Vì mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân
Nhờ tham gia bảo hiểm y tế liên tục nên những chi phí cho việc chữa bệnh của anh Dương Văn Dần đã được hỗ trợ đáng kể, giúp anh yên tâm điều trị. |
Bệnh nhân Dương Văn Dần không may mắc bệnh hiểm nghèo, quá trình điều trị bệnh kéo dài và rất tốn kém. Nhờ tham gia bảo hiểm y tế liên tục nên những chi phí cho việc chữa bệnh của anh đã được hỗ trợ đáng kể, giúp anh yên tâm điều trị. Anh Dương Văn Dần, xã Yên Trạch, huyện Phú Lương, Thái Nguyên chia sẻ: "Tôi thấy BHYT như 1 lá bùa hộ mệnh để giúp gia đình tôi, mong rằng những ai chưa tham gia BHYT hãy tham gia để góp phần bao phủ BHYT toàn dân".
Thực tế đã chứng minh lợi ích của BHYT đối với việc chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Tuy nhiên, với những địa phương chịu ảnh hưởng bởi Quyết định 861 của Thủ tướng Chính phủ đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT.
BHXH huyện Định Hóa đã tập trung vào công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT tự nguyện. |
Sau khi Quyết định 861 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt danh sách các xã khu vực III, II, I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025” được áp dụng, tỷ lệ bao phủ BHYT tại một số địa phương giảm đáng kể do không còn nằm trong diện được hỗ trợ mua thẻ BHYT, ảnh hưởng đến kết quả bao phủ BHYT chung của toàn tỉnh. Chính vì thế, BHXH các địa phương đã tập trung vào công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT tự nguyện.
Ông Nguyễn Văn Thìn, xã Kim Phượng, huyện Định Hóa chia sẻ: "Chúng tôi đã được UBND xã, phòng Lao động, Thương binh và Xã hội tuyên truyền, đa số nhân dân trong xóm đã mua BHYT tự nguyện".
Bà Mai Thị Huyền, Giám đốc BHXH huyện Định Hóa, Thái Nguyên cho hay: "Đến nay, huyện Định Hóa đã vận động được trên 15.000 người không được ngân sách Nhà nước mua thẻ BHYT theo Quyết định 861 tiếp tục tham gia BHYT hộ gia đình, chiếm hơn 26,4% số người bị giảm và tiếp tục tham gia lại".
Hiện nay, số người tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh là trên 1,2 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 91,96% dân số. Có được kết quả này là cả một nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, ngành chức năng trong việc tuyên truyền, thực hiện các chính sách ưu việt của BHYT đến người dân. Đặc biệt, chú trọng công tác phối hợp giữa các ngành liên quan.
Bà Lưu Thị Bình, Phó Giám đốc Sở Y tế Thái Nguyên cho biết: "Chúng tôi đã có dự thảo gửi UBND tỉnh để tham mưu, sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho các đối tượng người yếu thế, người khuyết tật mức độ nhẹ, người cao tuổi từ 60 đến dưới 80 tuổi, đặc biệt là những đối tượng không được hưởng chế độ chính sách từ Quyết định 861 và những đối tượng ở xã vùng ATK làm sao để tăng tỷ lệ bao phủ thẻ BHYT trên địa bàn tỉnh".
Để tiếp tục nỗ lực hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân với chỉ tiêu được giao năm 2023 đạt tỷ lệ 95% dân số tham gia BHYT, ngành BHXH tỉnh Thái Nguyên đã đề ra nhiều mục tiêu cụ thể.
Ông Nguyễn Hồng Trường, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Thái Nguyên thông tin: "BHXH tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng kịch bản phát triển người tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp năm 2023; đổi mới, đa dạng hóa các phương pháp truyền thông để tuyên truyền với phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia BHYT, thực hiện tốt chương trình tặng sổ, thẻ BHYT cho những người có hoàn cảnh khó khăn, phối hợp với Sở Y tế và các cơ sở khám, chữa bệnh để nâng cao chất lượng phục vụ chăm sóc sức khỏe người dân, quản lý và sử dụng hiệu quả Quỹ khám, chữa bệnh BHYT, đảm bảo quyền lợi cho người có thẻ BHYT trong quá trình khám, chữa bệnh".
Cùng với sự chỉ đạo, đồng hành của các cấp, ngành, địa phương; đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Ban Chỉ đạo Chính sách BHXH, BHYT các cấp trong công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về chính sách pháp luật BHYT, người dân cũng cần chủ động tiếp cận, tìm hiểu những lợi ích của chính sách này, hướng tới mục tiêu vì một xã hội công bằng, văn minh, tốt đẹp, “không để ai bị bỏ lại phía sau”./.