Vai trò của xã hội hóa trong phổ cập giáo dục mầm non tại Việt Nam
Bằng nguồn lực của xã hội, mạng lưới trường lớp mầm non được củng cố, cơ sở vật chất dạy học được cải thiện, chất lượng giáo viên được nâng cao. Sự quan tâm của gia đình và cộng đồng đã thực sự trở thành mắt xích trong quá trình giáo dục và chăm sóc trẻ ngay từ những năm đầu đời.
Bà Nguyễn Thị Hiếu - Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non – Bộ Giáo dục Đào tạo cho biết: "Giáo dục mầm non là bậc học thực hiện xã hội hóa giáo dục tốt, không chỉ vật chất mà cả trách nhiệm trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ, không chỉ có trong nhà trường mà vai trò rất lớn trong gia đình và cộng đồng, góp tiếng nói, công sức cùng nhà trường để chuẩn bị tốt nhất cho trẻ phát triển hài hòa".
Ủng hộ vật chất, đóng góp ngày công hay sự tham gia của bố mẹ cùng con trong các tiết học… đều là những ví dụ cho thấy xã hội hóa đóng vai trò quan trọng tại bậc học mầm non. Đây cũng là yếu tố cần thiết để Việt Nam phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi một cách bền vững.