Tự hào người thầy thuốc của nhân dân
Nhiều người thường hay ví von bác sĩ cũng là một người kỹ sư với trách nhiệm bảo trì, sửa chữa những lỗi hỏng của 1 bộ máy là cơ thể con người. Tuy nhiên so sánh vậy là chưa đủ. Ngoài việc phải có kỹ năng, tay nghề giỏi để sửa những lỗi hỏng đó, những “kỹ sư áo trắng” này còn phải có một tấm lòng yêu thương, bao dung, nhẫn nại với người bệnh, bởi họ đang nắm trong tay cả sức khỏe và tính mạng của một con người. Một sự so sánh khá thú vị nhưng cũng đủ để nói lên trách nhiệm nặng nề mà đội ngũ các thầy thuốc, y bác sĩ, nhân viên y tế đang hàng ngày gánh vác.
Những năm vừa qua, ngành y tế cả nước cũng như y tế Thái Nguyên đã trải qua muôn vàn khó khăn, và có lẽ dấu ấn sâu đậm nhất trong lòng nhân dân chính là hình ảnh những chiến sĩ áo trắng trong cuộc chiến khốc liệt chống đại dịch Covid-19.
Trong cuộc chiến chống dịch, lực lượng y tế đã được ví như những người lính cảm tử nơi tuyến đầu giáp mặt với tử thần |
Trong cuộc chiến chống dịch, lực lượng y tế đã được ví như những người lính cảm tử nơi tuyến đầu giáp mặt với tử thần, không quản ngại vất vả, khó khăn, nguy hiểm, hy sinh để bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân, trực tiếp cứu chữa người bệnh trong cơn thập tử nhất sinh. Hình ảnh những "chiến sĩ áo trắng" với bộ trang phục bảo hộ kín mít, toàn thân ướt sũng mồ hôi, đôi tay bợt bạt, nhăn nheo, ánh mắt bơ phờ mệt mỏi nhưng vẫn hàng phút hàng giờ đồng hành cùng người bệnh chiến đấu giành giật tính mạng, sự sống.
Trong suốt cuộc chiến chống lại đại dịch, đã có hàng nghìn y bác sĩ, nhân viên y tế, sinh viên y khoa của Thái Nguyên lên đường hỗ trợ các địa phương trên cả nước chống dịch. Và khi dịch Covid-19 bùng phát tại Thái Nguyên những tháng đầu năm 2022, các chiến sĩ áo trắng lại tiếp tục căng mình bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân. Đó là những tháng ngày không thể quên.
Bác sĩ Mai Thị Thu Huyền, Phó trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên nhớ lại: "Những ngày tháng đó nhân viên y tế chịu rất nhiều áp lực. Thứ nhất là bệnh nhân đông, chúng tôi lúc nào cũng quá tải cả về chuyên môn và thủ tục hành chính, ăn không đúng bữa, đi làm về muộn đã trở thành thông lệ, và không có ngày nghỉ".
Anh Nguyễn Đức Thắng, cựu sinh viên trường ĐH Y Dược, ĐH Thái Nguyên: "Tôi không bao giờ quên được những ngày tháng đó, thời tiết lên đến 39-40 độ, có hôm bị ngạt trong quần áo bảo hộ. Khi dịch bệnh ập đến có nhiều nơi vẫn khổ hơn mình cho nên bản thân vẫn cố gắng để vượt qua".
Chiến thắng đại dịch Covid-19 là thành quả vô cùng to lớn và đáng tự hào mà người góp công lớn trong chiến thắng ấy là những chiến sĩ áo trắng. Nhìn lại cuộc chiến ấy, có quá nhiều gian nan, vất vả và cả hiểm nguy đe dọa đến tính mạng. Trở về cuộc sống trong trạng thái bình thường mới, tiêp tục sứ mệnh cao cả bảo vệ sức khỏe nhân dân, những chiến sĩ áo trắng ấy vẫn quyết tâm bám trụ với nghề mặc dù còn vô vàn khó khăn, thiếu thốn.
Năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, dư luận đặc biệt quan tâm đến tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc và làn sóng chuyển việc từ khu vực công lập sang khu vực tư nhân, đặc biệt là sau hơn 2 năm phòng, chống dịch Covid-19. Thực trạng này xảy ra tại nhiều tỉnh thành phía Nam và một số tỉnh phía Bắc. Tuy nhiên, tại Thái Nguyên, với lực lượng y bác sĩ, nhân viên y tế hùng hậu tham gia tích cực vào các chiến trường chống dịch trên cả nước, tình trạng bỏ việc vì áp lực công việc sau đại dịch lại không xảy ra. Từ năm 2021 đến 30/6/2022, số bác sĩ nghỉ việc trên địa bàn tỉnh là 53 người, trong đó phần lớn là những trường hợp đến tuổi về hưu hoặc chuyển công tác do điều kiện gia đình. Ngược lại, cũng trong khoảng thời gian trên, Sở Y tế Thái Nguyên đã tuyển dụng được 143 viên chức chuyên môn y tế, trong đó có 25 bác sĩ, 23 điều dưỡng, 4 kỹ thuật y, 5 hộ sinh, 31 dược sĩ và 55 viên chức y tế khác. Con số trên là minh chứng cho những thành quả đáng mừng mà ngành y tế Thái Nguyên đạt được trong thời gian qua. Đó cũng là kết quả của sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh, sự đồng hành, sẻ chia của chính quyền các cấp và ngành chức năng, đặc biệt là sự tận tâm yêu nghề của những người thầy thuốc, các y bác sĩ, nhân viên y tế.
Bác sĩ Nguyễn Văn Hoàn, Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Nguyên chia sẻ: "Chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ từ các cấp lãnh đạo, từ các ban ngành để có thể kịp thời giải quyết những vướng mắc trong công việc, đặc biệt là những lời cảm ơn của người bệnh khi khỏi bệnh là những động lực vô cùng to lớn giúp chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ".
Ông Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế Thái Nguyên cho biết: "Các cấp, ngành tỉnh Thái Nguyên từ
lãnh đạo tỉnh đến lãnh đạo Sở Y tế và trực tiếp lãnh đạo các đơn vị trong ngành y tế đã quan tâm sát sao đến đời sống tinh thần của cán bộ, nhân viên y tế, tạo mọi điều kiện về cơ sở vật chất cũng như những điều kiện để nhân viên y tế được phát huy vai trò, năng lực của mình trong công tác khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh".
Trong công cuộc chăm sóc sức khỏe nhân dân, có thể nói các cán bộ y tế nơi vùng sâu vùng xa là những người gần dân nhất. Điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, thế nhưng các y bác sĩ vẫn hàng ngày tận tâm với nghề, hoàn thành tốt trách nhiệm chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho đồng bào các dân tộc miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Hơn 10 năm gắn bó với ngành Y là từng ấy thời gian Bác sĩ trẻ Lê Thị Thảo gắn bó với bà con nhân dân tại huyện vùng cao Võ Nhai. Để lại sau lưng những cơ hội rộng mở ở thành phố, bác sĩ Thảo đã xung phong về công tác tại Trạm y tế xã Thần Sa để có thể khám, chữa bệnh cho bà con. Thiếu thốn về cơ sở vật chất và điều kiện y tế, nhưng với tài năng, nhiệt huyết của tuổi trẻ, Bác sĩ Thảo cũng như những nhân viên y tế tại Trạm y tế xã Thần Sa đã như trở thành người nhà của bà con nơi đây, được bà con yêu mến, tin tưởng.
Bà Hoàng Thị Sen, người dân xã Thần Sa, huyện Võ Nhai nhận xét: "Bác sỹ Thảo còn trẻ nhưng rất nhiệt tình, tận tụy với nhân dân".
Bác sỹ Lê Thị Thảo, Phó trạm trưởng Trạm Y tế xã Thần Sa, huyện Võ Nhai mong muốn: "Đời sống của nhân dân được cải thiện hơn, kinh tế ổn định, được chăm sóc sức khỏe tốt hơn".
Bác sĩ trẻ Lê Thị Thảo chỉ là một trong số hàng trăm tấm gương các bác sĩ, nhân viên y tế tại Thái Nguyên xung phong tình nguyện lên vùng cao để thực hiện trọng trách chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân. Bên cạnh đó còn biết bao thế hệ các y, bác sĩ, nhân viên y tế đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp bảo vệ sức khoẻ người dân vùng sâu, vùng xa. Với họ, công tác chuyên môn còn gặp nhiều khó khăn do thiếu thốn về cơ sở vật chất, trình độ dân trí của người dân, nhưng với lòng yêu nghề cùng tinh thần trách nhiệm của một người thầy thuốc, họ vẫn hàng ngày miệt mài, thầm lặng với công việc của mình, vì mục tiêu sức khoẻ của bà con là ưu tiên hàng đầu.
Bác sỹ Lê Thị Thảo, Trạm Y tế xã Thần Sa, huyện Võ Nhai khám bệnh cho nhân dân |
Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, y tế tuyến cơ sở đã có nhiều khởi sắc nhờ được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cũng như nguồn nhân lực chất lượng cao. Đời sống của nhân dân tại các địa phương khó khăn cũng đã có nhiều khởi sắc. Người dân ngày càng được tiếp cận nhiều hơn với các dịch vụ y tế, nhận thức về chăm sóc sức khoẻ cũng ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, vẫn còn đó những tâm tư, trăn trở của đội ngũ y bác sĩ tuyến y tế cơ sở.
Bác sĩ Lôi Đình Thiên, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Quy Kỳ, huyện Định Hóa tâm sự: "Anh em cũng muốn được tập huấn nâng cao tay nghề, được bổ sung trang thiết bị y tế, giúp người dân được hưởng lợi".
Bác sỹ Lê Thị Thảo, Phó trạm trưởng Trạm Y tế xã Thần Sa, huyện Võ Nhai: "Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm có những chính sách ưu đãi với cán bộ y tế tuyến cơ sở, giúp chúng tôi yên tâm công tác".
Để làm tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, đội ngũ thầy thuốc, y bác sĩ đã và đang hàng ngày tiếp tục học tập nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề để nhân dân có thể yên tâm gửi gắm sức khỏe của mình. Bằng việc thường xuyên cập nhật và áp dụng các kiến thức, kỹ thuật y học hiện đại vào công tác khám, chữa bệnh, chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ngày càng được nâng cao.
Có thể nói, với công việc bận rộn, áp lực nặng nề nên các thầy thuốc, y bác sĩ phải hi sinh phần lớn thời gian của mình cho công việc là điều hoàn toàn không thể tránh khỏi. Bởi vậy, đằng sau mỗi một người thầy thuốc luôn cần có một hậu phương vững chắc là gia đình. Bên cạnh đó, món quà quý nhất với những người thầy thuốc chính là nụ cười và sức khỏe của người bệnh.
Ông Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế Thái Nguyên: "Đề nghị cán bộ toàn ngành y tế Thái Nguyên phát huy truyền thống của ngành y tế, đoàn kết xây dựng ngành y tế trở thành địa chỉ tin cậy cho người dân khi đến khám, chữa bệnh một cách an toàn, hiệu quả".
Chị Đoàn Thị Phương Liên, tổ 1, phường Tân Lập, TP Thái Nguyên chia sẻ: "Tôi là người nhà bác sỹ, tôi cũng xác định chăm sóc tốt gia đình để chồng tôi dành toàn bộ tâm huyết cho công việc".
Cháu Đặng Minh Khuê, tổ 3, phường Quang Trung, TP Thái Nguyên: "Bố con là bác sỹ luôn đi sớm về muộn. Con rất thương các y bác sỹ và bố của con. Nhân ngày 27/2 con chúc các y bác sỹ và bố của con có nhiều sức khỏe, thành công trong sự nghiệp, cứu giúp được nhiều bệnh nhân".
Ông Trần Văn Thế, xã Phấn Mễ, huyện Phú Lương: "Tôi gửi lời chúc tới các y bác sỹ có nhiều sức khỏe để giúp bà con nhân dân".
Bà Hoàng Thị Mởi, tổ 21, phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên: "Tôi chúc các y bác sỹ sức khỏe dồi dào, gia đình hạnh phúc, tâm huyết với nghề như lời dạy của Bác Hồ là "Lương y như từ mẫu".
Những lời chúc mừng, lời động viên mà mọi người đã gửi gắm cũng là những lời chúc mà ekip thực hiện chương trình muốn gửi tới đội ngũ các y bác sĩ, nhân viên y tế Thái Nguyên nói riêng cũng như trên cả nước nói chung. Mong rằng các thầy thuốc, các y bác sĩ sẽ luôn dồi dào sức khoẻ để nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê với nghề, để có thêm thật nhiều bệnh nhân được cứu chữa và sẽ luôn giữ mãi niềm tự hào lớn lao - Những người Thầy thuốc của Nhân dân./.