Xuất khẩu sang Trung Đông: Cần cảnh giác với những DN “ma”
Thông tin về những khó khăn cũng những rủi ro khi xuất khẩu hàng hoá Việt Nam sang thị trường Trung Đông tại Hội thảo “Xúc tiến thương mại sang thị trường Trung Đông” do Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương tổ chức sáng 24/5 tại Hà Nội, bà Nguyễn Minh Phương, Trưởng phòng Tây Á - châu Phi, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) nêu ra một số bài học cảnh giác đối với các DN xuất khẩu của Việt Nam.
Bà Nguyễn Minh Phương, Trưởng phòng Tây Á - châu Phi, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) |
Theo bà Phương, thời gian qua, do chủ quan nên nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã phải nhận "quả đắng" trong quá trình tìm kiếm đối tác cũng như giao dịch với các DN tại thị trường Trung Đông. Thực tế, việc giao dịch giữa các DN hai nước thường diễn ra trên mạng, nhiều DN Việt Nam vì tin lời phía đối tác, sẵn sàng chuyển khoản hàng nghìn USD làm tiền đặt cọc mà không hề qua các bước kiểm tra, thẩm tra cũng như tìm hiểu thông tin DN đối tác.
“Phải rất nhiều tháng sau, các DN Việt Nam mới vỡ lẽ ra rằng, DN mình đã chuyển tiền vào tài khoản của DN “ma” hoặc chuyển tiền vào một tổ chức lừa đảo”, bà Phương cho biết.
Cũng theo bà Phương, có một hiện tượng đáng lưu ý đối với các DN xuất khẩu của Việt Nam, đó là việc nhiều DN đối tác ở thị trường Trung Đông thường xuyên đơn phương thay đổi điều khoản hợp đồng, nhưng mọi chi phí thay đổi này hoàn toàn phía các DN Việt Nam phải gánh chịu.
Lấy ví dụ một DN cà phê ở Đăk Lăk, bà Phương cho biết, bản thân DN này trong một thời gian dài luôn là DN làm ăn uy tín và có nhiều đối tác tại thị trường Trung Đông. Tuy nhiên, khi kí kết được hợp đồng xuất khẩu với một DN của Saudi Arabia, DN đã chịu muôn vàn khó khăn về thủ tục cũng như chi phí vì DN này đã không dưới 2 lần thay đổi điều khoản hợp đồng, nếu DN Việt Nam không chịu chi phí, DN đối tác sẵn sàng hủy hợp đồng.
Trung Đông là thị trường tiềm năng của hàng hóa Việt Nam với hơn 400 triệu dân, bao gồm 15 quốc gia. Trung Đông nhập khẩu khoảng 40 tỷ USD/năm về lương thực, thực phẩm; dự kiến đến năm 2035 là 70 tỷ USD.
Trong những năm qua, thương mại Việt Nam - Trung Đông liên tục tăng trưởng cao, năm 2016, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 12 tỷ USD; đến năm 2018 con số này là gần 14 tỷ USD, trong đó, Việt Nam xuất khẩu đạt hơn 8,7 tỷ USD và nhập khẩu gần 3 tỷ USD.
Những mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam sang Trung Đông hiện nay là rau, củ quả, thủy sản, điện thoại di động, giày dép, dệt may, xơ sợi dệt, gạo, hạt tiêu, gỗ và sản phẩm gỗ, hạt điều, rau quả, cà phê…/.