Trùng tu, tôn tạo Di tích thành Điện Hải cần thận trọng
Giai đoạn 1 của dự án trùng tu, tôn tạo khởi công từ ngày 29/3/2018, dự kiến hoàn thành trước tháng 10 năm nay. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, sau khi di dời các công trình, vật kiến trúc xâm hại di tích, việc khôi phục những hạng mục nguyên gốc trong thành cần hết sức thận trọng, tránh xâm hại tới di tích.
Thành Điện Hải được xem là biểu tượng của cuộc chiến Đà Nẵng kháng Pháp- Mậu Ngọ 1858. Một số nhà nghiên cứu từng gọi sự kiện lịch sử này là “Cuộc chiến đấu dưới chân thành Điện Hải”. Sau 5 tháng triển khai dự án tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích này, nhiều dấu tích rất quan trọng ở phía Tây thành như hào thành, nền móng đã phát lộ.
Theo ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng, Di tích quốc gia đặc biệt đòi hỏi Thành Điện Hải phải được trùng tu theo đúng quy định tại Điều 34, Luật Di sản Văn hóa. Đó là, “việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải giữ gìn tối đa yếu tố gốc cấu thành di tích”. Những hạng mục nguyên gốc trong thành đều đã mất nên khi phục hồi phải nghiên cứu kỹ tư liệu.
Một góc thành Điện Hải. |
“Tất cả những gì chúng ta đang quan tâm là làm thế nào để ứng xử tốt nhất và ứng xử ngày càng tốt hơn với di tích quốc gia đặc biệt thành Điện Hải. Chúng ta đã đối xử quá sai với di sản này, đã để bóng đè trên thành Điện Hải, không phải là một bóng mà là hai, ba bóng. Cho nên, theo tôi quy hoạch gì thì quy hoạch, không nên tiếp tục xâm hại thành Điện Hải” - ông Bùi Văn Tiếng nêu ý kiến.
Thực tế hiện nay, rất nhiều công trình kiến trúc xâm hại đến di tích thành Điện Hải, nghiêm trọng nhất là Bảo tàng Đà Nẵng. Công trình này hoàn thành năm 2011 với tổng mức đầu tư 45 tỷ đồng, nằm ngay trong khu vực bảo vệ I của di tích. Các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử đề xuất nên tính toán đến việc di dời Bảo tàng Đà Nẵng ra khỏi di tích.
PGS.TS Nguyễn Văn Kim, Phó Giám đốc Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đồng tình với việc di chuyển Bảo tàng đi nơi khác, trả lại không gian cho thành Điện Hải. Theo ông Nguyễn Văn Kim, cần trân trọng quá khứ, phục hồi những giá trị và giữ giá trị nguyên gốc của thành Điện Hải để người xem thấy được quá trình phát phát triển, diễn tiến của thành Điện Hải từ thế kỷ 19 đến nay.
“Trước hết là cần phải trả lại giá trị nguyên gốc của nó. Hiện nay, thành Điện Hải đang có một Bảo tàng ở vị trí trung tâm của thành Điện Hải. Tôi nghĩ, chính quyền Đà Nẵng nên càng sớm càng tốt di chuyển Bảo tàng đến một địa điểm phù hợp. Trong quá trình trùng tu và phục hồi, cố gắng phục dựng lại theo những giá trị nguyên gốc của nó. Mặt khác cũng cố gắng để giữ được diễn tiến của thành quan trọng này thời nhà Nguyễn qua thời gian” - PGS.TS Nguyễn Văn Kim nói.
Việc trùng tu, tôn tạo phục hồi di tích thành Điện Hải đang ở giai đoạn 1. |
Ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao thành phố Đà Nẵng cho biết, trùng tu di tích phải hướng đến phục vụ nhân dân, nhà nghiên cứu, đặc biệt là khách du lịch. Rút kinh nghiệm từ những câu chuyện trùng tu di tích ở một số địa phương khác vô tình xâm hại di tích, Đà Nẵng hết sức cẩn trọng trong việc bảo tồn, trùng tu di tích thành Điện Hải.
Hiện nay, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã có chủ trương di dời Bảo tàng bên trong thành Điện Hải đến nơi khác. Địa điểm mới của Bảo tàng Đà Nẵng là Tòa Khâm Sứ Trung Kỳ ở số 42, đường Bạch Đằng. Theo ông Huỳnh Văn Hùng, giai đoạn 2 trùng tu, tôn tạo các công trình bên trong, dự kiến diễn ra trong hai năm 2019-2020. Đây là giai đoạn phức tạp hơn do phải phục dựng những công trình bên trong thành đã bị chiến tranh san phẳng, không còn dấu tích.
“Vừa qua, có một số di tích lịch sử ví dụ như chùa Bổ Đà của Bắc Ninh, hay quần thể di tích Tràng An trùng tu di tích nhưng vô tình lại phá hoại di tích. Thì chúng tôi đi sau, chúng tôi sẽ có những cuộc hội thảo để bàn về làm gì bên trong thành Điện Hải” – ông Hùng nói.
Theo Nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, có thời kỳ thành phố Đà Nẵng khủng hoảng giữa bảo tồn và phát triển di tích. Thành Điện Hải một thời gian dài bị xâm hại nặng nề, xuống cấp nghiêm trọng. Nhưng hiện nay, thành phố Đà Nẵng chủ trương khắc phục sai lầm trước đây, từng bước khôi phục, tôn tạo và phát huy giá trị di tích.
Ông Dương Trung Quốc đánh giá, đây là những biến đổi hết sức tích cực: “Ngày nay, thành Điện Hải đã được công nhận là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Có thể nói Đà Nẵng là một tấm gương, sẵn sàng đầu tư, giải tỏa người dân cũng là khắc phục những sai lầm phần nào của quá khứ để chúng ta có được không gian, để tôn vinh những giá trị ấy. Thực ra cũng hiểu cho đúng, đấy cũng là một phần của sự phát triển. Bảo tồn bản chất cũng là sự phát triển. Phát triển sang một chất lượng mới. Tôi cho rằng đó là những biến đổi hết sức tích cực. Tôi tin rằng, nhiều di tích lịch sử sẽ được quan tâm hơn nữa với tiềm năng du lịch rất lớn của Đà Nẵng.”
Thành Điện Hải là một di tích đặc biệt cấp quốc gia. Vì thế, việc trùng tu tôn tạo phục hồi phải thực hiện theo hướng giữ gìn yếu tố gốc cấu thành di tích càng nhiều càng tốt. Và quan trọng hơn, đây còn là biểu tượng sáng ngời về lòng yêu nước và đức hy sinh trong tim các thế hệ người Đà Nẵng nói riêng, người Việt Nam nói chung./.