyền, thuộc xã Kỳ Trinh, huyện Kỳ Anh có rất nhiều tàu cá công suất lớn của ngư dân đang neo đậu bị sóng đánh chìm. Nhiều chiếc va đập vào nhau hư hỏng nặng.

Địa bàn tỉnh Quảng Bình, nơi bão số 10 quét qua cũng thiệt hại rất nặng. Theo thống kê ban đầu đã có 1 người chết, 6 người bị thương, nhiều nhà cửa, tàu thuyền của nhân dân bị hư hỏng. Một số địa phương vùng trũng bị cô lập hoàn toàn. Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Phạm Xuân Diệu, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Quảng Bình cho biết: “Chưa thể thống kê được con số chính xác, nhưng khoảng 60% nhà dân trên địa bàn tuyến biển của tỉnh bị tốc mái. Một số tàu công suất lớn của ngư dân neo đậu trong âu bị hư hỏng nặng. Nhiều địa bàn biên phòng vẫn chưa thể liên lạc được”.

Tại thị xã Ba Đồn, Quảng Bình, vùng tâm bão đi qua, gần 100 cán bộ, chiến sĩ thuộc Bộ CHQS tỉnh, Ban CHQS thị xã Ba Đồn, Ban CHQS huyện Quảng Trạch cùng DQTV được huy động phối hợp với các ban, ngành, địa phương thu gom cây xanh, cột điện gãy đổ, vệ sinh môi trường. Cán bộ, chiến sĩ các đơn vị LLVT tỉnh cũng xuống từng hộ dân bị thiệt hại, trực tiếp thăm hỏi, động viên, giúp đỡ, dựng lại nhà bị đổ sập. Ông Trần Văn Lực ở phường Quảng Long, thị xã Ba Đồn, xúc động nói: “Con cái ở xa, thật sự tôi rất hoang mang vì không biết sẽ sống ra sao trong những ngày tới. Thật may, các anh bộ đội có mặt kịp thời, giúp gia đình lợp lại mái ngói, sắp xếp, sửa chữa đồ dùng sinh hoạt”. Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình đã huy động hơn 8.000 cán bộ, chiến sĩ bộ đội địa phương, DQTV cùng nhiều phương tiện cơ động về các địa phương giúp đỡ nhân dân, sớm ổn định cuộc sống.

Tại Quảng Trị, trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, Trung tá Hồ Viết Hưng, Trưởng ban Công binh, Bộ CHQS tỉnh cho biết: "Trên đảo Cồn Cỏ mất điện, sóng biển cao 3-5m. Toàn bộ nhà lợp bằng tôn đã bị tốc mái, cửa kính tại các công trình công cộng, như trường học, trạm y tế đã bị đánh vỡ, hàng trăm cây xanh bị đổ… Hiện nay, doanh trại của Đại đội 7 công binh (Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị) tại huyện đảo Cồn Cỏ bị tốc mái, cán bộ, chiến sĩ phải ở tạm trong hầm địa đạo... nhưng vẫn tích cực giúp dân. Chị Nguyễn Thị Thắm, người dân trên đảo Cồn Cỏ nói: "Từ chiều hôm qua, chúng tôi được bộ đội trên đảo giúp chằng chống nhà cửa, hỗ trợ sơ tán đến hầm trú ẩn. Nhờ sự có mặt và giúp đỡ của bộ đội nên chúng tôi thấy rất yên tâm".

Trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả tại phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy, Đại tá Nguyễn Hồng Sơn, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên-Huế yêu cầu cán bộ, chiến sĩ cùng các lực lượng khẩn trương lợp lại mái nhà cho người dân, cố gắng không để hộ dân nào phải chịu cảnh mưa gió và ngủ ngoài trời. Ngôi nhà cấp 4 của gia đình chị Nguyễn Thị Hường, ở tổ dân phố 4, phường Thủy Phương bị tốc mái hoàn toàn. Hoàn cảnh gia đình chị Hường rất khó khăn, nhà chỉ có ba mẹ con. Để giúp gia đình chị Hường, cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh đã mượn tạm tấm tôn của một số gia đình khác về lợp lại mái nhà cho ba mẹ con chị... Toàn thị xã Hương Thủy có 439 nhà bị tốc mái. Để kịp thời giúp nhân dân sửa chữa nhà cửa, Bộ CHQS tỉnh huy động hơn 120 cán bộ, chiến sĩ thuộc Trung đoàn 6; 20 cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS thị xã Hương Thủy cùng 40 chiến sĩ dân quân đến hiện trường giúp nhân dân. Đến 16 giờ, ngày 15-9, cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh và các lực lượng giúp dân đã hoàn thành việc sửa chữa nhà cho hơn 50% hộ dân bị tốc mái hoàn toàn.

Ứng phó với bão số 10, Bộ tư lệnh Quân khu 4 đã điều động lực lượng, phương tiện của Sư đoàn 968, Sư đoàn 324, Lữ đoàn Thông tin 80 với gần 3.000 cán bộ, chiến sĩ; hàng trăm xe ô tô, tàu, thuyền. Lữ đoàn Xe tăng 215 điều động 170 cán bộ, chiến sĩ cùng nhiều phương tiện. Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 4 cho biết: Trong ngày hôm nay (16-9), các cơ quan, đơn vị Quân khu 4 tiếp tục bám địa bàn, sẵn sàng điều động lực lượng, phương tiện khắc phục hậu quả cơn bão số 10, nhanh chóng hỗ trợ, giúp nhân dân ổn định đời sống.