Từ vụ bé gái bị sát hại, báo động tệ nạn lạm dụng trẻ em ở Nhật Bản
Khoảng tối đáng buồn
Chỉ trong vòng 2 tháng qua, báo chí Nhật Bản đã liên tiếp phanh phui nhiều vụ lạm dụng trẻ em với mức độ và cách thức thực hiện khác nhau. Điều này làm dấy lên mối lo ngại về việc Nhật Bản không còn là mảnh đất an toàn cho trẻ nhỏ như trước.
Ảnh minh họa: AP |
Mới đây nhất, hồi giữa tháng 3, báo chí Nhật Bản đồng loạt đưa tin một bé gái 9 tháng tuổi ở tỉnh Osaka đã bị thiệt mạng do chấn thương ở đầu. Đáng chú ý, người gây ra vụ việc này lại chính là mẹ của em.
Người mẹ tên là Hiromi Nasu ban đầu kể rằng, con gái bà rơi xuống sàn bất tỉnh và được đưa đi bệnh viện trong tình trạng hôn mê vào khoảng 20h ngày 9/1. Do bị tổn thương quá nặng, em đã qua đời ngày 15/1 ở một bệnh viện địa phương.
Tuy nhiên, sau khi bị cảnh sát điều tra sau khi các bác sĩ kết luận bé bị vỡ sọ và có dấu hiệu bị lạm dụng. Người mẹ này đã buộc phải thú nhận tội ác của mình và khai rằng, chính bà đã cố tình tung con lên cao và để con rơi xuống thật mạnh dẫn đến tử vong. Người mẹ này cũng cho biết thêm, bản thân cảm thấy bị áp lực khi một mình phải trông nom tới 3 đứa trẻ một lúc, trong đó có 1 bé 2 tuổi và 1 bé 3 tuổi.
Trước đó, hồi tháng giữa tháng 2/2016, báo chí Nhật Bản cũng đồng loạt đưa tin một gã đàn ông 35 tuổi sinh sống tại Tokyo đã xâm hại tình dục 2 bé trai sinh đôi 7 tuổi là con của bạn gái cũ.
Theo báo chí Nhật Bản, sau khi thỏa mãn hành vi thú tính của mình, gã đàn ông có tên là Shuji Tomohiro đã vứt 2 bé vào trong bụi rậm ở phía trước ngôi nhà của hắn tại Fuchu khiến các bé bị thương nhiều chỗ trên cơ thể.
Đáng chú ý, tên Shuji Tomohiro là một vận động viên thể hình. Sau khi quen biết và hẹn hò mẹ của hai cậu bé, hắn còn đóng vai huấn luyện viên cho hai em và lợi dụng vai trò này, hắn đã thực hiện những hành vi bỉ ổi đối với hai cậu bé. Vụ việc xảy ra vào hồi tháng 11/2015.
Cũng trong tháng 2, cảnh sát Nhật Bản đã bắt giữ 6 người bị tình nghi lạm dụng trẻ em rồi chụp ảnh và đăng tải hình ảnh của các em- chủ yếu là các bé trai- lên các trang khiêu dâm.
Theo cảnh sát Nhật Bản, số nạn nhân của chúng có thể lên đến 160 và họ đã thu giữ tới hơn 100.000 bức ảnh của các em do chúng phát tán trên mạng. 4 trong số 6 tên này từng có thời gian làm tình nguyện viên chuyên chăm sóc và chụp ảnh trẻ em trong các chuyến đi dã ngoại của các trường học tại Nhật Bản.
Những con số biết nói
Trước đó, cảnh sát Nhật Bản công bố thông tin số vụ lạm dụng trẻ em và đăng tải ảnh khiêu dâm trẻ em mà người dân trình báo lên cảnh sát nước này đã tăng lên mức kỷ lục trong năm 2016.
Theo số liệu của cảnh sát Nhật Bản, có tới 54.227 vụ nghi ngờ lạm dụng trẻ vị thành niên, tăng 46,5% so với năm 2015 và lần đầu tiên vượt mốc 50.000 vụ kể từ khi cảnh sát Nhật Bản công bố số liệu này vào năm 2004.
Cũng theo cảnh sát Nhật Bản, có tới 1.313 trẻ em là nạn nhân của nạn khiêu dâm, tăng 45,1% so với năm 2015. Cảnh sát Nhật Bản cũng đã điều tra tổng cộng 2.097 vụ cùng 1.531 đối tượng bị tình nghi.
Cảnh sát Nhật Bản cũng đã đề nghị xét xử 1.081 vụ lạm dụng trẻ em liên quan đến 1.113 bị can và 1.108 nạn nhân, trong số này, có 67 em đã thiệt mạng. Đây cũng là một con số cao kỷ lục từ trước đến nay.
Chính phủ quyết không nương tay
Chính phủ Nhật Bản trong năm 2017 cũng đã đệ trình một vài sắc lệnh nhằm tăng cường vai trò của Tòa án trong các vụ lạm dụng trẻ em. Theo đó, trong trường hợp các vụ việc lạm dụng trẻ em nghiêm trọng, các Trung tâm bảo trợ trẻ em có quyền yêu cầu bố mẹ của trẻ phải đưa các em đến các cơ sở nuôi dưỡng và chăm sóc cụ thể được cho là tốt hơn đối với bé.
Trước đây, các Trung tâm bảo trợ trẻ em cũng có quyền yêu cầu bố mẹ của trẻ làm việc này. Tuy nhiên, việc làm này thường bị bố mẹ của trẻ phản ứng dữ dội. Để tăng hiệu quả hoạt động của các Trung tâm bảo trợ trẻ em, Tòa án sẽ xem xét báo cáo của các Trung tâm và kiểm tra điều kiện sinh sống của trẻ ở gia đình để đưa ra điều kiện bắt buộc gia đình trẻ phải đưa trẻ đến các cơ sở nuôi dưỡng và chăm sóc. Điều này nhằm bảo vệ cho trẻ khỏi nguy cơ tiếp tục bị lạm dụng.
Theo quy định mới của Nhật Bản, những trẻ bị lạm dụng nghiêm trọng có thể được Chính phủ bảo hộ và chăm sóc trong vòng 2 tháng bất chấp việc bố mẹ của trẻ có chấp thuận hay không. Nếu thời gian chăm sóc kéo dài hơn, Tòa án sẽ cân nhắc xem việc Chính phủ tiếp tục bảo hộ và chăm sóc có còn phù hợp hay không.
Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản cũng cân nhắc việc nới rộng thời gian bố mẹ bị cấm tiếp xúc với con cái, đặc biệt là trong trường hợp trẻ được nuôi dưỡng tại các Trung tâm chăm sóc tạm thời dù có được bố mẹ trẻ chấp thuận hay không./.