Vẫn tích cực khoe bảng điểm của con
Những ngày qua, bảng điểm của con trẻ lại được nhiều phụ huynh "chưng" lên mạng xã hội. Và dù nhiều người cho rằng mình không quan tâm đến thành tích, điểm số; và dù rằng chuyện điểm 9, 10 đã như là điểm "phổ cập toàn dân" nhưng những bảng điểm vẫn có sức thu hút lạ kỳ với mọi người. Tâm trạng của nhiều phụ huynh vẫn luẩn quẩn quanh chuyện điểm số của con.
Rất nhiều người bình luận vào chia sẻ, khen ngợi, đánh giá... mà ẩn đằng sau đó không ít nỗi niềm. Rõ nhất là nhiều phụ huynh không thoát ra được tâm lý so bì con mình với con nhà người khác dù có thể không cố ý.
Cuối năm học, bảng điểm của con lại được bố mẹ tích cực khoe lên mạng xã hội |
Không chỉ là khen ngợi con học giỏi, điểm cao quá, có phụ huynh khi nhìn bảng điểm của "con nhà người ta" liền vào kể lể con mình điểm không bằng, có người than thở con mình điểm vẫn chỉ... 9,5 như kỳ trước không tiến lên được, hay là con nhà mình vẫn chỉ xếp hạng thứ 7 của lớp như kỳ trước. Cũng có người tiếc nuối vì chỉ cầm thêm phẩy nữa là con mình về nhất...
Từ tháng 6/2017, Luật Trẻ em có hiệu lực, vấn đề bố mẹ đưa bảng điểm của con lên mạng đã được đặt ra. Theo đó, cha mẹ muốn đưa thông tin cá nhân, trong đó có điểm số của con trẻ lên mạng, phải hỏi ý kiến của trẻ, nếu không sẽ phạm luật. Điều này không chỉ bảo vệ thông tin cá nhân của trẻ, mà còn nhằm đảm bảo an toàn cho các em.
Đối với vấn đề điểm số của con, các chuyên gia cho rằng, bố mẹ có thể vì phấn khởi chia sẻ cho vui nhưng họ không lường được hết những tác động của việc này đến con trẻ. Nhiều em không thích bố mẹ khoe điểm số của mình, vấn đề của mình bị mọi người mổ xẻ, bàn tán, tranh luận...
Kể cả là những lời khen ngợi vì điểm cao ít nhiều cũng tạo ra áp lực không đáng có đối với các em, có thể hình thành trong các em tiềm thức việc học nặng vì điểm số. Nhiều em lao vào học, đánh đổi rất nhiều thứ vì chỉ vì mục đích đạt điểm cao để bố mẹ vui lòng.
Một chuyên gia tâm lý ở TPHCM chia sẻ, nhiều phụ huynh mặc định con mình tài, giỏi dựa vào điểm số. Từ đó, họ tự hào, tâng bốc con quá mức. Điều này có thể dẫn đến hai trạng thái là đứa trẻ xấu hổ, bị mất tự tin hoặc ngược lại, một số em lại bị ảo tưởng, không nhìn vào năng lực thật của mình.
Là người rất quan tâm đến lĩnh vực giáo dục, nhà báo, nhà văn Trương Anh Ngọc chia sẻ, cuối năm học, anh quan sát lại thấy điểm số "nóng" lên. Điểm số của con trẻ có thể là niềm tự hào của cha mẹ này, nhưng cũng có thể là nỗi tủi hổ của bố mẹ khác. Hoặc vì con họ khiến họ không ngẩng đầu lên được, hoặc vì bố mẹ hiểu rằng, con họ không giỏi đến mức ấy nhưng có thể vì thành tích nhà trường mà con được "cân nhắc" cho điểm cao hơn.
Theo anh Ngọc, với nhiều phụ huynh, nếu không có điểm số thì họ không biết con giỏi hay dốt; không biết con mình "so" với con nhà hàng xóm thông minh, thua kém thế nào... Nhiều phụ huynh xem con như một thứ trang sức cho bản thân mình và dòng họ. Việc đó vô hình trung tước đi nhiều cơ hội học tập, sinh hoạt lành mạnh của con.
Rồi việc quá coi trọng điểm số còn đến từ giáo viên cũng đẩy cha mẹ vào cuộc chạy đua vì sĩ diện. Người bạn thân của anh Ngọc đi họp phụ huynh về kể, cô giáo chỉ nói đến điểm số và điểm số. Nói bạn này xuất sắc, bạn kia quá kém mà không nhìn quanh lớp để thấy bao tâm trạng của phụ huynh.
Trong rất nhiều lần chia sẻ với phụ huynh, TS Nguyễn Thị Bích Hồng (ĐH Sư phạm TPHCM) đều nhấn mạnh, những đứa trẻ đạt điểm số cao khi đang đi học không phải là những đứa trẻ thành công trong cuộc đời. Điều này, đòi hỏi phụ huynh phải biết cân bằng giữa việc học kiến thức với trau dồi các giá trị sống, kỹ năng sống.