Việt Nam - Thị trường béo bở cho các “ông trùm” bán lẻ thế giới
Thảo luận về phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước tại Nghị trường vừa qua, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) nhận định,
trong khi Quốc hội đang chuẩn bị thông qua Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) thì trên thương trường vẫn tiếp tục diễn ra một cách ồ ạt các thương vụ mua bán, sát nhập, thâu tóm, đặc biệt trong thị trường bán lẻ.
Hiện tượng này đang gây ra nhiều nguy cơ cho khu vực doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các sản phẩm của họ vơi dần sau khi siêu thị rơi vào tay chủ ngoại. Các startup (đơn vị khởi nghiệp) được kỳ vọng sẽ khai sinh từ Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng có nguy cơ chết từ trong trứng nước, ông Phạm Trọng Nhân lo lắng.
Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nhân |
Năm 2017, Việt Nam tăng 5 bậc lên vị trí thứ 6 về chỉ số bán lẻ toàn cầu. Năm 2016, tổng doanh số bán lẻ cả nước đạt hơn 118 tỷ USD, tăng 10,2% so với năm 2015. Điều này cho thấy thị trường bán lẻ Việt Nam đang hấp dẫn trở lại và là một thị trường béo bở mà các ông trùm bán lẻ thế giới liên tục nhòm ngó, ông Nhân đánh giá.
Các thương vụ mua bán, sáp nhập diễn ra ồ ạt
Đại biểu này cho hay: Năm 2014 khi Việt Nam chưa mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ với nhà đầu tư nước ngoài thì đã có 3 tập đoàn đặt chân vào. Tập đoàn AEON Nhật Bản với chiến lược mở rộng thị phần đến năm 2020 sẽ có 20 trung tâm mua sắm quy mô lớn với vốn đầu tư 1,5 tỷ USD. Lotte Hàn Quốc cũng với chiến lược đến năm 2020 sẽ có 60 trung tâm thương mại dải khắp cả nước với tổng số vốn đầu tư là 3,2 tỷ USD. Berli Jucker của Thái Lan đã chi ra 655 triệu euro thâu tóm toàn bộ chủ bán lẻ của Metro.
Năm 2015 - 2016 thị trường bán lẻ Việt Nam đã chứng kiến nhiều vụ thâu tóm từ phía khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong đó có thương vụ Central Group của Thái Lan mua lại 49% cổ phần của công ty sở hữu chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim. Ông Nhân nêu dẫn chứng thêm:
Tháng 5/2016, Central Group tiếp tục gây "sốc" khi thông báo đã thôn tính thành công toàn bộ chuỗi siêu thị BigC với giá trị lớn đến 1 tỷ euro và hàng trăm vụ thâu tóm đình đám khác.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương đánh giá, chỉ trong 3 năm qua, khu vực FDI đã chiếm 70% thị phần bán lẻ qua cửa hàng tiện lợi, 17% qua trung tâm thương mại siêu thị, 50% thị phần bán lẻ trực tuyến. Đến nay thị phần và doanh số khu vực này vẫn không ngừng tăng lên, đây là những con số rất đáng để chúng ta suy nghĩ.
Sự bành trướng của các "ông lớn" ngoại
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài không chỉ đẩy khai thác khâu phân phối bán lẻ mà đang lấn sân vào cả khâu sản xuất, điển hình phải kể đến trường hợp của công ty CP đến nay đã chiếm trên 50% thị phần trứng, 30% thị phần gà thịt, 7% thị phần thức ăn chăn nuôi, ông Nhân cho biết.
Hiện hữu nỗi lo doanh nghiệp ngoại thâu tóm thị trường bán lẻ Việt (Ảnh minh họa: KT) |
Theo đại biểu này, thế mạnh của các doanh nghiệp nước ngoài không chỉ về vốn, công nghệ, kinh nghiệm, trình độ quản trị hiện đại mà bên cạnh đó họ còn nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ Chính phủ của họ trong các chương trình phát triển hệ thống từ sản xuất đến phân phối tiêu dùng nội địa và bành trướng thị trường xuất khẩu.
Trong khi đó các doanh nghiệp trong nước vẫn đang loay hoay tìm hướng đi cho mình, do đó việc để mất thị trường vào tay các nhà bán lẻ nước ngoài là một nguy cơ không quá khó để có thể nhìn thấy.
Sau thâu tóm phương thức và quy trình mua của họ hoàn toàn thay đổi các chương trình xúc tiến chỉ dành cho hàng chính quốc, hàng Việt Nam từng bước bị từ chối và vô hiệu bằng hàng rào kỹ thuật, tăng chiết khấu, chiếm dụng vốn của nhà cung cấp, o ép phí mở cửa hàng, phí hỗ trợ chương trình, hỗ trợ khuyến mại, bảo hành,...
Đại biểu đoàn Bình Dương dẫn chứng: Sự kiện 22 cửa hàng Thế giới di động bị "hất chân" khỏi hệ thống BigC, hay việc Minh Long 1 tuyên bố rút khỏi hệ thống Metro là điển hình, và đó chỉ là màn khởi đầu cho những lời cảnh báo.
Những hiện tượng trên chắc chắn không dừng lại ở đó, một thị trường hơn 90 triệu dân với phần lớn dân số trẻ nền kinh tế đang tiếp tục phát triển, đời sống thu nhập của người dân không ngừng cải thiện. "Chúng ta phải ngậm ngùi nhìn người Việt mua hàng ngoại và doanh nghiệp ngoại thì mua doanh nghiệp Việt. Một khi tập đoàn bán lẻ nước ngoài thống trị thị trường nội địa thông qua hệ thống các kênh phân phối và bán lẻ thì chắc chắn sẽ tạo ra một hệ lụy các ngành sản xuất nội địa, cũng như rủi ro về giá cả cho người tiêu dùng", ông Nhân cảnh báo.
Cần phát huy sức mạnh của "bó đũa"
Đại biểu Phạm Trọng Nhân cho rằng, đối với doanh nghiệp bán lẻ nội địa, bài học về câu chuyện sức mạnh của bó đũa còn nguyên giá trị.
Theo ông Nhân, bên cạnh đổi mới để nâng cao năng lực cạnh tranh với hàng hóa trong các chuỗi bán lẻ của doanh nghiệp nước ngoài thì sự liên doanh, liên kết, tạo sức mạnh nội lực chống chọi với "người khổng lồ" là điều cần thiết và quan trọng trong cuộc chiến giành lại thị trường nội địa.
"Làm thế nào để không biết chúng ta từ chủ nhà trở thành khách trong chính ngôi nhà của mình là câu hỏi lớn không chỉ dành cho cộng đồng doanh nghiệp mà cả các cơ quan quản lý nhà nước cùng suy ngẫm", ông Nhân nói./.
Ngày 3/6 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 10 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây không chỉ là một sự kiện mà là một dấu mốc lịch sử vô cùng quan trọng của nền kinh tế nói chung và của khu vực kinh tế tư nhân nói riêng.