Tư vấn và hướng nghiệp cho học sinh - định hướng đúng cho tương lai
Hơn 300 em học sinh THPT đã được tư vấn kỹ năng làm việc, xu hướng và nhu cầu tuyển dụng nhân sự.

Mới đây, Trung tâm đã tham gia tổ chức Tuần cao điểm kết nối cung cầu tỉnh Thái Nguyên năm 2023; trong chuỗi các hoạt động có Hội thảo “Tư duy và nhận thức mới cho thanh thiếu niên dân tộc thiểu số trong việc chọn ngành, chọn nghề”. Đây là hoạt động hết sức ý nghĩa giúp cho các em học sinh nắm bắt được các xu hướng nghề nghiệp phù hợp với bản thân; đồng thời, cũng là cơ hội để các cơ sở giáo dục giới thiệu những ngành nghề đào tạo của đơn vị.

Tại chương trình, hơn 300 em học sinh THPT đã được tư vấn kỹ năng làm việc, xu hướng và nhu cầu tuyển dụng nhân sự; tìm hiểu về Mô hình lý thuyết nghề nghiệp với xu hướng lựa chọn ngành nghề; giải pháp chọn ngành, nghề phù hợp với thanh, thiếu niên dân tộc thiểu số… Với những học sinh đang học lớp 12, chuẩn bị phải lựa chọn định hướng nghề nghiệp trong tương lai gần thì đây là những hoạt động vô cùng có ý nghĩa, giúp các em có thêm kiến thức để có thể lựa chọn ngành nghề phù hợp nhất với bản thân mình.

Em Trần Quang Hiệp, lớp 12A2, Trường Phổ thông dân tộc Nội trú Thái Nguyên chia sẻ: "Sau khi tham gia chương trình em cảm thấy rất hữu ích, có thêm những kiến thức cho bản thân để giúp mình có thể lựa chọn ngành nghề phù hợp với bản thân".

Em Ma Thảo Lý, lớp 12A2, Trường Phổ thông dân tộc Nội trú Thái Nguyên cho hay: "Qua ngày hội, em tiếp thu được thêm rất nhiều kiến thức về những ngành nghề trong tương lai cũng như dự định trong tương lai, từ đó, em có thể định hướng tốt hơn và có những suy nghĩ trưởng thành hơn".

Tư vấn và hướng nghiệp cho học sinh - định hướng đúng cho tương lai
Thông qua những hoạt động tư vấn, hướng nghiệp sẽ giúp các em học sinh có thêm kiến thức để lựa chọn ngành nghề cho bản thân.

Thông qua những hoạt động tư vấn, hướng nghiệp sẽ giúp các em học sinh có thêm kiến thức để lựa chọn ngành nghề cho bản thân, bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội để các nhà trường quảng bá những thế mạnh của đơn vị trong việc đào tạo nghề của đơn vị.

Ông Phạm Đức Hiếu, Trưởng Ban tuyển sinh, Trường Trung cấp nghề Thái Nguyên cho biết: "Trường Trung cấp nghề Thái Nguyên thường xuyên tham gia các chương trình ngày hội giới thiệu việc làm, đây là cơ hội để nhà trường giới thiệu về các ngành nghề đào tạo của nhà trường đến với học sinh, đặc biệt là cơ hội việc làm sớm để sau khi tốt nghiệp THPT các em đã có điều kiện để đi làm".

Đại tá Phạm Quang Hòa, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề số 1 - Bộ Quốc phòng cho hay: "Chúng tôi mong muốn được truyền tải thông tin của nhà trường đến người lao động để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; từ đó, thu hút nguồn học sinh, sinh viên đáp ứng nhu cầu tuyển sinh và đào tạo của nhà trường".

Ông Lê Việt Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Hợp tác đào tạo, Trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên cho biết: "Thông qua hoạt động đã truyền tải được thông tin tuyển sinh, những ngành nghề đào tạo ngắn hạn và dài hạn của nhà trường đến đối tượng tuyển sinh, hy vọng nhà trường sẽ tuyển sinh có hiệu quả hơn so với những năm trước".

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, Trung tâm Hợp tác và Phát triển nguồn nhân lực Thái Nguyên đã tổ chức đào tạo cho 175 người có trình độ sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng cho lao động nông thôn; triển khai tuyển sinh, đào tạo nghề trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng và thực hiện các hoạt động truyền thông về giáo dục nghề nghiệp theo Chương trình mục tiêu Quốc gia. Bên cạnh đó, Trung tâm còn phối hợp với các đơn vị đào tạo và các doanh nghiệp để liên kết, phối hợp tuyển sinh các lớp bồi dưỡng cho người lao động có nhu cầu.

Ông Mông Quốc Dũng, Giám đốc Trung tâm Hợp tác và Phát triển nguồn nhân lực Thái Nguyên nhấn mạnh: "Bên cạnh công tác đào tạo nghề, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến việc tổ chức các chương trình hội nghị, hội thảo, ngày hội tư vấn nghề nghiệp, hướng nghiệp, khởi nghiệp và việc làm. Qua đó, giúp cho học sinh, sinh viên định hướng sớm trong việc chọn ngành, chọn nghề và phát huy ý tưởng khởi nghiệp; cập nhật được thông tin thị trường lao động; tham gia tích cực vào công tác định hướng, phân luồng học sinh sau THCS và THPT vào giáo dục nghề nghiệp theo kế hoạch của tỉnh. Trung tâm cũng đã thành lập CLB Vườn ươm khởi nghiệp học sinh, sinh viên, giáo dục nghề nghiệp dân tộc thiểu số Thái Nguyên với mục đích tạo môi trường tham gia xây dựng mạng lưới khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số của tỉnh, thúc đẩy và phát triển khởi nghiệp, kết nối các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ khởi nghiệp, chia sẻ các giải pháp, ý tưởng khởi nghiệp; hình thành và tham gia hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo trong học sinh, sinh viên, giáo dục nghề nghiệp của tỉnh và quốc gia".

Thực tế cho thấy, hiện nay, nhiều học sinh đang học bậc Trung học phổ thông đã có sự chuyển biến về nhận thức trong việc lựa chọn ngành nghề theo hướng phù hợp với năng lực cá nhân và nhu cầu sử dụng lao động của xã hội. Nhiều học sinh không còn tư tưởng cố vào đại học bằng được mà thay vào đó là đăng ký đi học nghề để ra trường xin được việc làm ngay. Vì thế, để thực hiện hiệu quả chủ trương phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, đòi hỏi phải triển khai từ rất sớm và đồng bộ các giải pháp, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cơ sở giáo dục, đào tạo, gia đình và các doanh nghiệp./.