Tuyển sinh Đại học: Các trường tự chủ nhưng phải đảm bảo chất lượng
Giám thị phổ biến quy chế thi cho thí sinh trước giờ làm bài thi đánh giá năng lực môn Ngoại ngữ trên máy tính tại Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN) |
Sáng 8/5, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ chủ trì hội nghị trực tuyến với các cơ sở giáo dục đại học về Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020.
Hội nghị nhằm giúp các cơ sở giáo dục đại học hiểu rõ hơn về những quy định trong Quy chế tuyển sinh 2020; từ đó thống nhất nhận thức và hành động để thực hiện tốt kỳ tuyển sinh năm nay.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ năm 2020, ngành giáo dục bị tác động nặng nề bởi dịch COVID-19. Lãnh đạo Bộ đã cùng các cơ sở giáo dục đại học, các địa phương phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để điều hành năm học phù hợp với thực tiễn.
Đặc biệt, các nhà trường đã nhanh chóng chuyển đổi sang phương thức giáo dục-đào tạo từ xa rất linh hoạt. Đồng thời, thực hiện nhiệm vụ kép là vừa phòng chống dịch bệnh, vừa thực hiện nhiệm vụ giáo dục với phương châm "Tạm dừng đến trường nhưng không dừng học."
Đề cập về phương án thi tốt nghiệp Trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng 2020, Bộ trưởng cho biết trong bối cảnh đất nước khó khăn, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cân nhắc rất kỹ, xin ý kiến các bộ, ngành; Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội để đưa ra phương án thi Trung học phổ thông vừa phù hợp với lộ trình đổi mới và bối cảnh dịch bệnh.
Hiện nay, tâm lý của học sinh khá căng thẳng sau 3 tháng nghỉ chống dịch, vì vậy, điều cần nhất là hỗ trợ các em. Trong số các phương án về tổ chức kỳ thi, thi tốt nghiệp Trung học phổ thông là phương án được lựa chọn. Và khi đã chốt phương án này, chúng ta cần cố gắng làm tốt và đảm bảo tính nhất quán.
Về công tác tuyển sinh, Bộ trưởng đánh giá cao sự chủ động của các trường đại học nhưng cũng yêu cầu các trường phải thống nhất, xem xét, nghiên cứu kỹ về phương án tuyển sinh của trường mình trước khi thông tin đến xã hội, tránh để học sinh hoang mang.
Ngoài tuyển sinh, các cơ sở đào tạo cần tăng cường hoạt động tư vấn, dự báo ngành nghề trong tương lai để thí sinh nắm bắt cơ hội phát triển.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh về cơ bản, công tác tuyển sinh năm nay giữ ổn định, tạo sự yên tâm cho học sinh. Các trường đại học được quyền tự chủ tuyển sinh nhưng phải theo quy định, đảm bảo khách quan, minh bạch, công bằng, bình đẳng giữa các trường.
Việc tổ chức thi tuyển sinh riêng phải theo chuẩn, có ngân hàng câu hỏi, đảm bảo các điều kiện tổ chức công khai minh bạch, có sự giám sát.
Lưu ý các trường tuyển sinh bằng kết quả học bạ, Bộ trưởng cho rằng quá trình chuyển đổi chất lượng điểm trong học bạ giữa các vùng miền rất khác nhau, có những vùng học bạ rất "long lanh" nhưng chưa chắc chất lượng đã cao.
Năm nay, sau khi có phổ điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, Bộ sẽ tiến hành đối sánh với học bạ, để thấy chất lượng thực với chất lượng đánh giá của địa phương như thế nào.
Với phương thức tuyển sinh dựa trên kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, các trường phải xem xét rất kỹ để đưa ra các tổ hợp xét tuyển phù hợp, không đưa ra những tổ hợp lạ dễ gây tranh cãi trong xã hội. Mặc dù đề thi nhằm mục đích chính là xét tốt nghiệp Trung học phổ thông nhưng vẫn có độ phân hóa để các trường tham khảo sử dụng trong xét tuyển.
Để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đảm bảo chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chỉ đạo, giám sát chặt chẽ, đồng thời, các trường đại học cũng cần vào cuộc mạnh mẽ trong công tác thanh, kiểm tra.
Tại hội nghị, lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học cơ bản thống nhất với phương án tổ chức thi tốt nghiệp Trung học phổ thông 2020 cũng như Quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo đó, đa số các trường vẫn giữ ổn định phương thức tuyển sinh như năm 2019.
Với cách ra đề đảm bảo sự phân hóa, phần lớn các trường có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông để xét tuyển; số ít các trường top trên, các trường đặc thù kết hợp xét tuyển bằng kết quả thi Trung học phổ thông và bài khảo sát nhỏ hoặc thi năng khiếu.
Bên cạnh đó, đại diện một số trường đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo cần hoàn thiện hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyển sinh, nhất là phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu (học bạ của thí sinh) phục vụ cho công tác xét tuyển; việc giao chỉ tiêu tuyển sinh đối với một số ngành đặc thù (như Sư phạm) cần xem xét kỹ nhu cầu của địa phương và tính khả thi trong triển khai đào tạo của các trường.
Các trường trong cùng khối ngành cũng cần tăng cường cơ chế phối hợp, hỗ trợ công tác tuyển sinh thuận lợi và hiệu quả hơn./.