Xây dựng thành phố thông minh tại Việt Nam: Bài học đi trước từ Singapore
Xây dựng, thiết kế thành phố thông minh là chủ đề quan trọng trong CMCN 4.0, đang được nhiều quốc gia trên thế giới hướng đến. |
Đô thị thông minh và làm thế nào để xây dựng một đô thị thông minh thành công đang là mục tiêu được nhiều quốc gia trên thế giới hướng tới trong cuộc CMCN 4.0, trong đó có Việt Nam. Đây cũng là chủ đề chính trong phiên thảo luận diễn ra tại Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN) vào chiều 12/9 tại Hà Nội.
Đại diện cho Singapore, một trong những quốc gia/thành phố được đánh giá là thông minh bậc nhất trong khối ASEAN và toàn khu vực châu Á, ông Janil Puthucheary, Bộ trưởng Bộ giao thông Singapore đã có những chia sẻ rất quý báu để xây dựng một thành phố thông minh hiệu quả, thực tiễn.
"Thông minh" là phải mang tính chuyển đổi
"Nhìn lại lịch sử phát triển của Singapore, có thể thấy rằng chúng tôi gặp phải nhiều thách thức như hạn chế về mặt tài nguyên, diện tích, nhưng chúng tôi đã có cách tiếp cận tất yếu của một đô thị thông minh, thông qua thiết kế hợp lý, tư duy dài hạn, và tạo ra những không gian cần có cho người dân dể họ sinh sống", ông Puthucheary chia sẻ.
"Chúng tôi cũng đưa ra một khái niệm mới là 'smart nation' (PV: quốc gia thông minh), tận dụng những thế mạnh của công nghệ ngày nay làm cốt lõi, và đây cũng là điều mà chúng tôi hướng đến trong công cuộc tái cấu trúc lại nền kinh tế, cấu trúc trong chính phủ."
Theo ông Puthucheary, chính bởi Singapore gặp phải hạn chế về nguồn lực và tài nguyên, nên từ lâu, con người Singapore luôn cho rằng buộc phải thay đổi tư duy để hướng tới mục đích tốt hơn.
Ông Janil Puthucheary, Bộ trưởng Bộ giao thông Singapore cho rằng chính những yếu tố khắc nghiệt như thiếu đi tài nguyên, hạn chế về diện tích, số lượng thành phố,... đã là động lực thúc đẩy để Singapore trở thành một trong những đô thị/quốc gia thông minh hàng đầu tại khu vực châu Á.
Ngài Bộ trưởng Singapore cũng nhận định rằng "thông minh" là phải mang tính chuyển đổi, phải tạo ra những cơ hội mới, tạo ra công ăn việc làm, kết quả thực sự dựa trên tất cả những gì mà chúng ta đánh giá hiện nay. Ông cho rằng chúng ta cũng cần tạo ra cơ hội cho sự thay đổi.
Mặc dù là quốc gia đi đầu về phát triển đô thị thông minh tại ASEAN, nhưng không phải là Singapore không gặp bất kỳ cản trở nào. Trái lại, họ gần như không có một phương án B để thay thế, do Singapore chỉ có một thành phố duy nhất, và cũng chính là quốc gia của họ. "Mọi sự thay đổi sẽ phải thật chính xác, và nếu có rủi ro thì sẽ không có cơ hội để sửa đổi".
"Chúng tôi phải nghĩ tới sự hòa nhập của người dân, và phải đảm bảo 100% mọi người đều được hòa nhập, làm thế nào để thông minh hơn. Làn sóng mới mà chúng tôi hướng tới để làm thay đổi quốc gia của mình", ông Puthucheary đánh giá.
Yếu tố nào quan trọng nhất trong phát triển đô thị thông minh?
Tất nhiên tại thời điểm hiện nay, mọi quốc gia đều đang hướng tới đô thị thông minh để quản lý kinh tế hiệu quả, cũng như gia tăng chất lượng cuộc sống của người dân. Tuy nhiên "làm thế nào" vẫn là một câu hỏi lớn được đặt ra.
Phát biểu tại buổi đối thoại, bà Maria Rebecca, Chủ tịch của Plaza và Tập đoàn Partners, cho rằng các quốc gia ASEAN cần lạc quan và hướng tới tương lai. Đồng thời cần nhìn lại quá khứ và gắn với hiện tại để tìm ra cách mà chúng ta hướng tới tương lai như thế nào.
Theo bà Rebecca, hạ tầng trong khu vực là yếu tố quan trọng nhất nếu muốn phát triển một đô thị thông minh bền vững. "Chúng ta đã thiết kế cơ sở hạ tầng từ thế kỷ 20, nhưng giờ đây chúng ta đang sống trong thế kỷ 21, và đây là một khó khăn rất lớn", bà Rebecca cho biết. "Chúng đã trở nên quá cũ, và tại một số nơi thậm chí còn được xây dựng từ lâu đời hơn".
Bà Maria Rebecca, Chủ tịch của Plaza và Partners nhìn nhận hạ tầng là yếu tố quan trọng nhất trong xây dựng đô thị thông minh. |
Lấy Hà Nội làm ví dụ, bà Rebecca nhìn nhận thủ đô của Việt Nam, đặc biệt là khu phố cổ, hầu hết đã được thiết kế cơ sở hạ tầng từ rất nhiều năm. "Dẫu vậy, phố cổ Hà Nội vẫn tạo ra sự đan xen tốt, và đóng vai trò là trung tâm của thủ đô", bà Rebecca nói. "Hà Nội cũng đang tiếp tục được mở rộng trong một vài năm trở lại đây".
"Nếu chúng ta nhìn vào phương Tây, chúng ta có thể coi đó là những tiền lệ để học hỏi từ họ và đưa ra giải pháp cho chính bản thân mình để không lặp lại những sai lầm", bà Rebecca chia sẻ. "Xa hơn nữa, chúng ta sẽ không chỉ học kinh nghiệm mà còn phải tự giải quyết vấn đề của mình dựa trên thực tiễn bằng cách nghĩ mới".
Để làm được điều này, theo bà, các quốc gia ASEAN cần phải đặt con người vào trung tâm của đô thị, đóng vai trò là huyết mạch của đô thị và phải đặt mối quan hệ giữa con người lên trên hết trong thiết kế đô thị."
Cần phải đặt con người vào trung tâm của đô thị
Đồng quan điểm với cách nhìn nhận của bà Rebecca, đại diện của Việt Nam - ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy kiêm Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM khẳng định "Mỗi người dân đóng vai trò là một cảm biến trong xã hội", đồng thời cho rằng Việt Nam nói riêng và các quốc gia trong khu vực ASEAN nói chung, cũng phải tăng cường trí tuệ tập thể từ chính người dân.
Chia sẻ thêm về TP.HCM - thành phố được đánh giá là rất "đặc biệt" và thu hút nhiều khách du lịch trên toàn thế giới, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nhìn nhận đây "là một địa bàn có tính chất mở, có tính dung nạp cao và chúng tôi chấp nhận sự khác biệt".
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy kiêm Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM khẳng định "Mỗi người dân đóng vai trò là một cảm biến trong xã hội". |
Mặc dù vậy, theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, TP cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề chung giống như mọi thành phố khác, đó là sự tăng trưởng quá nhanh về mặt dân số, cũng như xu hướng chuyển từ nông thôn về thành thị của người dân.
Ngoài ra, sự tăng mạnh của các phương tiện giao thông, khiến cho tắc đường trở thành một "vấn nạn" tại TP.HCM. "Cách đây khoảng 20 năm, cứ 100 người thì chỉ có 25 người sở hữu xe máy. Nhưng giờ đây thì 100 người thì tương đương với 100 xe máy và cả ô tô nữa", Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đánh giá. "Như vậy rõ ràng là không còn chỗ cho giao thông nữa. Và buộc chúng tôi phải đưa ra khái niệm đô thị thông minh và quản lý nhà nước thông minh."
Rõ ràng, đây là một vấn đề chung - không chỉ riêng tại Việt Nam, mà còn xảy ra tại rất nhiều quốc gia khác, và việc xây dựng đô thị thông minh được cho là sẽ giải quyết triệt để vấn đề này. Theo ông Lorenzini, Chủ tịch công ty Siements Thái Lan, việc tạo ra một loạt các hình thức, phương tiện giao thông, sau đó quản lý chúng một cách triệt để chính là "chìa khóa".
"Các hệ thống được kết hợp như tàu điện ngầm, xe ô tô điện, xe tự lái, hay các phương thức chuyên chở khác, bao gồm cả xe máy, sẽ được kết hợp một cách hợp lý để giảm bớt số lượng xe cộ lưu thông trong thành phố", ông Lorenzini nói. "Tuy nhiên, mọi người sẽ phải tuân thủ những quy tắc mới được đề ra. Nếu không thì hệ thống này sẽ không thể hoạt động."
Đỗ xe thông minh, theo ông Lorenzini, cũng là một trong những yếu tố quan trọng trong việc tối ưu hóa, hạn chế thời gian các phương tiện lưu thông, chiếm dụng trên đường phố, gây cản trở giao thông. Tuy nhiên, ông cho rằng để phát triển được một hệ thống thông suốt - kết hợp hoàn hảo mọi yếu tố, từ cơ sở hạ tầng, giao thông, công nghệ, cho tới các chính sách từ chính phủ các nước, vẫn còn là một "quãng đường dài".