Tự chủ đại học: Chưa mang lại hiệu quả trong nâng cao chất lượng đào tạo
Tính đến tháng 9/2016, Việt Nam chỉ có 15 trường đại học trên tổng số 436 trường (gồm 219 trường đại học và 217 trường cao đẳng) triển khai thí điểm đổi mới cơ chế tự chủ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện tự chủ, nhiều trường đã gặp phải nhiều thách thức, trở ngại khó vượt qua.
Chất lượng chương trình đào tạo đại học tại các cơ sở giáo dục đại học tự chủ còn mang nặng tính lý thuyết |
Tại hội thảo khoa học quốc gia về "Đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo đại học trong điều kiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm", PGS.TS Nguyễn Hoàng cho biết, thực tế cho thấy, mặc dù tự chủ là con đường tất yếu tạo sự đột phá trong việc nâng chất lượng giáo dục đại học.
Tuy nhiên, với cách giao quyền tự chủ như Việt Nam hiện nay, việc nâng cao hiệu quả giáo dục đại học lại khá xa vời bởi tự chủ Việt Nam được đánh giá là nửa vời, đi ngược với xu thế thế giới và bị ràng buộc bởi các cơ chế, luật định chồng chéo, khiến các trường đại học vẫn mang tính e dè khi triển khai áp dụng.
Trong bối cảnh Việt Nam chính thức trở thành thành viên của tổ chức thương mại thế giới (WTO), tự chủ và chất lượng đào tạo đại học càng được quan tâm hơn nữa, đặc biệt khi Chính phủ Việt Nam cam kết thực hiện GATS trong lĩnh vực giáo dục đã đặt giáo dục đại học trước những thách thức to lớn.
Vậy những thách thức nào đối với chất lượng đào tạo khi các trường đại học tự chủ? PGS.TS Nguyễn Hoàng và Thạc sĩ Ngô Thanh Hà trường ĐH Thương Mại đã thực hiện một nghiên cứu điều tra tập trung vào 2 vấn đề chính là: Thực trạng chất lượng đào tạo đại học trong điều kiện tự chủ hiện nay và những thách thức đối với chất lượng đào tạo đại học khi tự chủ.
Nhóm nghiên cứu đã thực hiện khảo sát khoảng 150 giảng viên của 9 trường đại học khu vực phía Bắc thực hiện tự chủ là trường: ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Hà Nội, ĐH Ngoại thương, ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, ĐH Điện lực, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, ĐH Bách khoa và ĐH Thương Mại.
Theo kết quả nghiên cứu, đánh giá thực trạng chất lượng trong điều kiện tự chủ tại các trường đại học hiện nay nhìn chung chất lượng giáo dục tại các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam đang triển khai cơ chế tự chủ vẫn còn khá nhiều hạn chế.
Các nội dung cấu thành chất lượng giáo dục đại học bao gồm chất lượng giảng viên, chất lượng chương trình đào tạo, chất lượng sinh viên, chất lượng cơ sở vật chất và chất lượng quản lý trường học, quá trình đánh giá và điều chỉnh vẫn chưa thực hiện tốt và góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.
Đặc biệt, chất lượng chương trình đào tạo đại học tại các cơ sở giáo dục này còn mang nặng tính lý thuyết chưa có nhiều thay đổi phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế. Một số chương trình đào tạo tuy mới mẻ nhưng hiệu quả chưa cao do chưa có sự đầu tư triển khai kỹ lưỡng. Điều này dẫn đến chất lượng sinh viên chưa có nhiều thay đổi.
Chính vì hàm lượng kiến thức lý thuyết quá nhiều, trong khi các kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng nghiệp vụ chưa cao là hạn chế không chỉ riêng các trường tự chủ VN mà là hạn chế của toàn bộ hệ thống giáo dục đại học.
Biên chế dẫn đến tình trạng "thoái hóa" chất lượng đội ngũ giảng viên
Để nhìn nhận một cách toàn diện về những thách thực đối với chất lượng đào tạo tại các trường đại học Việt Nam đang triển khai cơ chế tự chủ, nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Hoàng đã đi sâu tìm hiểu đánh giá của 43 giảng viên tại 9 trường đại học đang thực hiện tự chủ trên địa bàn miền Bắc.
Theo kết quả khảo sát điều tra, chất lượng giảng viên là thách thức nhỏ nhất đối với các trường đại học Việt Nam triển khai cơ chế tự chủ. Trong đó, hầu hết các giảng viên tin tưởng vào năng lực chuyên môn (56,73%) và năng lực nghiên cứu là (41,34%) góp phần vào nâng cao chất lượng đào tạo đại học hiện nay.
Tuy nhiên, về năng lực dạy học, các giảng viên tham gia khảo sát điều tra đánh giá chất lượng năng lực dạy học vẫn còn nhiều hạn chế. Đội ngũ cán bộ, giảng viên của các cơ sở giáo dục hiện nay vẫn chưa có khả năng toàn diện để thực hiện hoàn toàn quyền tự chủ.
Bên cạnh đó, tình trạng "cha truyền con nối" vẫn còn khá phổ biến ở các trường đại học hiện nay.
Hệ thống giáo dục đại học VN hiện nay vẫn chưa khắt khe và mạnh tay trong việc loại bỏ những giảng viên không đáp ứng đủ tiêu chuẩn chất lượng, giảng viên đã vào biên chế Nhà nước sẽ được làm việc cho đến lúc về hưu. Điều này vô tình gây ra tình trạng "thoái hóa" chất lượng đội ngũ giảng viên đại học.
"Trong bối cảnh các trường đại học đang dần triển khai tự chủ, nếu vẫn duy trì tình trạng này chất lượng giáo dục đào tạo chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng đến tiêu cực" - PGS.TS Nguyễn Hoàng nhận định.
Về chất lượng chương trình đào tạo, theo kết quả khảo sát đánh giá cao chất lượng chương trình đào tạo hiện nay tại các trường đại học VN vì họ cho rằng, chất lượng chương trình đào tạo không phải là thách thức quá lớn đối với cơ sở giáo dục đại học.
Đối với chất lượng sinh viên, có đến 34,61% giảng viên cho rằng nguồn sinh viên đầu vào sẽ là thách thức lớn đối với đối với cơ sở đào tạo của họ bởi những sinh viên này không đủ năng lực và nhận thức để tiếp thu kiến thức trong chương trình đào tạo của nhà trường. Bên cạnh đó, có tới 37,5% những người tham gia khảo sát tin rằng chất lượng sinh viên đầu ra sẽ là một thách thức lớn ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo của cơ sở.
Theo kết quả khảo sát điều tra, hạn chế lớn nhất của các trường đang triển khai cơ chế tự chủ là cơ sở vật chất như giảng đường, trang thiết bị, phòng thí nghiệm... đây là thách thức lớn đối với các trường.
Đặc biệt, có tới 55,77% ý kiến khảo sát cho rằng, hoạt động quản lý trường học là thách thức lớn nhất mà các trường phải đối mặt.
Nhiều lực cản khi các trường thực hiện tự chủ
Nhóm nghiên cứu đã đưa ra 5 nguyên nhân của các thách thức đối với chất lượng đào tạo mà các trường đại học thực hiện tự chủ phải đối mặt:
Thứ nhất, các nhà đưa ra chính sách, Ban lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học và cộng đồng dân cư chưa nhìn nhận một cách thấu đáo về tự chủ. Đa phần nhìn nhận tự chủ ở góc độ tài chính nên công tác triển khai và áp dụng tự chủ vẫn còn dè dặt và hạn chết. Các cơ sở đào tạo ngại mạnh tay trong các quyết định dẫn đến tình trạng chất lượng đào tạo không mấy cải thiện hoặc chính sách đưa ra theo hướng tự chủ không mang lại hiệu quả cao.
Thứ hai, tâm thế bị động của các cơ sở giáo dục đại học hiện nay cũng là nguyên nhân chính dẫn đến chất lượng đào tạo còn hạn chế. Các trường từ trước tới nay luôn được bao bọc bởi Nhà nước, các khoản đầu tư được tài trợ bởi cơ chế xin - cho vì vậy nhiều trường không muốn thoát ra khỏi vòng bảo vệ của Nhà nước, e ngại các hoạt động tự thu hút đầu tư, tự tổ chức công tác tuyển sinh hay tự hạch toán thu chi...
Thứ ba, chất lượng nguồn nhân lực Việt nam nhìn chung vẫn còn hạn chế. Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực ngay từ công tác xác lập và triển khai cơ chế tự chủ. Nhiều chuyên gia quốc tế đánh giá cơ chế tự chủ tại Việt Nam chỉ mang tính nửa vời, đi ngược với xu thế thế giới và không mang lại hiệu quả cao trong việc nâng cao chất lượng đào tạo đại học.
Thứ tư, môi trường đào tạo tại VN tồn tại quá nhiều hạn chế ở mọi khía cạnh khiến công tác triển khai cơ chế tự chủ dù có được thực hiện tốt cũng chưa thể mang lại hiệu quả cao. Tình trạng sinh viên còn thụ động trong quá trình học tập và ứng dụng kiến thức vào thực tế còn hạn chế, điều này khiến cho chất lượng đào tạo, đặc biệt là chất lượng sinh viên đi xuống.
Thứ năm, môi trường pháp lý tại VN về tự chủ giáo dục đại học vẫn tồn tại nhiều hạn chế, các quy định chồng chéo ảnh hưởng đến quá trình triển khai cơ chế tự chủ. Trong Luật giáo dục VN 2005 và Luật Giáo dục đại học 2012 đều nhấn mạnh tính tự chủ giáo dục đại học nhưng một số quy định lại vô tình tạo lực cản cho quá trình triển khai trên thực tế.