Túi khí (airbag) đã được nghiên cứu từ lâu và được sử dụng lần đầu tiên cho máy bay, trong giai đoạn Thế chiến II. Cho tới tận thập kỷ 1980, loại túi khí sản xuất hàng loạt trang bị cho xe ôtô mới bắt đầu xuất hiện. Từ thuở ban đầu, mỗi xe chỉ trang bị 2 túi khí, đến nay có những chiếc xe được trang bị tới 14 túi khí. Cùng với đó, công nghệ túi khí cũng đã có những cải tiến vô cùng hiện đại nhằm tối ưu hóa khả năng bảo vệ người ngồi trong xe.

Túi khí được bung ra như thế nào?

Mỗi túi khí khi được kích hoạt từ ECU trong tình huống va chạm sẽ được kết hợp với một “thiết bị phóng” do hệ thống điện tử điều khiển nằm trong một lớp hỗn hợp gồm Natri, Kali Nitrate dễ cháy. Khi được kích hoạt, bộ điều khiển sẽ làm cháy các hợp chất trên, việc đốt cháy sẽ tạo ra các phản ứng hoá học chuyển hoá hợp chất thành khí Natri, khí Hydro, Oxy lấp đầy phần túi khí.

tui khi khong bung loi cua nha san xuat
Nguyên tắc bung của túi khí

Lượng khí gas lớn nén trong thể tích nhỏ buộc túi khí bung ra khỏi vô-lăng hay các vị trí lắp đặt khác với vận tốc 320 km/h, toàn bộ quá trình này diễn ra trong khoảng thời gian 0,04 giây. Tốc độ này còn nhanh hơn gấp 5 lần tốc độ chớp mắt trung bình của con người. Nhờ vậy mà túi khí mới có thể bung ra kịp thời để “đỡ” người ngồi bên trong.

Giai đoạn cuối cùng của túi khí sau khi bung là xẹp hơi, quá trình này cũng diễn ra ngay lập tức sau khi quá trình bơm phồng hoàn thành. Lượng khí ga sẽ thoát ra ngoài thông qua các lỗ thông hơi trên bề mặt túi khí, điều này cũng giúp cho người bị tai nạn tránh được các chấn thương bởi các tác động lớn. Một hiệu ứng khác của việc xẹp là xuất hiện các hạt bụi, đó chủ yếu là bột ngô và bột tan có tác dụng bôi trơn túi khí. Tuy nhiên, với công nghệ hóa chất hiện đại thì những nguyên liệu bôi trơn túi khí này đã bị thay thế bằng vật liệu dạng gel thân thiện với môi trường và không gây kích ứng với người sử dụng.

tui khi khong bung loi cua nha san xuat
Các vị trí thường được trang bị túi khí trên xe ô tô

Khi nào thì túi khí bung ra?

Bộ điều khiển điện tử sẽ nhận tín hiệu từ các cảm biến đặt quanh thân xe để xác định gia tốc giảm dần của xe. Khi bộ điều khiển nhận được tín hiệu gia tốc giảm dần đủ lớn (bị va chạm) sẽ cung cấp dòng điện kích nổ túi khí tương ứng. Tốc độ nổ túi khí là rất nhanh (khoảng từ 10 đến 40 phần nghìn giây) nên sẽ tạo ra một túi đệm khí tránh cho phần đầu và ngực cửa hành khách va đập trực tiếp vào các phần cứng của xe. Sau khi đã đỡ được hành khách khỏi va chạm, túi khí sẽ tự động xả hơi nhanh chóng để không làm kẹt hành khách trong xe.

tui khi khong bung loi cua nha san xuat
Các trường hợp túi khí không bung

Sự kích nổ túi khí phụ thuộc vào 2 yếu tố cơ bản sau:

- Lực va đập của xe (gây nên gia tốc giảm dần của xe) - Vùng và hướng va đập (điểm và hướng va chạm xuất phát đầu tiên). Trên hầu hết các hãng xe, túi khí sẽ được kích nổ khi gia tốc giảm dần tối thiểu là 2G (G: gia tốc trọng trường) hoặc lực va đập tối thiểu tương đương với trường hợp xe đạt tốc độ khoảng 25 Km/h va chạm trực diện vào bức tường bê tông cố định.

Ví dụ: Khi phanh là giảm tốc (gia tốc giảm dần). Giả sử, khi xe chạy ở tốc độ 120 km/giờ đạp phanh gấp cho xe dừng hẳn thì độ giảm tốc tối đa là 1,5 G như vậy độ giảm tốc 2G để bung túi khí phải lớn hơn gia tốc giảm dần khi phanh gấp rất nhiều.

Việc túi khí bung hay không bung phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: lực va chạm, hướng va chạm, độ chính xác của các cảm biến… nên việc túi khí bung hay không bung cũng có thể do các yếu tố va chạm chưa đạt ngưỡng để kích nổ túi khí (vì túi khí chỉ dùng 1 lần và giá thành khá cao) nhưng cũng không loại trừ khả năng do lỗi kỹ thuật của hệ thống túi khí.

Cuối cùng, bạn nên biết rằng túi khí là một thiết bị an toàn thụ động. Túi khí không phải sẽ bung trong mọi trường hợp nguy hiểm và cứ bung túi khí là bạn sẽ được an toàn. Cách an toàn nhất là bạn nên chú trọng là nâng cao kỹ năng lái xe và xử lý tình huống, không lái xe trong tình trạng say xỉn, chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ khi tham gia giao thông./.