Tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017: Các trường lo lắng thí sinh “ảo”
Kỳ tuyển sinh năm nay, thí sinh được tạo điều kiện tối đa để nâng cao cơ hội trúng tuyển vào các trường đại học thông qua việc được chọn rất nhiều nguyện vọng. Thế nhưng, nhiều ý kiến cho rằng, việc bình đẳng hóa quyền ưu tiên của tất cả các nguyện vọng rất có thể sẽ dẫn đến tình trạng thí sinh “ảo” tại không ít trường, đặc biệt là các trường tốp giữa, tốp dưới.
Quy chế tuyển sinh năm 2017 được đánh giá cao khi kết hợp nguyên tắc xét tuyển của 2 năm trước với mục đích tăng cường quyền lợi cho thí sinh. Năm 2015, mỗi thí sinh được đăng ký xét tuyển vào một trường đại học với 4 nguyện vọng. Do đó chỉ có thể trúng tuyển vào một trường. Năm 2016, mỗi thí sinh được đăng ký xét tuyển vào 2 trường với 4 nguyện vọng và có thể được xét trúng tuyển ở cả 2 trường. Năm nay, mỗi thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng vào nhiều trường khác nhau nhưng thực chất chỉ được xét trúng tuyển ở nguyện vọng cao nhất.
Về lý thuyết, nếu mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển vào một trường đại học thì không thể có chuyện trúng tuyển “ảo” vào trường đại học khác. Thế nhưng, quy chế tuyển sinh năm nay lại quy định tất cả các nguyện vọng mà thí sinh đăng ký được xét tuyển bình đẳng như nhau trong cùng một đợt.
Năm nay, mỗi thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng vào nhiều trường khác nhau nên nhiều trường ĐH, CĐ lo lắng có nhiều thí sinh “ảo” (ảnh minh họa) |
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM, khả năng “ảo” bắt đầu từ đây: “Thí sinh có thể đăng ký rất nhiều nguyện vọng nhưng khi xét tuyển thì tất cả các nguyện vọng đó dù ở trường nào, dù là nguyện vọng 1 hay 2, 3, 4… vẫn được xét tuyển bình đẳng như nhau. Do đó, tình huống có thể xảy ra là một thí sinh có thể trúng tuyển theo nhiều nguyện vọng khác nhau ở các trường khác nhau. Chính việc đó dẫn đến khả năng ảo thí sinh”.
Đặc biệt với các thí sinh thi đạt điểm cao, việc các em trúng tuyển cùng lúc ở tất cả các nguyện vọng vào các trường đã đăng ký trước đó là điều rất có thể xảy ra. Lúc này, chắc chắn các trường thuộc nhóm nguyện vọng đăng ký từ vị trí thứ 2 trở xuống sẽ rơi vào tình trạng thí sinh trúng tuyển “ảo”.
Số lượng thí sinh trúng tuyển mà không học này tại các trường tốp giữa, tốp dưới sẽ nhiều hơn vì phụ thuộc phần lớn vào lượng thí sinh “lọt sàn xuống nia” từ các trường tốp trên. Về nguyên tắc, để đảm bảo an toàn, trường đại học nào cũng có một khoản chỉ tiêu dự phòng khoảng 5% tổng chỉ tiêu quy định. Vì vậy, chỉ cần một điều chỉnh nhỏ về chỉ tiêu hoặc điểm trúng tuyển của các trường tốp trên sẽ dẫn đến sự thay đổi chỉ tiêu của hàng loạt trường tốp giữa, tốp dưới.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Hà, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Mở TP HCM cho hay: “Nếu vào giờ phút cuối, các trường tốp 1 tăng chỉ tiêu thì các trường ở dưới sẽ bị hụt chỉ tiêu. Còn các trường tốp 1 thời gian đầu vì muốn an toàn cho mình mà lấy nhiều thí sinh, tuy nhiên giờ phút cuối lại thấy đủ rồi thì giảm chỉ tiêu xuống. Lượng chỉ tiêu giảm đó sẽ đẩy sang các trường tốp 2, tốp 3 khiến các trường này vượt chỉ tiêu. Mà vượt chỉ tiêu thì sẽ bị phạt”.
Điều các trường đại học tốp giữa và tốp dưới mong muốn nhất bây giờ là sau khi hết thời hạn chỉnh sửa nguyện vọng của thí sinh vào ngày 25/7, các trường đại học tốp trên sẽ sớm chốt danh sách trúng tuyển. Thông tin này là cơ sở để các trường tốp giữa, tốp dưới biết nguồn tuyển còn bao nhiêu mà dự liệu tình hình nhằm tăng giảm chỉ tiêu xét tuyển sao cho hợp lý. Mới đây, nhóm xét tuyển chung tại khu vực phía Nam đã được thành lập để khắc phục tình trạng này.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, một trong 2 đơn vị chủ trì nhóm xét tuyển chung năm nay cho biết: “Việc hình thành nhóm xét tuyển chung chống ảo là để các trường thấy các em ngoài nguyện vọng đậu vào trường mình thì còn đậu ở các nguyện vọng khác như thế nào ở trường khác. Điều này sẽ giúp các trường điều chỉnh dòng chảy, phân bố thí sinh cho đồng đều. Như vậy điểm chuẩn đưa ra sẽ chính xác và gần với thực tế nhất”.
Có một nhóm xét tuyển tiền lọc “ảo” với sự tham gia của hàng chục trường đại học trong cùng một khu vực là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, vấn đề khiến nhiều người quan tâm là liệu các trường đại học lớn có sẵn sàng ngồi lại cùng nhau chốt phương án tuyển sinh và kịp thời chia sẻ thông tin để hỗ trợ các trường tốp dưới tuyển sinh thuận lợi hơn hay không? Điều này đòi hỏi sự cam kết và phối hợp chặt chẽ từ các trường tốp trên để tránh những thay đổi vào phút chót khiến các trường tốp dưới trở tay không kịp./.