Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, những năm qua, đội ngũ CBQL, PV, BTV các cơ quan báo chí đã nỗ lực không ngừng trong việc thực hiện nhiệm vụ thông tin đầy đủ, toàn diện và kịp thời các sự kiện thời sự, tình hình chính trị, kinh tế-xã hội, QPAN; giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Nhiều bài báo đã phân tích sâu sắc, nêu rõ được quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; là kênh thông tin quan trọng giúp Chính phủ điều hành phát triển kinh tế, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội. Báo chí thực sự là hạt nhân trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, chống "diễn biến hòa bình" và các luận điệu xuyên tạc, phản động của các thế lực thù địch. Đồng thời, các hoạt động thông tin đối ngoại của báo chí trong nước đã chuyển tải ra thế giới những thông tin sinh động, đa chiều về đất nước, con người Việt Nam thanh bình, năng động và giàu tiềm năng phát triển.

Theo đồng chí Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy viên Hội đồng GDQPAN Trung ương, báo chí không những là công cụ tuyên truyền sắc bén của Đảng, mà còn là công cụ giám sát xã hội đối với bộ máy nhà nước, góp phần chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, là diễn đàn của nhân dân, cầu nối giữa mọi tầng lớp nhân dân với Đảng và Nhà nước, giữa nhân dân ta với thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, các thế lực thù địch luôn tìm cách tuyên truyền, xuyên tạc nhằm chống phá cách mạng Việt Nam; coi internet, mạng xã hội là phương tiện quan trọng để kích động, xuyên tạc tình hình chính trị, kinh tế, xã hội ở trong nước nhằm gây mất niềm tin, chia rẽ, tạo bức xúc, nghi ngờ, bất bình trong công chúng, thực hiện âm mưu "diễn biến hòa bình", kích động gây rối, bạo loạn… Vì vậy, công tác giáo dục BDKTQPAN có vị trí hết sức quan trọng, bao gồm việc tập huấn, BDKTQPAN cho những người làm công tác báo chí để nâng cao hiểu biết, lý luận, nhận thức và vận dụng trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ.

hieu qua boi duong kien thuc quoc phong va an ninh cho nhung nguoi lam bao
Phóng viên các báo, đài tác nghiệp tại Hội thảo khoa học “Di tích lịch sử quốc gia Cây đa và đền La Tiến", tháng 3-2017.

Trung tướng Nguyễn Duy Nguyên, Cục trưởng Cục Dân quân tự vệ (Bộ Tổng Tham mưu) cho rằng: “Tuyên truyền, phổ biến hệ thống pháp luật QPAN bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ rất quan trọng. Ý thức được nhiệm vụ này, hằng năm, Cục Dân quân tự vệ đã tham mưu cho Ban Thường trực, Hội đồng Giáo dục QPAN Trung ương, chỉ đạo hội đồng GDQPAN các quân khu, địa phương tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên sâu các chuyên đề về kiến thức QPAN cho đội ngũ CBQL, PV, BTV… Trên cơ sở đó, hằng năm, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng chương trình tuyên truyền GDQPAN. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan báo chí trên toàn quốc tập trung tuyên truyền về QPAN và các ngày lễ kỷ niệm của quốc gia, nên công tác tuyên truyền GDQPAN trên các phương tiện thông tin đại chúng đạt được kết quả tốt; các báo, đài đều có chuyên trang, chuyên mục QPAN, tăng về thời lượng, bảo đảm chất lượng, thường xuyên đổi mới phương pháp tuyên truyền... Trong năm 2017, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành thông tư, hướng dẫn các cơ quan báo chí xây dựng chương trình, nội dung phổ biến kiến thức QPAN cho toàn dân và xây dựng kế hoạch phối hợp với Ban Thường trực Hội đồng GDQPAN Trung ương, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng KTQPAN cho 250 đồng chí lãnh đạo, PV, BTV các báo, đài. Qua đó đã giúp cho mỗi CBQL, PV, BTV nâng cao nhận thức về quan điểm, đường lối QPAN của Đảng, Nhà nước, nắm vững cơ chế lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của Nhà nước; nhận rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch… để từ đó kịp thời thông tin đến bạn đọc.

Có hơn 10 năm theo dõi về mảng quân sự, quốc phòng, phóng viên Kim Dung (Đài Phát thanh và Truyền hình TP Hải Phòng) chia sẻ: “Thời gian đầu, do chưa có nhiều kinh nghiệm và hiểu biết các thuật ngữ về quân sự, quốc phòng nên khi tác nghiệp, tôi còn bỡ ngỡ, thiếu tự tin. Tuy nhiên, sau một thời gian học tập kinh nghiệm của những người đi trước và tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức QPAN do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức, cũng như chịu khó nghiên cứu những nội dung liên quan đến vấn đề quân sự, quốc phòng nên tôi đã tiếp cận thông tin và tác nghiệp hiệu quả, chất lượng ngày càng tốt hơn”. Còn phóng viên Nguyễn Thị Hoa (Báo Hànộimới) có gần 10 năm đảm trách tuyên truyền về quân sự, quốc phòng cho hay: “Khó khăn lớn nhất của những phóng viên báo chí ngoài quân đội là lĩnh vực quân sự, quốc phòng có những đặc thù, thuật ngữ riêng. Để nâng cao chất lượng mỗi bài viết, chúng tôi phải đọc nhiều bài báo của các đồng nghiệp, tự trau dồi kiến thức, kinh nghiệm qua mỗi lần tác nghiệp và cập nhật các thông tin mới về quân sự, quốc phòng. Qua những lần tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức QPAN, tôi đã được trang bị thêm nhiều kiến thức, kỹ năng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tuyên truyền về QPAN trong tình hình mới”./.