Tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm máy tính ở Việt Nam tiếp tục giảm
Như vậy, từ năm 2009 đến nay, kết quả nghiên cứu của BSA đã cho thấy tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm máy tính ở Việt Nam đã giảm liên tục từ mức 85% năm 2009 xuống 83% năm 2010, đến mức 81% vào các năm 2011 và 2013; đến mức 78% năm 2015 và 74% vào năm 2017 theo kết quả khảo sát mới được công bố.
Tỷ lệ sử dụng phần mềm trái phép vẫn ở mức báo động
Sáng 12/6 Liên minh phần mềm BSA đã chính thức công bố “Điều tra Phần mềm Toàn cầu 2018: Quản lý phần mềm - Đòi hỏi bắt buộc về an ninh và Cơ hội kinh doanh toàn cầu”. Điều tra này được BSA hợp tác cùng hãng nghiên cứu IDC thực hiện nhằm xác định số lượng và giá trị của phần mềm không bản quyền được cài đặt trên máy tính cá nhân tại hơn 110 nền kinh tế và khu vực, thu thập gần 23.000 phiếu trả lời của người tiêu dùng, người lao động và các CIO trong các lĩnh vực.
Tham dự lễ công bố tại Việt Nam có sự tham gia của đại diện Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; Bộ Thông tin và Truyền thông.
Kết quả khảo sát của BSA vừa công bố cho hay, tình trạng sử dụng phần mềm trái phép tuy có giảm nhẹ, nhưng vẫn còn phổ biến. Dù trên toàn cầu, tỷ lệ cài đặt phần mềm trái phép đã giảm 2% trong 2 năm qua, nhưng tỷ lệ sử dụng phần mềm trái phép vẫn ở mức báo động, chiếm 37% lượng phần mềm được cài đặt trên máy tính cá nhân. Giá trị thương mại tổng thể của phần mềm trái phép cũng đã giảm, nhưng đa số các quốc gia trong cuộc khảo sát đều có tỷ lệ phần mềm trái phép từ 50% trở lên.
Bà Sheryl Lee, Cố vấn khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, Liên mình phần mềm BSA thông tin tại buổi công bố. |
Theo đánh giá của BSA, tỷ lệ cao này không chỉ làm trì trệ nền kinh tế địa phương do sự tụt hậu trong thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ, mà còn cản trở sự tăng trưởng lợi nhuận của công ty và gây ra những rủi ro về bảo mật chưa từng thấy. Các giám đốc CNTT (CIO) dần nhận thấy việc sử dụng phần mềm trái phép ngày càng tốn kém và gây nhiều rủi do.
Hiện tại, nguy cơ các tổ chức gặp phải phần mềm độc hại khi tiếp nhận hoặc cài đặt một gói phần mềm trái phép hay mua một chiếc máy tính cài sẵn phần mềm trái phép là một phần ba. Trung bình, mỗi cuộc tấn công bởi phần mềm độc hại có thể thiếu tốn của công ty 2,4 triệu USD và mất tới 50 ngày để khắc phục.
“Trong trường hợp việc nhiễm phần mềm độc hại khiến công ty phải ngừng hoạt động hoặc mất dữ liệu kinh doanh, có thể thương hiệu và danh tiếng của công ty cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chi phí cho việc xử lý phần mềm độc hại có liên quan đến phần mềm trái phép cũng đang tăng lên.
Giờ đây, một công ty có thể phải tốn hơn 10.000 USD cho mỗi máy tính bị nhiễm phần mềm độc hại, và tính tổng cộng thì các công ty trên toàn thế giới phải tốn gần 359 tỷ USD một năm. Hiện tại, lý do hàng đầu mà các CIO viện dẫn cho việc đảm bảo phần mềm trên mạng lưới của họ được cấp phép đầy đủ là để tránh các mối đe dọa về bảo mật từ phần mềm độc hại”, BSA thông tin.
Bà Victoria Espinel - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc BSA khuyến nghị: “Các tổ chức trên toàn thế giới chưa tranh thủ được những lợi ích kinh tế và an ninh mà các phần mềm được quản lý tốt đem lại. Doanh nghiệp cần có các chương trình quản lý tài sản phần mềm (SAM) để đánh giá các phần mềm hiện có trên mạng, từ đó sẽ giảm được rủi ro từ các cuộc tấn công mạng nguy hiểm cũng như góp phần nâng cao thu nhập”.
Việt Nam giảm 4% sau hai năm nỗ lực
Khảo sát còn cho thấy, từ năm 2015 đến năm 2017, tỷ lệ phần mềm trái phép trên toàn thế giới giảm 2%, từ 39% xuống còn 37%, và giá trị thương mại của phần mềm không có giấy phép giảm 8% xét đồng tiền không đổi, xuống còn 46,3 tỷ USD trên toàn cầu.
Với 57% phần mềm không có giấy phép, khu vực châu Á – Thái Bình Dương có tỷ lệ chung cao nhất trên thế giới mặc dù đã giảm 4% so với năm 2015; Khu vực Trung và Đông Âu xếp ngang hàng với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương với tỷ lệ phần mềm trái phép cao nhất, tính tổng thể, là 57% - chỉ giảm 1% so với năm 2015.
Ở Trung Đông và Châu Phi, tỷ lệ chung giảm 1% xuống còn 56%, mặc dù tỷ lệ tại hai thị trường trong khu vực này tăng một phần trăm và 4 thị trường khác không thay đổi.
Trong khu vực Mỹ Latinh, 52% phần mềm không được cấp phép, giảm 3% kể từ cuộc khảo sát năm 2015. Tây Âu có tỷ lệ vi phạm 26%, giảm 2%. Và Bắc Mỹ là khu vực có tỷ lệ vi phạm thấp nhất thế giới, ở mức 16%, giảm 1% so với kết quả khảo sát công bố năm 2016.
Đáng chú ý, theo kết quả khảo sát mới được công bố, tỷ lệ phần mềm không bản quyền được cài đặt trong máy tính cá nhân của Việt Nam là 74%. So với nghiên cứu trước của BSA đã được công bố năm 2016, tỷ lệ này đã giảm được 4%. Theo đại diện BSA tỷ lệ giảm này là rất ấn tượng, cho thấy nỗ lực không nhỏ của các cơ quan, tổ chức tại Việt Nam trong 2 năm qua.
BSA cho rằng, tỉ lệ nêu trên chịu ảnh hưởng một phần bởi các xu hướng lớn đang diễn ra ở Việt Nam. Lượng tiêu thụ máy vi tính PC tuy giảm mạnh nhưng lượng cài đặt phần mềm tiêu dùng lại tăng, do kết quả của lượng tiêu thụ năm trước. Vì thế, việc tỉ lệ phần mềm không phép giảm chủ yếu là kết quả của việc Việt Nam tiếp tục mở cửa thị trường, thực thi luật, tuyên truyền chứ không phải một yếu tố nội tại của thị trường. Số lượng cơ sở bán lẻ máy PC quy mô nhỏ đã giảm trong khi các nguồn cung cấp phần mềm đáng tin cậy hơn tăng. Các lo ngại về vấn đề an ninh do sử dụng phần mềm không bản quyền khiến một số người tiêu dùng, doanh nghiệp tìm đến phần mềm hợp pháp, chí ít là các phần mềm an ninh.
Mặc dù giảm 4% xuống còn 74% tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm nhưng so với các nước ở Đông Nam Á thì Việt Nam vẫn có mức độ vi phạm ở mức cao. (Indonesia 83%, Thái Lan 66%, Philippines 64%, Brunei 64%, Malaysia 51%, Singapore 27%).
So với các nước trong khu vực Đông Nam Á thì mặc dù giảm 4% nhưng Việt Nam vẫn còn nhiều điều phải làm trước những vi phạm về bản quyền phần mềm máy tính. |
Theo ông Phạm Cao Thái – Chánh thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, con số 74% sẽ là mốc quan trọng đánh dấu quá trình Việt Nam thực thi tốt Luật Sở hữu trí tuệ và đặc biệt là chống vi phạm bản quyền về phần mềm máy tính.
ông Phạm Cao Thái – Chánh thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. |
Nếu nói về số học đơn thuần thì sau hai năm Việt Nam chỉ giảm được 4% nhưng đây là cả một quá trình, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước phấn đấu trong việc giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm máy tính.
“Từ những con số này chúng ta sẽ tiếp tục phân tích để trong thời gian tới còn phải giảm thêm nữa, đây là mục tiêu cũng như là cam kết của Việt Nam trong việc hội nhập kinh tế thế giới và thực hiện tốt Luật Sở hữu Trí tuệ” – ông Phạm Cao Thái nói.