Nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của tỉnh đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, trực tiếp là của Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 3 và của tỉnh về nhiệm vụ QPAN cho các đối tượng. Đồng thời hằng năm, Tỉnh ủy đều ban hành nghị quyết, UBND tỉnh ban hành chương trình, kế hoạch để tổ chức triển khai, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương (QP, QSĐP).

Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Hội đồng Giáo dục QPAN tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác bồi dưỡng kiến thức QPAN cho các đối tượng; quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, nghị định, hướng dẫn của trên về công tác giáo dục QPAN. Trong 5 năm (2012-2016), tỉnh đã đầu tư hơn 130 tỷ đồng từ ngân sách của địa phương xây dựng Trung tâm Giáo dục QPAN; chủ động phối hợp với các ban, ngành liên quan rà soát, nắm chắc tình hình công tác giáo dục QPAN; thống kê số lượng cán bộ cần bồi dưỡng; đổi mới nội dung, chương trình, hình thức phù hợp với từng đối tượng và đặc điểm của mỗi địa phương. Toàn tỉnh đã mở 311 lớp bồi dưỡng kiến thức QPAN cho 20.730 cán bộ, đảng viên; 1.639 chức sắc, chức việc tôn giáo, 421 chủ phương tiện tàu, thuyền; phối hợp giáo dục quốc phòng cho 363.303 học sinh, sinh viên của 74 trường học trên địa bàn và 4.850 đối tượng khác.

Việc kết hợp phát triển KT-XH với tăng cường QPAN được thể hiện trong các nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Để phát triển kinh tế nhanh, bền vững, tỉnh đang tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng thành phố Nam Định thành trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng, tích cực thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ… Tỉnh đã quy hoạch, phát triển các vùng kinh tế trọng điểm có tính bền vững, bảo đảm huy động tốt sức người, sức của tại chỗ cho nhiệm vụ QP, QSĐP khi có tình huống. Tỉnh cũng đã tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng trọng điểm, vừa phục vụ cho nhiệm vụ phát triển KT-XH, vừa tăng cường thực hiện nhiệm vụ QP, QSĐP. Với các dự án, chương trình, kế hoạch phát triển của các ngành: Giao thông vận tải, bưu chính viễn thông, điện lực, khai thác nguồn lợi từ biển, y tế, giáo dục và đào tạo, được thẩm định chặt chẽ, bảo đảm phục vụ tốt nhất cho nhiệm vụ phát triển KT-XH và khả năng động viên cho nhiệm vụ QP, QSĐP của tỉnh.

cham lo xay dung nang cao chat luong tong hop cua luc luong vu trang
Quân nhân dự bị động viên thực hành động viên tại cuộc diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh Nam Định năm 2016. Ảnh: Phan Anh

Xây dựng khu vực phòng thủ (KVPT) tỉnh theo hướng "cơ bản, liên hoàn, vững chắc", bảo đảm vận hành thông suốt sự lãnh đạo, quản lý, chỉ huy và công tác tham mưu của cả hệ thống chính trị được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nam Định rất chú trọng. Tỉnh đã phát huy vai trò chủ trì tham mưu của cơ quan quân sự trong xác định chủ trương, biện pháp lãnh đạo, điều hành xây dựng KVPT; tiến hành khảo sát, quy hoạch, đầu tư xây dựng, cải tạo các căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương, căn cứ hậu cần-kỹ thuật, kết hợp sử dụng nguồn ngân sách của trên với khai thác nguồn vốn địa phương và các thành phần kinh tế để xây dựng, củng cố các công trình QPAN. Từ năm 2012 đến nay, tỉnh đã tổ chức thành công 1 cuộc diễn tập KVPT tỉnh và chỉ đạo 4 cuộc diễn tập sở, ngành; 6 cuộc diễn tập KVPT huyện; 65 cuộc diễn tập chỉ huy cơ quan 1 bên, 1 cấp trên bản đồ; 229 cuộc diễn tập chiến đấu phòng thủ xã, phường, thị trấn và 55 cuộc diễn tập phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai-tìm kiếm cứu nạn, bảo đảm an toàn về người và vũ khí trang bị kỹ thuật. Thông qua các cuộc diễn tập, nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và LLVT được nâng lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng tổng hợp của LLVT tỉnh, trọng tâm là xây dựng vững mạnh về chính trị. Cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chống các biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; tạo sự chuyển biến vững chắc trên từng mặt công tác, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm đã được chỉ ra. Đối với lực lượng thường trực, tỉnh tập trung củng cố biên chế, tổ chức, nâng cao chất lượng huấn luyện, trình độ SSCĐ, giáo dục chính trị, xây dựng nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật. Lực lượng dân quân tự vệ xây dựng theo phương châm “vững mạnh, rộng khắp”, đạt 1,35% dân số; đảng viên trong dân quân tự vệ chiếm 24,2%, đoàn viên chiếm 62,1%; chú trọng củng cố trung đội dân quân biển theo hướng vững chắc, có chi bộ. Lực lượng dự bị động viên được tổ chức đăng ký, quản lý chặt chẽ, xếp biên chế vào các đơn vị dự bị động viên đạt hơn 96%, trong đó có 70,4% trở lên đúng chuyên nghiệp quân sự, đảng viên đạt 9,8%. Công tác phối hợp hoạt động giữa quân sự và công an các cấp thực hiện theo Nghị định số 77/2010/NĐ-CP ngày 12-7-2010 của Chính phủ về “Phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và nhiệm vụ quốc phòng” ngày càng có hiệu quả.

Bằng những biện pháp đồng bộ, công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ QP, QSĐP của tỉnh Nam Định đã và đang đạt kết quả thiết thực, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, KT-XH tiếp tục phát triển, QPAN được tăng cường, “thế trận lòng dân” được củng cố, đời sống nhân dân được cải thiện.

ĐOÀN HỒNG PHONG, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định