Việt Nam cần có mục tiêu cụ thể về thúc đẩy công nghiệp 4.0
Tại hội thảo về phát triển công nghiệp thông minh do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với một số Bộ, ngành tổ chức diễn ra ngày 5/12 tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, cuộc cách mạng 4.0 đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất trên thế giới, tăng cường kết nối các quốc gia trên tất cả các phương diện từ thể chế nhà nước đến kinh tế - xã hội, môi trường. Nhiều quốc gia đã nhanh chóng có các chiến lược cụ thể để tận dụng tốt cơ hội, vượt qua thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Ông Nguyễn Văn Bình phát biểu tại Hội thảo |
Trong bối cảnh và xu thế đó, theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương, cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa chính thức có một mục tiêu về thúc đẩy công nghiệp 4.0. Việt Nam phải nhanh chóng năm bắt “cơ hội vàng”, nhưng nếu chỉ quá kỳ vọng mà không phân tích kỹ lưỡng thời cơ và thách thức của công nghiệp 4.0 sẽ rất nguy hiểm và phải trả giá đắt về sau.
“Với đặc điểm quan trọng nhất của cuộc cách mạng 4.0 là sự kết nối trên nền tảng đổi mới sáng tạo. Để đạt được thành công về chiến lược tổng thể của Việt Nam, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phải đảm bảo sự đồng bộ, hiệu quả với quyết tâm và nỗ lực cao nhất. Cần vượt qua được những tư duy và cách làm cũ trước đây, đồng thời cần đặt doanh nghiệp ở vị trí trung tâm của chiến lược này”, ông Bình khẳng định.
Để thực hiện thành công cuộc cách mạng 4.0, theo ông Bình, chiến lược về công nghiệp 4.0 của Việt Nam đòi hỏi phải được thiết kế có những lộ trình cụ thể, có những bước đi phù hợp với các chính sách cụ thể, rõ ràng và khả thi. Trong đó, ưu tiên quan trọng nhất là phải sớm có chiến lược để chuyển đổi số hóa quốc gia, tạo thuận lợi cho phát triển nền kinh tế số.
Từ đó hình thành đồng bộ cơ sở hạ tầng số quốc gia, có chính sách đào tạo, đào tạo lại đối với lực lượng lao động. Sớm xây dựng và có các cơ chế chính sách cụ thể để thực thi hiệu quả chiến lược phát triển nguồn nhân lực công nghiệp; đề ra yêu cầu chú trọng phát triển nhân lực công nghiệp trong các ngành điện tử, cơ khí, chế biến chế tạo…
Ông Phạm Đại Dương, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, hiện tại các quốc gia trên thế giới đều có các chiến lược phát triển công nghiệp 4.0. Cụ thể như ở Mỹ có chiến lược về internet công nghiệp; ở Đức có chiến lược về công nghiệp 4.0; Nhật Bản và Hàn Quốc có chiến lược công nghiệp 5.0…
Đặc biệt tại Trung Quốc đã có những chiến lược Made in China 2025 với mức đầu tư 1,5 tỷ USD gắn với mục tiêu trong 5 năm đưa Trung Quốc trở thành cường quốc sản xuất của thế giới tập trung vào 10 lĩnh vực công nghiệp trọng điểm.
Riêng tại Thái Lan có chiến lược Thái Lan 4.0 với mức đầu tư 1,2 tỷ USD vào các startup khởi nghiệp về công nghệ thông tin. Điểm nổi bật của Thái Lan là đưa nền kinh tế phát triển nhờ vào động lực đổi mới sáng tạo của công nghệ, trong đó việc đầu tư cho công nghệ chiếm đến 4% GDP./.