viet nam thuc hien hieu qua cac khuyen nghi cua uy ban chau au ve iuu

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra công tác khắc phục thẻ vàng IUU tại Kiên Giang. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Ngay sau khi Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo “Thẻ vàng” đối với hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Việt Nam (IUU) vào ngày 23/10/2017, Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp để khắc phục và cho đến nay, các nỗ lực đó đang thu được kết quả khả quan.

Nỗ lực chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương

Trước việc EC cảnh báo “Thẻ vàng”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ban ngành Trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố và cả hệ thống chính trị đã tập trung vào công cuộc chỉ đạo, đề ra các giải pháp quyết liệt để khắc phục các khuyến nghị của EC.

Đầu tiên phải kể đến viêc Việt Nam đã xây dựng được Luật Thủy sản và được Quốc hội thông qua vào tháng 11/2017, luật hóa các quy định của Điều ước quốc tế, đặc biệt là các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU. Để triển khai Luật Thủy sản năm 2017, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản đã được xây dựng bao gồm: 2 Nghị định của Chính phủ, 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 8 Thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 Chỉ thị, 3 Công điện, 4 Quyết định; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành 13 Quyết định phê duyệt các chương trình, kế hoạch về chống khai thác IUU; 28 văn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn địa phương khắc phục các tồn tại về chống khai thác IUU.

Đặc biệt, ngày 20/5/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 596/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác IUU do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng làm Trưởng ban, thành viên bao gồm Lãnh đạo các bộ, ngành có liên quan và Lãnh đạo UBND 28 tỉnh/thành phố ven biển.

Đến nay, Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng chống khai thác IUU đã tổ chức họp lần thứ nhất ngày 21/6/2019; họp với Bộ Quốc phòng ngày 12/9/2019; họp Ban Chỉ đạo lần hai ngày 15/10/2019 để chỉ đạo các giải pháp chống khai thác IUU.

Đánh giá về kết quả thực hiện các giải pháp khắc phục IUU, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: "Hiện Việt Nam đang nỗ lực triển khai các giải pháp mà EC khuyến cáo: hoàn thiện khung pháp lý; triển khai hệ thống theo dõi, giám sát và kiểm soát hoạt động tàu cá; thực thi pháp luật và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác."

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, cho đến nay, sự hoàn thiện hệ thống luật pháp đã được thể hiện rất rõ trong Luật Thuỷ sản năm 2017, sau khi Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cụ thể hoá qua 2 Nghị định và 8 Thông tư. Bên cạnh đó, hệ thống theo dõi, giám sát, quản lý tàu đánh bắt thuỷ sản trên biển đã được triển khai ở tất cả các địa phương và đang được nỗ lực kiểm soát.

Ông Tiến cho biết: "Vấn đề truy xuất nguồn gốc hải sản đánh bắt hiện đã được các ban quản lý cảng cá thực hiện tích cực. Cả hệ thống chính trị dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã vào cuộc quyết liệt, đem lại kết quả khả quan."

Về các công việc triển khai cụ thể, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng nhấn mạnh: "Đối với hệ thống cảng cá, bến cá, hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công bố loại 1, loại 2 để thực hiện truy xuất nguồn gốc; các kho bãi, kho đông lạnh đều được đưa vào quy hoạch. Đặc biệt là việc thông tin tuyên truyền đã được làm rất tích cực từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các hội thảo, diễn dàn để làm sao bà con ngư dân chủ động, tự giác thực hiện Luật Thuỷ sản 2017, dần chuyển từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm."

Thực thi pháp luật, kiểm soát khai thác trên biển

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhìn chung từ đầu năm 2018 đến nay, chưa phát hiện vụ việc tàu cá và ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản trái phép tại các quốc đảo Thái Bình Dương. Bộ cũng đã giao Tổng cục Thủy sản tổ chức theo dõi, lập và công bố danh sách tàu cá khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài lên cổng thông tin điện tử của Tổng cục.

Mặt khác, các địa phương cũng tăng cường kiểm soát tàu cá xuất bến và kiểm tra tại cảng các loại giấy tờ như: sổ nhật ký, giấy chứng nhận đăng ký, đăng kiểm tàu cá, giấy phép khai thác, chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng; kiểm tra các thiết bị an toàn, hàng hải trên tàu…

Việc tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển, đặc biệt là vùng biển xa bờ được tăng cường và các lực lượng thực thi pháp luật trên biển (Kiểm ngư, Cảnh sát biển, Hải quân, Biên phòng) đã thực hiện tốt cơ chế phối hợp trong kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển trọng điểm.

Một số địa phương có biện pháp xử lý quyết liệt như: thu hồi giấy phép khai thác, không cấp giấy phép mới đối với chủ tàu có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ hoặc bị phát hiện trên hệ thống giám sát hành trình.

Từ năm 2018 đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức nhiều Đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn địa phương việc thực hiện chống khai thác IUU (2 đoàn do Bộ trưởng làm trưởng đoàn; 6 đoàn do Thứ trưởng làm trưởng đoàn và 10 đoàn do Lãnh đạo Tổng cục thủy sản làm trưởng đoàn).

Mới đây nhất, chiều 17/10, tại buổi Họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cung cấp thông tin về Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) kiểm tra việc khắc phục thẻ vàng của Việt Nam, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, dự kiến Đoàn Thanh tra của Tổng vụ Biển và Thủy sản châu Âu (DG-MARE) sẽ làm việc tại Việt Nam từ ngày 4 đến 14/11/2019.

Đoàn sẽ có buổi chào xã giao các lãnh đạo cấp cao Việt Nam, làm việc với các cơ quan chuyên ngành trong đó có Tổng cục Thủy sản. Sau đó, đoàn sẽ đi thực địa tại một số địa phương để đánh giá việc khắc phục khuyến cáo trong thực hiện quy định liên quan đến chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định.

Bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định: "Thời gian qua, các cơ quan trung ương, địa phương, tổ chức của Việt Nam đã và đang tập trung nỗ lực triển khai quyết liệt các giải pháp để xây dựng nghề cá bền vững và có trách nhiệm, phòng chống IUU trên cơ sở các khuyến nghị của EC và đã đạt nhiều kết quả tích cực. Việt Nam sẵn sàng phối hợp với Ủy ban châu Âu để phòng chống khai thác IUU."

Trong khi đó, đánh giá chung về các kết quả đã đạt được thời gian qua, Tổng cục Thủy sản khẳng định việc phòng chống khai thác IUU của Việt Nam đã đạt được một số thành tích đáng ghi nhận như: cơ bản nội luật hóa các quy định của quốc tế, khu vực trong Luật Thuỷ sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn Luật Thủy sản; nâng cao nhận thức của các cơ quan quản lý thủy sản từ Trung ương đến địa phương, cộng đồng ngư dân và doanh nghiệp về chống khai thác IUU.

Tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm, khai thác hải sản trái phép ở vùng biển của các nước, quốc đảo Thái Bình Dương đã chấm dứt. Nhiều tỉnh thành đã không còn hoặc giảm thiểu tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Trong khi đó, việc kiểm tra, kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển và thanh tra tại cảng bước đầu đã có nhiều tiến bộ; hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khai thác thủy sản được đẩy mạnh. Việt Nam đã và đang tích cực gia nhập, thực hiện các Hiệp định, Công ước quốc tế hướng tới một nghề cá hiện đại, có trách nhiệm và bền vững./.

PV (TTXVN/Vietnam+)