Công nghiệp 4.0 và khả năng tiếp cận của Việt Nam
Nền công nghiệp Việt Nam được đánh giá là có nhiều tiềm năng nhưng vẫn chưa tận dụng được những lợi thế để phát triển như kỳ vọng. Mặc dù đã có nhiều chính sách đã được đưa ra nhưng vẫn còn thiếu cơ bản và quan trọng để thúc đẩy công nghiệp.
Trong khi các doanh nghiệp trong nước vẫn còn đang loay hoay với bài toán thị trường và công nghiệp chế tạo đang đi sau các nước phát triển rất nhiều năm, thì cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (Công nghiệp 4.0) lại đã và đang xâm chiếm thị trường Việt Nam, tạo ra thách thức không nhỏ với ngành công nghiệp nước ta.
Công nghiệp 4.0 với kỳ vọng sẽ giảm chi phí hoạt động xuống 3,6% và tăng hiệu suất lên 4,1% mỗi năm. (Ảnh minh họa: KT) |
Chủ tịch Hiệp hội cơ khí Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thụ nhận xét, khó khăn lớn nhất của ngành công nghiệp nói chung và công nghiệp cơ khí nói riêng là nền tảng lạc hậu so với thế giới, lại không được Nhà nước đầu tư đúng mực nên rất khó phát triển.
“Yếu tố quan trọng nhất để ngành công nghiệp phát triển là chính sách tạo đơn hàng và thị trường nhiều năm qua vẫn chưa có. Do đó, so với sự phát triển của ngành công nghiệp thế giới đặc biệt là để hội nhập với công nghiệp 4.0 thì Việt Nam còn quá nhiều vấn đề cần giải quyết”, ông Thụ nói.
Từ quan điểm này, ông Thụ đề cao chính sách bảo hộ lao động khi cho rằng, trong chiến lược phát triển, từ nay đến năm 2035, nếu Việt Nam vay đầu tư khoảng 189 tỷ USD để mua máy móc cho các công trình điện, xi măng, hóa chất, phân bón, chỉ cần nội địa hóa 30%, ngành công nghiệp cơ khí có thể nuôi hàng triệu người lao động.
“Đã đến lúc chính sách bảo hộ và giữ việc làm cho người lao động của Việt Nam cần phải được coi trọng, không thể “dễ dãi” được nữa. Cần nhìn từ thực tế đang diễn ra tại Mỹ để chú trọng đến phát triển công nghiệp trong nước cũng như củng cố nguồn nhân lực cho công nghiệp 4.0”, ông Thụ lưu ý.
Băn khoăn với công nghiệp cơ khí hiện nay, ông Thụ vẫn mong muốn có sự hỗ trợ cho công nghiệp cơ khí trong nước phát triển. Cụ thể là Chính phủ cần có quyết sách trong việc rà soát lại các công trình công nghiệp trong nước đầu tư, phần nào chế tạo được trong nước dứt khoát phải để doanh nghiệp trong nước sản xuất, phần nào không sản xuất được mới phải mua nước ngoài.
Cụ thể theo ông Thụ đề nghị, Nhà nước có chính sách để khi các chủ đầu tư đầu tư vào công trình xi măng, nhiệt điện, thủy điện hoặc một công trình nào khác, cần thông qua Hiệp hội. Với khả năng và kinh nghiệm, Hiệp hội sẽ tập hợp lực lượng để phân tách dự án nào cần nhập khẩu thiết bị, công trình nào có thể được thực hiện bằng nguồn lực trong nước.
“Hiệp hội chịu trách nhiệm trước Nhà nước trước nhiệm vụ này, vì hiện nay rất nhiều chủ đầu tư vẫn không nghĩ đến việc các doanh nghiệp Việt Nam có thể làm được nhiều thiết bị. Nếu không tin tưởng vào doanh nghiệp trong nước, nhà nước vẫn phải bỏ ra cả tỷ USD để nhập khẩu thiết bị từ nước ngoài”, ông Thụ bày tỏ.
Việt Nam hoàn toàn có thể tiếp cận công nghiệp 4.0?
Trong khi công nghiệp trong nước còn đang “chật vật” tìm hướng đi mới, công nghiệp 4.0 với nhiều công nghệ mới kết hợp giữa các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số và sinh học sẽ ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực, từ nền kinh tế đến các ngành công nghiệp với kỳ vọng sẽ giảm chi phí hoạt động xuống 3,6% và tăng hiệu suất lên 4,1% mỗi năm.
Theo ông Isara Burintramart, Giám Đốc điều hành Công ty Reed Tradex -Đơn vị tổ chức triển lãm "Vietnam Manufacturing Expo" - Triển lãm về máy móc và công nghệ cho ngành công nghiệp sản xuất và công nghiệp hỗ trợ sắp tới tại Việt Nam cho biết, có rất nhiều yếu tố hỗ trợ các nhà sản xuất trở thành người dẫn đầu trong thời đại công nghiệp 4.0.
Trong số các yếu tố tác động như chính phủ, công cụ phân tích số liệu, nền kinh tế thì nguồn nhân lực là yếu tố quyết định. Các công ty trên toàn cầu đang đầu tư vào việc đào tạo cho nhân viên và tái cơ cấu tổ chức của họ.
Nhìn vào khả năng về nguồn nhân lực của Việt Nam cho công nghiệp 4.0, ông Isara Burintramart cho rằng, người Việt Nam luôn khao khát được phát triển và học hỏi những kỹ năng mới. Đặc biệt, người Việt Nam ngày càng tiến bộ hơn trong lĩnh vực kỹ thuật số, nên hoàn toàn có thể sẵn sàng để học hỏi và bước vào kỷ nguyên công nghiệp 4.0.
Ông Isara Burintramart dẫn nhận định của các chuyên gia kinh tế cho rằng, cách tốt nhất để Việt Nam bước vào công nghiệp 4.0 là thực hiện từng bước, bắt đầu từ một chiến lược, những dự án thí điểm...
“Một hành trình luôn phải có xuất phát điểm. Lực lượng lao động Việt Nam là một phần lý do tại sao các nhà đầu tư nước ngoài coi quốc gia này là đích đến đầu tư đầy tiềm năng. Hiện đang có rất nhiều nguồn thông tin và nhiều cách để các công ty có thể học hỏi và khám phá những công nghệ và ý tưởng mới, giúp họ nâng cao năng suât, giảm chi phí, cải thiện kỹ năng của nhân viên cho cuộc cách mạng công nghiệp mới”, ông Isara Burintramart tin tưởng cho biết./.