Việt Nam nỗ lực khắc phục sự cố “thẻ vàng” về khai thác hải sản
Thương lái mua cá của ngư dân tại cảng cá Thuận An. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN) |
Tính đến nay, đã có 25 quốc gia, vùng lãnh thổ bị EC áp dụng hình thức phạt thẻ đối với mặt hàng hải sản khai thác vi phạm.
Từ ngày 23/10 vừa qua, Việt Nam đã bị EC cảnh báo rút “thẻ vàng” vì cho rằng chưa đáp ứng các quy định về IUU do thị trường này đưa ra.
Điều này đang đặt ra một thách thức không nhỏ, đòi hỏi Việt Nam cần phải nỗ lực rất nhiều để hoàn thiện nghề cá nhanh nhất, từ đó có thể đáp ứng các yêu cầu về IUU của EU và sớm lấy về “thẻ xanh” trong thời gian ngắn nhất.
Bài 1: Lo ngại hiệu ứng "dây chuyền"
Sau một tháng kể từ ngày 23/10 vừa qua, nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu hải sản vẫn còn trong tâm trạng hồi hộp, theo dõi siết sao mọi động thái từ thị trường EU.
Nguy cơ xuất khẩu hải sản sụt giảm, đóng cửa ở một số thị trường nhập khẩu chính, hình ảnh thủy hải sản Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng… và còn rất nhiều lo ngại khác vẫn đang hiện hữu.
Doanh nghiệp như ngồi trên “đống lửa”
Kể từ khi EC công bố rút "thẻ vàng" đối với hải sản Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp chế biến xuất khẩu hải sản như ngồi trên “đống lửa,” theo dõi từng bản tin để cập nhật thông tin cho khách hàng.
Bà Trần Ngọc Tươi, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thủy hải sản Vĩnh Thuận Sài Gòn cũng trong tâm thế đó, thậm chí có phần lo lắng hơn. Bởi lẽ, EU hiện đang là thị trường trọng điểm, chiếm gần như tuyệt đối tỷ trọng xuất khẩu của doanh nghiệp này.
Theo bà Tươi, 99% sản phẩm của chế biến hiện nay của doanh nghiệp như cá hồng, cá ngừ đại dương... đều được xuất khẩu sang EU.
Trong 9 tháng năm 2017, doanh thu xuất khẩu của đơn vị cũng đã sụt giảm khá mạnh lên đến 40-50%, với việc hải sản Việt Nam bị "thẻ vàng" chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu của doanh nghiệp trong thời gian tới.
Sau khi Việt Nam bị cảnh báo "thẻ vàng," đối tác của Vĩnh Thuận ở thị trường EU đã yêu cầu công ty phải theo dõi tiến trình khắc phục vấn đề này của Việt Nam như thế nào, có các giải pháp ra sao, bản thân doanh nghiệp có tham gia gì không…?
Do vậy, doanh nghiệp cũng phải thường xuyên cập nhật các tin tức để thông báo lại để họ yên tâm nhập hàng của Việt Nam.
“Rất may, cho đến thời điểm này, xuất khẩu thủy hải sản của Vĩnh Thuận sang EU vẫn đang diễn ra bình thường. Tuy nhiên, nếu không có các giải pháp thực sự hiệu quả, nguy cơ hải sản Việt Nam bị cấm cửa ở thị trường này là rất lớn. Nếu vậy, doanh nghiệp chúng tôi chỉ còn nước đóng cửa nhà máy sản xuất,” bà Tươi chia sẻ.
Cũng với 100% sản phẩm chế biến của công ty đều đang được xuất qua EU, bà Phan Thị Minh Tuệ, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phú Thạnh ở tỉnh Hậu Giang, đang khá lo lắng cho số phận của doanh nghiệp nếu chẳng may thị trường này có sự cố. Sự thay đổi này chắc chắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu hải sản của doanh nghiệp trong thời gian tới.
Câu chuyện tại thị trường EU của những doanh nghiệp này cũng chính là tình hình chung của toàn ngành hiện nay.
Trong 9 tháng năm 2017, mặc dù xuất khẩu hải sản sang thị trường này vẫn đang tăng trưởng tốt, đạt gần 310 triệu USD, tăng 22,7% so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên xuất khẩu một số mặt hàng hải sản như cá biển, cua ghẹ đang có sự sụt giảm khá mạnh, lần lượt giảm 18,3% và 31,1%. Sự cố “thẻ vàng” đang đe dọa tác động xấu đến xuất khẩu hải sản sang thị trường này trong thời gian tới.
Theo bà Miriam Garcia Ferrer, Tham tán thứ nhất Trưởng ban Thương mại và Kinh tế, Phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU) tại Việt Nam, hiện tại, EU chưa tiến hành bất cứ biện pháp kiểm soát chặt chẽ nào đối với lô hàng nhập khẩu từ Việt Nam. Mọi hoạt động giao dịch thương mại vẫn diễn ra bình thường và phía doanh nghiệp Việt Nam không có gì phải lo lắng.
Tuy nhiên, “do đã bị thẻ vàng, tần suất kiểm tra các lô hàng hải sản có nguồn gốc từ Việt Nam chắc chắn sẽ tăng lên. Khi đó, khả năng sẽ có nhiều lô hàng bị phát hiện sử dụng nguồn nguyên liệu bất hợp pháp, hay có thể bị phát hiện các vấn đề về an toàn thực phẩm,” vị này cho biết.
Lo ngại hiệu ứng domino
Theo nhận định của các chuyên gia, một trong những lo ngại lớn nhất khi hải sản Việt Nam bị "thẻ vàng," đó là uy tín, hình ảnh của sản phẩm trên thị trường thế giới sẽ bị ảnh hưởng.
Bởi, khách hàng quốc tế sẽ rất e ngại với sản phẩm của những quốc gia bị phạt theo quy định IUU, tên của quốc gia bị cảnh báo cũng sẽ được đăng tải công khai trên các tạp chí và website chính thức của EU.
Tuy vậy, nếu các cảnh báo của EU không được thực hiện hoặc triển khai không hiệu quả, EU sẽ giơ thẻ đỏ. Nghĩa là toàn bộ hải sản khai thác, chế biến ở Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu sang EU.
Mất đi thị trường châu Âu, các thị trường khác cũng sẽ có cơ hội để áp đặt các biện pháp thương mại đối với hải sản của Việt Nam. Đây cũng là lo lắng của ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt nam, người đã có nhiều thâm niên trong ngành chế biến xuất khẩu thủy sản.
Chế biến tôm xuất khẩu. (Ảnh: Kim Há/TTXVN) |
“Nếu EU dừng nhập khẩu hải sản khai thác, các thị trường khác cũng sẽ có những động thái tương tự. Khi đó, sẽ là tai họa cho ngành xuất khẩu thủy sản Việt Nam,” ông Dũng nói.
Nguy cơ về "thẻ đỏ" cũng đang là nỗi lo của các doanh nghiệp.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hải Nam ở tỉnh Bình Thuận, đối tác của doanh nghiệp này ở Nhật Bản mới đây đã cho biết, nếu chẳng may hải sản Việt Nam bị EU phạt "thẻ đỏ" về IUU, Chính phủ Nhật Bản cũng sẽ cấm cửa nhập khẩu đối với hải sản có nguồn gốc từ Việt Nam.
Khi đó, các hợp đồng gia công phía Nhật Bản cũng không thể giao cho doanh nghiệp Việt Nam. Do vậy, các doanh nghiệp đừng nghĩ rằng không bán được hàng vào EU, có thể tìm thị trường khác. Việc tìm được thị trường khác trong bối cảnh hiện nay là không khả thi.
“Không chỉ riêng EU, từ ngày 1/1/2018, Mỹ cũng bắt đầu triển khai chống IUU thông qua Chương trình Giám sát nhập khẩu thủy sản vào Hoa Kỳ (SIMP).
Nếu Việt Nam bị phạt "thẻ đỏ," chúng ta mất thị trường EU, mất luôn cả thị trường Nhật, rồi Mỹ nữa thì chắc chắn xuất khẩu hải sản sẽ gần như không còn lối thoát,” bà Sắc, đồng thời là Trưởng ban điều hành IUU của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết.
Theo VASEP, không chỉ là thị trường định hướng tiêu dùng thủy sản, mà EU đã và đang là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ hai của Việt Nam, sau Mỹ.
Thị trường này luôn chiếm trên 17% trong tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang các thị trường trong 3 năm qua; trong đó, các mặt hàng hải sản khai thác biển luôn chiếm vị trí quan trọng trong cơ cấu xuất khẩu sang EU.
Số liệu thống kê của VASEP cũng cho thấy, mỗi năm tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng hải sản của Việt Nam đạt từ 1,9-2,2 tỷ USD; trong đó EU chiếm tới 16-17%, với giá trị khoảng 350-400 triệu USD/năm. Thị trường Mỹ cũng đang chiếm thị phần tương tự như vậy, khoảng 300-400 triệu USD/năm.
Với thị phần quan trọng như trên, cả IUU và SIMP đang đặt áp lực rất lớn lên các doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc nhận diện và giải quyết căn cơ vấn đề khai thác bất hợp pháp, không theo báo cáo và không theo quy định này cũng không dễ dàng gì trong bối cảnh hiện nay./.