Vấn nạn tranh giả: Dễ cảm nhận, khó chứng minh
Bài báo của tác giả Richard C. Paddock đăng trên tờ The New York Time ngày 11/8 đã khiến giới hội họa và những người yêu tranh Việt Nam hoang mang thực sự. Phản ánh của tác giả nước ngoài về tình trạng: “Tranh Việt Nam đang nổi tiếng hơn bao giờ hết nhưng thị trường lại ngập tràn tranh giả” được đánh giá là cái nhìn khách quan và chính xác. Bài viết còn mô tả thị trường tranh Việt Nam đang đầy rẫy sự gian lận.
Trong bài viết của mình, Richard C. Paddock nhắc lại một số vụ tranh giả đình đám bị phanh phui trong những năm gần đây, trong đó có vụ Nguyễn Thành Chương - Tạ Tỵ hồi tháng 7 - 2016.
Họa sĩ Thành Chương từng phát hiện tranh của ông lại ghi tên của một tác giả khác. Ảnh: Hoàng Vy |
Bàn về tranh giả, mới đây, trong một cuộc đấu giá ở Hà Nội vào cuối tháng 7, một bức tranh có tên “Phố cũ” (được cho là của cố họa sĩ Bùi Xuân Phái), dù vướng nghi án tranh giả nhưng vẫn được mang ra đấu với giá khá cao (12000 USD).
Vấn đề tranh giả, tranh chép không còn là câu chuyện mới của giới hội họa, mỹ thuật.
Lâu nay, dường như người ta vẫn mặc định việc “sao chép tranh” là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, trả lời về vấn đề này, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm lại cho rằng, không phải tất cả các hoạt động sao chép tranh đều phạm pháp, chỉ có điều việc sao chép tranh phải có điều kiện và các thỏa thuận cần thiết.
“Sao chép tranh là một nhu cầu của xã hội. Không phải ai cũng đủ tiền để mua một bức tranh bản gốc nhưng họ vẫn có nhu cầu thưởng thức hội họa. Vậy thì họ có quyền mua tranh chép. Người chép tranh nếu đạt được các thỏa thuận với tác giả, hay người chủ sở hữu tác phẩm. Thỏa thuận đó có thể là thỏa thuận về dân sự, thỏa thuận bằng hợp đồng hay tài chính. Tuy nhiên, tranh chép phải chấp hành các quy định như: kích cỡ phải to hoặc nhỏ hơn so với tranh gốc, phải đánh rõ số thứ tự của các bản sao chép để người mua nhận biết và phân biệt được”, ông Vi Kiến Thành cho biết.
Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cũng cho rằng, trong thời gian vừa qua, báo chí nói nhiều về nạn tranh giả. Điều này đã gây hoang mang trong dư luận và giới hội họa. “Thực tế, xưa nay, tranh giả vẫn tồn tại như một thế giới ngầm. Nhưng người buôn tranh giả hoạt động một cách dấm dúi, dùng đủ mọi mưu mẹo để lách luật. Biết vậy nhưng để dẹp được vấn nạn này không hề đơn giản”, ông Vi Kiến Thành nói.
Một bức tranh được cho là sao chép lại bức "Phố cũ" của họa sĩ Bùi Xuân Phái. Ảnh: Chọn Auction house |
Cũng theo ông Thành, có nhiều yếu tố gây nên thực trạng đáng buồn này. Sự vận hành của thị trường, người sáng tác chưa thực sự đề cao yếu tố bản quyền, chưa biết cách bảo vệ tác phẩm, người mua dễ dãi, người bán tranh giả thì thời cơ và chộp giật. Ngoài ra, cũng cần phải công bằng thừa nhận rằng sự phối hợp giữa các cơ quan đoàn thể cũng chưa tốt trong thời gian qua.
Họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam lại cho rằng: “Họa sĩ Việt Nam chưa có thói quen đăng ký bản quyền cho tác phẩm hội họa của mình. Đó là lý do lớn khiến tranh chép, tranh giả ngày càng lan tràn, khó kiểm soát. Mà việc đăng ký cũng không quá rườm rà, chỉ cần báo cáo với Cục Bản quyền tác giả (Bộ VH-TT&DL) kèm theo mức phí là 500.000 đồng”.
“Họa sĩ nổi tiếng thì không đăng ký bản quyền trong khi những người không nổi tiếng thì lại đăng ký và cầm tờ đăng ký đó đi khoe. Nhưng tranh của ông không nổi tiếng thì người ta sao chép làm cái gì”, họa sĩ Khánh Chương bày tỏ.
Theo Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, tranh giả dễ cảm nhận nhưng để chứng minh thì rất khó. Đa số các chuyên gia chỉ có “thẩm định” bằng cảm nhận và kinh nghiệm của mình. Việc chứng minh bức tranh đó là bản gốc rất khó và nếu muốn khẳng định phải đưa ra được những bằng chứng xác thực.
“Ví dụ bức Phố cũ vừa qua, để phân biệt thật giả cần căn cứ vào yếu tố đầu tiên là chất liệu. Họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ bức này những năm 1960. Vậy chất liệu có đúng là của khoảng thời gian đó. Nếu so sánh, chúng ta sẽ thấy những năm 60 chất liệu tranh sẽ khác với bây giờ nhiều. Nhưng năm 1960, các họa sĩ Việt Nam đa số vẽ tranh bằng các chất liệu nhập từ Nga, Đức về”, họa sĩ Trần Khánh Chương phân tích.
Họa sĩ Trần Khánh Chương. Ảnh: TL |
Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng bày tỏ những khó khăn về việc xử lý nạn tranh giả: “Theo đuổi một vụ kiện tụng tranh giả hay tranh chép vi phạm không hoàn toàn đơn giản. Chép tranh ở Việt Nam nhiều nhưng không có vụ nào xử lý đến nơi đến chốn. Tranh của Bùi Xuân Phái từng bị giả rất nhiều nhưng người nhà không dám kiện. Con trai ông Phái từng tâm sự với tôi là anh ấy không đủ tiền bạc để kiện người chép tranh vi phạm. Muốn kiện phải thuê luật sư nước ngoài với mức phí là 600 USD/h. Kiện thắng rồi thu tranh về bán có bù nổi số tiền đã bỏ ra để kiện? Theo tôi là rất khó. Đối với các họa sĩ khác cũng vậy, họ làm sao đủ khả năng để tự giám định tranh của mình. Trong khi các cơ quan chức năng cũng không có đủ máy móc, tài chính để giám định hộ tác giả”.
Vấn đề bảo hộ bản quyền hiện nay cũng đang có nhiều bất cập. Luật bản quyền thế giới quy định bản quyền chỉ được bảo hộ trong vòng 70 năm (Luật bản quyền của Việt Nam quy định 50 năm). Cho nên, đối với nhiều tác giả nổi tiếng trên thế giới sau khi họ mất 50 năm, người ta có quyền chép lại tranh của họ mà không hề vi phạm pháp luật.
“Điều quan trọng là chúng ta cần phổ biến rộng rãi luật bản quyền tác giả để nâng cao ý thức của người sử dụng liên quan đến các hoạt động hội họa. Đưa ra các hình phạt nghiêm khắc khi phát hiện ra tranh giả”, họa sĩ Khánh Chương nói./.