Xót xa hình ảnh bệnh nhân run rẩy, bị trói chặt vào giường bệnh
Đối mặt với cái chết vẫn vật vã vì rượu
PGS.TS Vũ Trường Khanh, Phó trưởng Khoa tiêu hóa (BV Bạch Mai) chia sẻ, con số bệnh nhân xơ gan, viêm tụy, xuất huyết tiêu hóa do rượu ngày càng tăng lên. Thời điểm này, tại khoa có đến 50 bệnh nhân đang điều trị vì các bệnh lý này. Đáng nói, nhiều người bệnh dăm bẩy lần đối mặt với cái chết nhưng vẫn không từ bỏ được rượu, khỏi rồi lại uống, uống rồi lại nhập viện đối mặt với hiểm nguy đến từng ngày.
Người bệnh buộc bị trói tay, chân cố định vào giường bệnh khi lên cơn sảng rượu. Ảnh: H.Hải |
Bệnh nhân Đàm Văn T. ( 57 tuổi, ở Yên Thường, Gia Lâm, Hà Nội) đang nằm điều trị tại Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai lần thứ 6 do xơ gan giai đoạn cuối.
Mỗi lần ổn định được xuất viện, bác sĩ đều dặn ông phải bỏ rượu và hẹn tái khám định kỳ nhưng ông không thể nào từ bỏ được ma men nên trở thành bệnh nhân quen mặt ở bệnh viện.
Bệnh nhân T. cho biết, ông bắt đầu uống rượu từ năm 20 tuổi, mỗi ngày ông uống một chai (650ml) rượu. Cứ nhập viện là lại sảng rượu vì đột ngột phải cai, lại vật vã, run rẩy, ảo giác…
Một bệnh nhân khác, anh Đỗ Văn T. (34 tuổi ở Nghĩa Hưng, Nam Định) đang nằm điều trị vì xuất huyết tiêu hóa, xơ gan. Bác sĩ vừa phải điều trị bệnh, vừa phải “cắt cơn” sảng rượu của bệnh nhân vì liên tục nói nhảm, tay chân run rẩy.
TS Nguyễn Công Long, Phó trưởng khoa chia sẻ, tại khoa, với hơn 50 bệnh nhân liên quan đến rượu, trong quá trình điều trị nhiều người bị sảng rượu (do bị bệnh lý phải ngừng rượu đột ngột), kèm theo những hội chứng rối loạn thần kinh do lên cơn thèm rượu, dẫn đến la hét, vật vã dữ dội và bị ảo giác. Có những bệnh nhân sảng rượu cầm dao rượt đuổi vợ vì ghen, ảo tưởng vợ có bồ, rồi từ tầng cao mà cứ ngó nghiêng ban công như đang rà rà mặt đất, rồi hoảng loạn vì thấy rắn rết khổng lồ… vì thế người nhà phải cầu cứu bác sĩ, buộc tay chân bệnh nhân bằng vải mềm vào giường bệnh để họ không gây nguy hiểm cho bản thân cũng như người xung quanh.
Chết vì rượu nhiều hơn tai nạn giao thông
TS Khanh chia sẻ, hình ảnh bệnh nhân vào viện trong tình trạng sảng rượu, co giật, xơ gan, đau đớn khiến không chỉ người nhà mà bác sĩ cũng thấy xót xa. “Đã thế, họ không chỉ đến một lần, ổn rồi, ra viện lại có những lần vật vã trong lần sau nhập viện y như thế”, TS Khanh nói.
TS Khanh đánh giá con số bệnh nhân chịu ảnh hưởng sức khỏe do bia rượu là rất lớn, còn nhiều hơn cả tai nạn giao thông. Ảnh: H.Hải. |
Ông chỉ mong muốn, làm sao người dân hiểu được về tác hại của bia rượu, càng hạn chế được càng tốt.
“Những con số tử vong do tai nạn giao thông khiến chúng ta rùng mình, nhưng con số đó là quá khiêm tốn với số lượng bệnh nhân tử vong liên quan đến rượu”, TS Khanh khẳng định.
TS Khanh dẫn chứng, trong năm 2016 khoa điều trị nội trú cho hơn 7200 trường hợp, trong xơ gan do rượu chiếm 50% trường hợp. Một năm có 500 - 700 bệnh nhân viêm tụy do rượu.
“Nếu tính trung bình ở mức thấp, riêng tại khoa mỗi năm điều trị 2500 – 2700 người liên quan do rượu, trong đó xơ gan do rượu, viêm tụy cấp do rượu nhiều trường hợp nặng không qua khỏi, nhiều trường hợp kéo dài sự sống vì xơ gan tiến triển ung thư. Nếu tính chung, một năm có bao nhiêu nghìn người bị ảnh hưởng sức khỏe bởi bia rượu, bị tử vong do bia rượu. Con số tử vong do TNGT quá nhỏ so với phần chìm là do rượu”, TS Khanh nói.
Cùng quan điểm này, GS.TS Mai Trọng Khoa, Phó Giám đốc BV Bạch Mai lo ngại về những tác hại khôn lường của rượu.
“Tại Trung tâm ung bướu (BV Bạch Mai), cứ 10 bệnh nhân nam vào bác sĩ hỏi có uống rượu không thì đến 9 người gật. Không chỉ gây xơ gan dẫn đến ung thư, rượu liên quan đến một loạt các ung thư nguy hiểm khác như ung thư vòm họng, thực quản, dạ dày... Đừng coi thường ưng thư vòm, ung thư thực quản. Đây là hai loại ung thư rất hay gặp, nhất là ở những người vừa uống rượu vừa hút thuốc lá. Tôi không biết tại các BV khác như thế nào, nhưng đến BV Bạch Mai tỷ lệ rất lớn, nam giới gần như là tuyệt đối có liên quan đến rượu, đặc biệt uống rượu mạnh”, GS Khoa nói.
Có bệnh nhân đang điều trị ung thư gan, vẫn trên giường bệnh điều trị, vẫn giấu bác sĩ kiếm rượu để uống.
“Ung thư là đối mặt, là cận kề cái chết, lẽ ra họ phải sợ, phải từ bỏ mà họ vẫn không từ bỏ. Một bộ phận không nhỏ người bệnh bị lệ thuộc vào rượu. Tôi cho rằng phải cảnh báo cộng đồng mạnh mẽ, không thể để tình trạng sắp chết cũng không bỏ được rượu. Nếu tiếp tục tình trạng bia rượu như này trong 10 – 20 năm tới thì kẻ tàn sát sức khỏe người Việt nhiều nhất là rượu chứ không phải nguyên nhân nào khác”, GS Khoa cảnh báo.