Làn sóng công nghệ 4.0 có "giết chết" cửa hàng bán lẻ?
Nếu bỏ qua mô hình cửa hàng bán lẻ truyền thống, doanh nghiệp có thể mất đi một lượng khách hàng tiềm năng. |
Chia sẻ tại toạ đàm về phát triển thị trường bán lẻ do Forbes Việt Nam tổ chức chiều qua (22/6), ông Ngô Quốc Bảo - Giám đốc kinh doanh FPT Digital Retail cho biết: "Vài năm trước đây, khi thương mại điện tử ra đời và được coi là xu hướng thời thượng. Với sự phát triển của công nghệ, nhất là trong làn sóng công nghệ 4.0 đang được nhắc tới, nhiều người cho rằng có thể giết chết các cửa hàng bán lẻ truyền thống".
Tuy nhiên, theo ông Bảo "nếu sử dụng duy nhất một kênh bán hàng thì doanh nghiệp sẽ mất đi cơ hội" và cho rằng điều này khẳng định xu hướng phát triển mô hình bán hàng đa kênh "omni-chanel".
Ông Bảo phân tích, với những doanh nghiệp ngại thay đổi, chỉ dựa vào các cửa hàng vật lý họ sẽ mất đi những khách hàng tiềm năng, đó là thế hệ trẻ thích smart-phone và dành rất nhiều thời gian để online. Các doanh nghiệp cũng bị giới hạn về không gian địa lý khi tiếp cận khách hàng và thiếu sự tương tác ngay lập tức với họ.
Trong khi đó, đối với những doanh nghiệp chỉ coi trọng thương mại điện tử, hay nói cách khác là bán hàng trực tuyến (online) thì lại bị lỡ cơ hội tiếp cận với đối tượng khách hàng thích mua các sản phẩm tại cửa hàng truyền thống, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ. Hơn nữa, việc bỏ qua mô hình cửa hàng truyền thống có thể sẽ ảnh hưởng tới lợi ích của doanh nghiệp trên tổng thể.
"Khi khách hàng tới cửa hàng để trải nghiệm và mua sản phẩm, nếu bộ phận bán hàng làm tốt, họ có thể thay vì mua một mình chiếc điện thoại thì thậm chí có thể mua thêm ốp điện thoại, cục sạc dự phòng... Điều này rất khó đối với bán hàng qua mô hình trực tuyến", ông Bảo dẫn chứng cho nhận định "mô hình cửa hàng truyền thống vẫn còn đất sống".
Một ví dụ để khẳng định sự hiệu quả của mô hình bán hàng đa kênh cũng được ông Bảo nhắc tới: "Nhiều người có thể tìm kiếm thông tin về sản phẩm qua các kênh online nhưng vẫn thích đến trải nghiệm trực tiếp trước khi mua hàng. Hoặc có người đến cửa hàng trải nghiệm nhưng ngay lúc đó vẫn tìm kiếm thông tin về sản phẩm trên mạng".
"Theo kết quả một cuộc khảo sát tại Mỹ, có đến 67% Gen-Z (thế hệ từ 13-21 tuổi, sinh ra với smartphone và Internet) vẫn thường xuyên đến cửa hàng truyền thống, 31% vẫn thỉnh thoảng đến các cửa hàng truyền thống. Hay lấy dẫn chứng ngay chính Amazon - đại gia bán hàng online gần đây cũng chuyển sang cửa hàng vật lý", ông Bảo nói.
Ngoài ra, ông Bảo cũng đưa ra con số thống kê cho biết 44% khách hàng tìm hiểu sản phẩm online và tiếp tục đặt hàng online. Tỷ lệ khách hàng tìm hiểu sản phẩm online nhưng mua tại các cửa hàng lên tới 51% - cao hơn 17 điểm %.
"Sự tương tác giữa các kênh bán hàng là điều tương đối rõ rệt. Bên cạnh đó, hành vi người tiêu dùng cũng đã có những thay đổi mạnh mẽ trong thời gian gần đây, khi các thiết bị điện thoại thông minh ngày càng trở nên phổ biến. Có tới 67% người tiêu dùng bắt đầu hoặc kết thúc việc mua bán của mình thông qua một thiết bị điện tử - cho dù họ mua sắm trực tiếp hay online", ông Bảo bình luận thêm.
Phát biểu tại buổi toạ đàm, ông Matthew Powell – Giám đốc phụ trách thị trường Hà Nội Savill Việt Nam cho biết, sự đa dạng trong các kênh bán lẻ đã thay đổi hành vi của người tiêu dùng. Năm 2016, doanh số thương mại điện tử tăng gấp đôi so với trước đó. Tuy nhiên, thị phần bán lẻ truyền thống dự kiến sẽ giảm xuống nhưng vẫn giữ phần quan trọng, khoảng 79% trong năm 2017.
Bà Trịnh Lan Phương, CEO của Bibo Mart - chuỗi cửa hàng chuyên cung cấp các sản phẩm dành cho mẹ và bé chia sẻ: "Tôi muốn chia sẻ với các nhà bán lẻ Việt Nam là chúng ta cứ tự tin mà thẳng tiến, vì doanh nghiệp nước ngoài vào thị trường cũng gặp khó khăn không ít hơn chúng ta. Chúng ta phải học, học những gì là tiến bộ của họ, bắt kịp họ, tận dụng lợi thế sân nhà, và chúng ta nên luôn tư duy mở lĩnh hội cái mới, chuẩn bị sẵn sàng đáp ứng sự chuyển dịch hành vi của khách hàng trong kỷ nguên số, khi mà khách hàng chuyển dịch hành vi mua hàng dù online hay offline đếu sẵn sàng phục vụ".
"Các doanh nghiệp bán lẻ của Việt Nam, những doanh nghiệp truyền thống, hãy xây dựng theo mô hình ommni channel, sẵn sàng cho mô hình kinh tế chia sẻ (sharing economy), khi đó chúng ta chia sẻ các nguồn lực, giảm chi phí và mang lại nhiều giá trị hơn cho khách hàng. Thì đó là phương thức thành công và đem lại cho chúng ta chiến thắng theo mô hình này", bà Phương nhấn mạnh.