Xã vùng cao Quảng Lâm, huyện Đầm Hà (Quảng Ninh) là nơi có số hộ thoát nghèo cao nhất toàn huyện với 128 hộ. Điều này càng đặc biệt hơn khi đây là xã có tới 98% đồng bào dân tộc Dao, phần nào cho thấy sự đổi thay tích cực về cách nghĩ, cách vươn lên thoát nghèo của bà con ở xã 135 này.

xin ra khoi ho ngheo chuyen cu ma moi o dam ha quang ninh
Anh Chíu Dì Dểnh người tiên phong xin thoát nghèo ở xã vùng cao Quảng Lâm.

Anh Chíu Dì Dểnh một trong những hộ gia đình tiên phong làm đơn thoát nghèo ở bản Bình Hồ - một bản còn nhiều khó khăn của xã Quảng Lâm, cho biết: “Năm 2017 tôi vẫn ở diện hộ nghèo. Nhà nước đã quan tâm cho 1 con bò, vợ chồng tôi đã tập trung chăm sóc để phục vụ cho sản xuất. Gia đình cũng dần thoát nghèo”.

Việc làm đơn thoát nghèo của bà con không phải là một việc làm theo phong trào, bởi những hộ làm đơn xin thoát nghèo đều có cơ sở và niềm tin vào quyết tâm của mình.

xin ra khoi ho ngheo chuyen cu ma moi o dam ha quang ninh
Ở cái tuổi 63, cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn nhưng ông Đương vẫn xung phong xin thoát nghèo.

Ông Đoàn Văn Đương, (63 tuổi) ở thôn Thìn Thủ, xã Quảng An là một trong những gia đình có hoàn đặc biệt với 2 con đang tuổi ăn học và người vợ tàn tật. Ông Đương cho biết, nhiều năm liền làm lụng vất vả vẫn không đủ ăn, năm 2016, ông được vay 15 triệu đồng từ quỹ hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ nghèo và đã dùng số tiền đó đầu tư chăn nuôi bò, lợn và trồng keo.

Đến nay, đàn gia súc sinh trưởng tốt cùng với 2 ha keo đến kỳ thu hoạch, hứa hẹn mang lại cho gia đình ông nguồn thu nhập ổn định.

“Gia đình đã cố gắng trồng trọt rau màu, chăn nuôi gia súc để phát triển kinh tế. Cuộc sống của gia đình chúng tôi bây giờ cũng nâng lên phần nào. Năm nay, chúng tôi xung phong làm đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo”,ông Đương cho biết.

xin ra khoi ho ngheo chuyen cu ma moi o dam ha quang ninh
Hàng trăm lá đơn đăng ký tự nguyện thoát nghèo ở Đầm Hà là minh chứng cho nỗ lực của chính quyền và ý chí của người dân tự lực vươn lên.

Cùng với nỗ lực của người dân, thời gian qua huyện Đầm Hà đã huy động các nguồn lực, tập trung thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ của Trung ương và tỉnh Quảng Ninh, nhất là những chính sách đặc thù vùng đồng bào dân tộc thiểu số như chương trình 135, Đề án 196... tạo điều kiện cho các hộ nghèo có điều kiện phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Trưởng phòng LĐTB và XH huyện Đầm Hà, cho biết: “Phòng Lao động Thương binh và Xã hội cũng vận động, xã hội hóa các nguồn lực để hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì và đẩy mạnh các giải pháp giảm nghèo có hiệu quả và cũng đồng hành với các hộ đã thoát nghèo để họ tiếp tục vươn lên có cuộc sống ổn định, khá giả hơn”.

Đến thời điểm hiện tại, tỉ lệ hộ nghèo tại huyện Đầm Hà chỉ còn 1,83%. Đây là một con số rất có ý nghĩa bởi công tác xóa đói, giảm nghèo không chỉ nâng cao đời sống vật chất cho người dân mà còn làm thay đổi nhận thức của họ.

Tâm lý trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước đang dần được xóa bỏ, nhiều mô hình phát triển kinh tế giảm nghèo bền vững đang được nhân rộng.

Cùng với sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước thì tinh thần tự lực, tự cường của người dân là điều kiện quan trọng nhất giúp đồng bào vươn lên thoát nghèo bền vững./.