Bài thi tổ hợp KHTN: Đề thi gây áp lực lớn với học trò và giáo viên?
Đề Hoá gây áp lực cho học sinh và giáo viên
Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du cho biết, tôi khá bất ngờ với đề môn Hoá hôm nay vì mức độ khó và sự phân hóa cao.
Về cấu trúc thì đề tương tự đề minh họa của Bộ GD-ĐT công bố với 30 câu kiến thức lớp 12 và 10 câu kiến thức lớp 11. Trong số đó, có 17 câu bài tập và 23 câu lý thuyết với kiến thức dàn trải. Tôi cho rằng, học sinh học hành nghiêm túc, chăm chỉ thì đạt được điểm 5. Học sinh xuất sắc lắm thì may ra mới đạt điểm 8, tôi chưa dám nói 9 – 10.
Học sinh trầm tư sau khi hoàn thành bài thi tổ hợp môn KHTN sáng nay |
Tuy nhiên, số câu bài tập đòi hỏi tốn nhiều thời gian để giải chiếm tỷ trọng lớn trong đề khiến phần lớn thí sinh không đủ thời gian hoàn thành trọn đề. Cũng theo thầy giáo này, với cách ra đề thế này sẽ làm khó cả giáo viên và học sinh trong công tác ôn luyện. Bởi nếu chỉ đơn thuần ôn tập theo chương trình sách giáo khoa thì thí sinh khó đạt điểm tốt với đề này.
Đề Sinh dài và gây mệt mỏi cho thí sinh
Cô Nguyễn Khánh Hồng Vân, giáo viên dạy Sinh trường THPT Thành Nhân (Quận Tân Phú, TPHCM) nhận xét: So với đề thi năm 2017 và đề minh hoạ 2018 được Bộ GD-ĐT công bố trước đó, đề thi môn sinh học khó hơn và tính phân hoá cao. Nhìn chung, cách sắp xếp của đề theo trình tự từ đơn giản đến phức tạp. Trong đó, 14 câu đầu khá dễ làm nên học sinh có thể nhanh chóng làm được, tuy nhiên, kể từ sau mức độ khó càng tăng cao. Tôi nhận thấy có đến 20 câu phải đếm ý đúng, sai. Từ câu thứ 30 trở đi thì nhiều câu bài tập dài khiến học sinh mất nhiều thời gian tính toán mới có thể chọn đáp án.
Để kiếm được điểm số 8-9 điểm thì không đơn giản đối với thí sinh học khá. Học sinh trung bình chỉ có thể đạt được mức 4-5 điểm chứ khó có thể đạt điểm 6 trở lên. Bởi đề này đòi hỏi nhiều tư duy tốt, nhiều câu thí sinh dễ bị nhầm lẫn.
Tuy nhiên, tôi cho rằng đề thi này không có dạng câu hỏi “lạ”, gây bất ngờ dù đề thi quá dài. Trong khi trước đó các em vừa phải thi liên tiếp 2 môn trắc nghiệm với số câu dài khó tương đương thì đến môn thứ 3 thí sinh sẽ mệt mỏi ngay khi bắt đầu nhận đề. Tôi cho rằng với thời gian thi chỉ 50 phút thì đây là quả là áp lực lớn đối với học trò.
Thầy Nguyễn Lâm Quang Thoại, giáo viên bộ môn Sinh, trường THPT Nhân Việt cũng nhận xét: Cấu trúc đề này đúng theo cấu trúc của Bộ, trong đó 11 câu khó. Đề có sự phân hóa năng lực, độ phân hóa cao, học sinh giỏi mới làm được điểm 8 trở lên. Theo tôi, mức điểm trung bình học sinh có thể đạt được là 5,3.
Tuy nhiên tôi đánh giá đề dài nhưng không hay, độ phân hóa không rõ. Nhất là mức độ 6-7-8 điểm không thể phân hóa học sinh trung bình và học sinh khá. Đề không có các câu tích hợp liên môn hoặc giải quyết tình huống thực tiễn hay. Hết 24 câu hỏi lý thuyết; 16 câu bài tập và chỉ có 3 câu ở mức độ dễ, số còn lại là mức độ khó cao.
Trước đó, trao đổi với Dân trí sau giờ thi, nhiều thí sinh đánh giá các em làm được khoảng 50% bài làm, không dễ để đạt điểm cao. Một thí sinh có học lực giỏi môn Hóa cho hay, cho dù rất tự tin với môn này nhưng em không làm trọn vẹn được bài thi, chắc chắn không đạt điểm tối đa. "Thi ba môn liên tiếp, đề khó và dài em thấy rất đuối, quá căng thẳng", thí sinh cho biết.