Địch chia quân nhiều hướng, kết hợp hành quân bộ theo đường số 4, đường thủy ngược sông Hồng, sông Lô và nhảy dù chiếm các vị trí then chốt tạo ra 2 gọng kìm hòng chụp bắt cơ quan đầu não của ta. Phạm vi chiến dịch mở rộng trên địa bàn 12 tỉnh, với thế bao vây và những gọng kìm có chiều dài đến 400km. Khi cuộc kháng chiến chống Pháp bắt đầu nổ ra, so sánh về vũ khí trang bị, quân ta không bằng địch. Pháp mở Chiến dịch Việt Bắc cũng hòng tìm diệt quân chủ lực của ta. Nếu chiến dịch thành công, quân Pháp sẽ giành quyền chủ động trên chiến trường, đẩy ta vào thế phòng ngự bị động.

dai doi doc lap tieu doan tap trung mot diem nhan ve tac chien
Cán bộ Mặt trận sông Lô nghiên cứu kế hoạch đánh địch tấn công lên Việt Bắc. Ảnh tư liệu

Sau khi rút kinh nghiệm từ một số trận đánh kiểu chiến tranh quy ước với địch, Trung ương Đảng và Bộ Tổng chỉ huy đã hạ quyết tâm, ra chỉ thị phá tan cuộc tiến công mùa đông của giặc Pháp. Để tránh đối đầu trực tiếp với quân Pháp trên quy mô lớn, ta chủ động phân tán lực lượng làm cho địch không thể tìm thấy chủ lực tập trung của ta, ngược lại, chủ lực của chúng sẽ bị phân tán ở khắp nơi trong núi rừng Việt Bắc. Chúng ta phải “giam chân địch tại mấy căn cứ chúng vừa chiếm, bao vây những căn cứ đó, thu nhỏ như những hòn đảo giữa bể; chặt đứt giao thông liên lạc giữa các cứ điểm của địch, không cho chúng tiếp ứng và tiếp tế; giữ gìn chủ lực nhưng cũng phải nhè vào những chỗ yếu của địch mà đánh những trận vang dội, những trận tiêu diệt; phải đánh mạnh chúng ở miền xuôi; toàn quốc tự cấp, tự túc, địa phương tự lập…” (1).

Từ chủ trương đúng đắn của Đảng, phương châm tác chiến “Đại đội độc lập - Tiểu đoàn tập trung” đã được thực hiện. Lực lượng chủ lực của ta nhanh chóng phân chia thành những đại đội độc lập đi vào hoạt động trong vùng địch tạm chiếm để biến hậu phương địch thành tiền phương của ta. Trung đoàn vệ quốc quân các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Phúc Yên, Vĩnh Yên, Tuyên Quang cùng các đơn vị trực thuộc Bộ Tổng chỉ huy và Bộ chỉ huy Chiến khu 1 nhanh chóng phân tán lực lượng thành 30 đại đội độc lập và 18 tiểu đoàn tập trung, phối hợp với dân quân, du kích địa phương đánh địch ở từng huyện, từng khu vực. Các đơn vị bộ đội chủ lực hành quân, di chuyển để đón đường, tìm địch mà đánh. Dân quân du kích đánh mìn, phục kích, bắn tỉa, cắm chông, rào làng. Giao thông, liên lạc của bộ đội, dân công, bưu điện đi lại ngược xuôi. Nhân dân gấp rút di chuyển, làm “vườn không nhà trống” để tạo thế đánh giặc. Biến quân địch từ thế "chủ động tìm diệt" trở thành "bị động đối phó", buộc chúng phải đối mặt với sự tấn công trên khắp cả chiến trường. Còn ta, nhanh chóng chuyển sang thế chủ động tìm diệt quân địch, khiến cho chúng bị tiêu hao sinh lực lớn.

Với phương châm tác chiến “Đại đội độc lập - Tiểu đoàn tập trung”, quân ta tiếp tục giữ vững thế chủ động và giành được nhiều chiến thắng vang dội. Tiêu biểu: Trên mặt trận đường 4, các đại đội độc lập và dân quân du kích Cao Bằng, Lạng Sơn tích cực tổ chức các trận phục kích, bắn tỉa. Trên mặt trận Thái Nguyên, Cao Bằng, các đại đội độc lập và tiểu đoàn tập trung thuộc Bộ Tổng chỉ huy và Chiến khu 1 bám sát địch mà đánh, tập kích vị trí Chợ Mới, Chợ Đồn, Chợ Rã, Phủ Thông, diệt hàng trăm tên địch trong công sự, cắt đứt đường tiếp viện của địch từ Cao Bằng xuống Bắc Kạn… Các binh đoàn lớn của Pháp càng đi sâu vào căn cứ Việt Bắc càng bị lực lượng ta chia cắt và hao mòn lực lượng, mất sức chiến đấu hết khả năng phát triển, phải chia quân giữa đường và đóng đồn bốt giữ hành lang tiếp tế hoặc bị bao vây, cô lập giữa rừng sâu. Ngày 19-12-1947, đại bộ phận quân Pháp đã rút chạy về đồng bằng, kết thúc thắng lợi chiến dịch phản công đầu tiên của quân và dân ta.

Thắng lợi của quân dân ta ở Việt Bắc đã đập tan âm mưu "đánh nhanh, thắng nhanh" của thực dân Pháp, buộc Pháp phải rơi vào thế bị động, rơi vào bẫy kéo căng lực lượng do Việt Minh giăng sẵn. Chúng ta đã bảo vệ thành công cơ quan đầu não kháng chiến, bảo vệ căn cứ địa cách mạng, bảo toàn bộ đội chủ lực. Qua chiến dịch này, Quân đội ta có bước phát triển, trưởng thành mọi mặt, sức chiến đấu nâng lên, sáng tạo về cách đánh và nghệ thuật sử dụng lực lượng, góp phần đưa cuộc kháng chiến của dân tộc ta bước sang giai đoạn mới.