Xuất hiện nhiều loại ma túy mới ngoài vòng kiểm soát
Tới thời điểm này, cơ quan điều tra vẫn chưa thông tin về nguồn gốc, loại ma túy được đưa vào Lễ hội âm nhạc Hồ Tây đêm 16/9 (Trong ảnh: Nạn nhân ở Lễ hội âm nhạc Hồ Tây đêm 16/9) |
Vài ngày lại xuất hiện một loại ma túy mới
Liên quan tới sự việc 7 người chết tại Lễ hội âm nhạc Hồ Tây đêm 16/9, kết quả xét nghiệm ban đầu cho thấy các nạn nhân đều sử dụng chất kích thích như ma túy đá, thuốc lắc và cần sa. Đáng chú ý, kết quả xét nghiệm tại BV E cho biết, có nạn nhân còn sử dụng cả ba loại chất kích thích trên trộn lẫn với nhau. Chiều 18/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự với các tội danh: “Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy” và “Lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy” để điều tra vụ án 7 người tử vong sau khi dự đêm nhạc tại Công viên nước Hồ Tây đêm 16/9.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Lê Đức Hiền, Phó cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ LĐ,TB&XH nhận định: Trên thị trường hiện có hàng trăm loại ma túy, chất gây nghiện. Trong đó có rất nhiều loại mạnh, cực độc gây hôn mê, sang chấn tâm thần cho người sử dụng. Tuy nhiên, mức độ nguy hiểm cụ thể phụ thuộc vào cách dùng, liều dùng của đối tượng sử dụng. “Rất khó kiểm tra xác định, phân loại tất cả các chất ma túy thế hệ mới bởi hàng ngày, hàng tuần lại xuất hiện thêm loại ma túy mới dưới nhiều hình thức tinh vi. Trong khi đó, công cụ test kiểm nghiệm của chúng ta lại có hạn”, ông Hiền cho biết.
BS. Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai) cho biết: Trung tâm đã cấp cứu nhiều trường hợp bệnh nhân bị sốc ma túy thế hệ mới. Các bệnh nhân thường nhập viện trong tình trạng co giật, kích thích, vật vã không kiểm soát được. Nhiều người còn xuất hiện triệu chứng nhiễm độc thần kinh, tim mạch, loạn nhịp tim, tăng huyết áp, suy thận, đe dọa đến tính mạng. Đa phần bệnh nhân phải điều trị hồi sức tích cực và cấp cứu. Số ca tử vong chủ yếu do sử dụng ma túy đá. “Tình hình sử dụng ma túy mới ngày càng phức tạp. Trong khi công cụ test nhanh chẩn đoán ma túy đang được sử dụng tại các BV hiện nay không được nhập từ nước ngoài, test nhanh trong nước còn sai số nhiều. Đây cũng là một trong những khó khăn của BV khi điều trị bệnh nhân sốc ma túy”, BS. Nguyên nói.
"Mỗi người có ngưỡng hấp thụ ma túy khác nhau. Cùng một liều lượng ma túy nhưng với người này là chưa đủ “phê” nhưng với người khác có thể là liều thuốc độc giết người trong chớp mắt. Đặc biệt, việc sử dụng các loại ma túy mới cũng là một nguy cơ khiến mức độ sốc thuốc nặng nề hơn, bởi chúng có thể tàn phá cơ thể gấp nhiều lần ma túy thông thường. Nhiều trường hợp bị sốc ma túy tử vong chỉ sau vài phút, trên đường đến bệnh viện hay sau một thời gian ngắn nhập viện”. Th.s Nguyễn Văn Thủy Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu cai nghiện, Bệnh viện Châm cứu T.Ư |
Nhiều loại ma túy mới chưa được đưa vào danh mục cấm
Nghị định quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất nêu rõ: Khi phát hiện chất mới chưa có trong các danh mục chất ma túy và tiền chất ban hành, Bộ Công an có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan có liên quan xem xét, trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung và công bố các danh mục.
Theo các chuyên gia, nhiều hoạt chất hiện vẫn chưa có trong danh mục cấm tại Việt Nam và trong Công ước quốc tế của Liên hợp quốc về các chất ma túy, chất gây nghiện. Trong số này tiêu biểu là cây Kratom và cỏ Mỹ (5FR-MDMB-PICA) hiện đang là những “hàng hot” được lưu truyền rầm rộ trong giới trẻ. Trước đó, tháng 7 vừa qua, Viện Khoa học hình sự và các Phân viện Khoa học hình sự tại TP HCM, Đà Nẵng đã phát hiện tiền chất ma túy mới có tên N-Ethylpentylone trong các mẫu viên nén màu hồng. Loại ma túy này cũng chưa được đưa vào danh sách chất cấm sử dụng tại Việt Nam.
Phân tích về tác hại của những hoạt chất trên, BS. Huỳnh Thanh Hiển, Bệnh viện Tâm thần TP HCM cho biết: Trong cây Kratom chứa hoạt chất mitragynine và 7-hydroxymitragynine (7-HMG), với liều thấp có tác động kích thích, liều trung bình có tác động giảm đau và liều cao gây hiệu ứng khoái cảm tương tự như thuốc phiện, gây co giật, suy gan và dẫn đến tử vong. “Khi ngưng sử dụng 7-HMG cũng có hội chứng cai giống hội chứng cai của thuốc phiện. Trên thế giới có ít nhất 44 trường hợp tử vong do sử dụng Kratom”, BS. Hiển thông tin.
Đối với chất N- Ethylpentylone, vị chuyên gia cho biết, đây là một loại ma túy mới, song rất nguy hiểm vì nó được chế dưới hình dạng như một viên thuốc lắc. Nếu sử dụng loại “thuốc lắc” này với rượu sẽ gây ngộ độc. “Chất N-Ethylpentylone là dẫn xuất của cathinone, trong khi cathinone và thuốc lắc MDMA là chất cấm thì hoạt chất này vẫn ở ngoài vòng pháp luật”, BS. Hiển nói và phân tích: “Thuốc lắc hiện nay không chỉ chứa chất MDMA nữa mà có thể chứa N-Ethylpentylone hoặc bị lẫn tạp chất là Para-methoxyamphetamine (PMA). PMA là một chất gây ảo giác rất mạnh và rất độc trên hệ thần kinh, làm thân nhiệt tăng rất cao và làm tăng nhịp tim với liều rất thấp. Khi PMA kết hợp với MDMA hoặc với thuốc chống trầm cảm có thể dẫn đến tử vong”.
Tương tự, đối với chất 5FR-MDMB-PICA, BS. Hiển cho biết đây là một loại cần sa tổng hợp, có tác động mạnh hơn cần sa.
Được biết, ngay sau vụ 7 người chết vì nghi sốc ma túy tại Lễ hội âm nhạc Hồ Tây, Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế tăng cường quản lý chặt các chất ma túy, chất gây nghiện hiện nay.