Trung Quốc với lập trường cứng rắn hơn về vấn đề Triều Tiên
Quyết định này sẽ tác động như thế nào đến nền kinh tế Triều Tiên cũng như mối quan hệ giữa hai nước?
Tháng trước, Trung Quốc công bố ngừng nhập khẩu than từ Triều Tiên cho đến hết năm nay, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn thu nhập chính của đất nước đang bị cấm vận này. Động thái này cho thấy sự rạn nứt ngày càng tăng trong mối quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Bắc Kinh. Đây cũng là một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc có thể đang áp dụng một lập trường cứng rắn hơn trước những hành động gây hấn của Triều Tiên trên trường quốc tế.
Cho đến nay, Trung Quốc là nước đối tác kinh doanh lớn nhất và đóng góp gần 90% ngoại thương của Triều Tiên. Than là mặt hàng xuất khẩu hàng đầu và là "phao cứu sinh” có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế Triều Tiên. Theo các số liệu của Hải quan Trung Quốc, kim ngạch nhập khẩu than từ Triều Tiên đạt gần 1,2 tỉ USD trong năm 2016.
Lệnh cấm nhập khẩu than này đã có hiệu lực và theo hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc một khối lượng than Triều Tiên trị giá 1 triệu USD đã bị từ chối thông quan tại cảng Ôn Châu (Trung Quốc) vào tuần qua.
Phát biểu tại cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết quyết định này phản ảnh "thái độ trách nhiệm của Trung Quốc đối với vấn đề hạt nhân của Triều Tiên và sự nghiêm túc của Trung Quốc trong việc chấp hành các nghị quyết của Hội đồng Bảo an."
Trung Quốc đã cố gắng giảm bớt tính quan trọng của lệnh cấm vận này ngay sau đó với tuyên bố nước này ngừng nhập than Triều Tiên vì đã mua đủ mức hạn ngạch than được phép là 7,5 triệu tấn căn cứ theo lệnh trừng phạt của Liên Hiệp quốc.
Năm 2016, Trung Quốc nhập trên 22 triệu tấn than từ Triều Tiên, nhiều hơn gần ba lần so với hạn ngạch Liên Hiệp quốc đề ra.
Một hành động chưa từng có tiền lệ
Giáo sư giảng dạy bộ môn Nghiên cứu Đông Á thuộc trường Đại học Viên, Rüdiger Frank, nhận định: "Lệnh cấm vận nhập khẩu than Triều Tiên của Trung Quốc dứt khoát là một hành động chưa từng có tiền lệ. Trước đây, Trung Quốc cũng có những động thái tương tự song với cấp độ ảnh hưởng nhỏ hơn nhiều song luôn tránh đưa ra một biện pháp mạnh tay như vậy. Hiện nay, Trung Quốc thực sự đã thay đổi lập trường đối với Triều Tiên."
Tháng 2 quả là một tháng bận rộn, rối ren với Triều Tiên. Sau khi phóng tên lửa đạn đạo xuống Biển Nhật Bản vào ngày 12/2, một người đàn ông được cho là Kim Jong Nam- anh trai cùng cha khác mẹ của nhà lãnh đạo Kim Jong Un, đã bị đầu độc tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur.
Hiện nay, dường như Trung Quốc đang gây sức ép kinh tế đối với nước láng giềng Triều Tiên và có ít cơ sở để thấy rằng lần này Trung Quốc sẽ lùi bước. Ông Frank cho biết: "Không có sức ép trực tiếp nào buộc Trung Quốc phải đưa ra lệnh trừng phạt như vậy. Họ làm điều đó vì những lý lẽ của chính mình."
Vào ngày 23/2, Triều Tiên đã phản ứng về lệnh trừng phạt nhập khẩu than của Trung Quốc bằng việc lên tiếng chỉ trích Trung Quốc cho dù không nêu đích danh. Trong bài xã luận của Hãng Thông tấn Nhà nước KCNA, Bình Nhưỡng buộc tội "nước láng giềng” không ngần ngại đưa ra những biện pháp vô nhân đạo để phong toả ngoại thương vì các nghị quyết "không có cơ sở pháp lý” của Liên Hiệp quốc. Hãng tin này còn đề cập trực tiếp mậu dịch than giúp đảm bảo mức sống của người dân Triều Tiên.
Liệu sẽ có thêm một giải thưởng hoà bình cho Tổng thống Mỹ Trump?
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho hãng tin Reuters biết Mỹ "cảm kích” quyết định cấm nhập khẩu than Triều Tiên của Trung Quốc và Trung Quốc đã có biện pháp khống chế lớn đối với Triều Tiên. Ông nói: "Tôi nghĩ Trung Quốc có thể giải quyết vấn đề rất dễ dàng nếu họ muốn."
Tuy nhiên, Tân Hoa xã cho biết tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh đang bị "thổi phồng” và "Nhà Trắng cần tiến bước trước và đàm phán với Bình Nhưỡng”.
Theo giáo sư Frank, lệnh cấm nhập khẩu than thực chất là phản ứng đối với vụ phóng tên lửa gần đây của Bình Nhưỡng.
Ông nói: "Vụ phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên có thể là lý do để Mỹ mở rộng hệ thống phòng thủ tên lửa tại Đông Á, điều mà Trung Quốc coi là mối đe doạ lớn đối với an ninh của mình. Bắc Kinh đã đề nghị Triều Tiên kiềm chế song đề nghị đó bị tảng lờ. Vì thế, hiện nay Trung Quốc đang đáp trả."
Chính quyền Bình Nhưỡng đang bị dồn vào thế yếu bởi quyết định của Trung Quốc. Đây là lúc Nhà Trắng cần tận dụng lợi thế này.
Chuyên gia về Triều Tiên Frank cho hay: "Cơ hội đang mở ra cho chính quyền ông Trump tiến hành can thiệp và đưa ra cho Triều Tiên một sự lựa chọn thay thế thị trường Trung Quốc đã mất để đi đến một thoả thuận". "Điều đó sẽ đưa mọi vấn đề trở lại bàn đàm phán, từ việc ngăn cản và cuối cùng giải trừ chương trình hạt nhân cho đến hiệp ước hoà bình chờ đợi bấy lâu và việc bình thường hoá ngoại giao. Điều này, nếu làm được, có thể đem lại giải thưởng Nobel vì hoà bình cho ông Trump."
Liệu Bình Nhưỡng có thay đổi giọng điệu của mình?
Trong bài xã luận bàn về lệnh trừng phạt nhập khẩu than của Trung Quốc, Triều Tiên tuyên bố sẽ "thực sự ngây thơ” khi cho rằng nước này sẽ ngừng chương trình vũ khí hạt nhân của mình chỉ vì "những đồng tiền vặt vãnh”. Triều Tiên còn hoài nghi rằng riêng lệnh cấm nhập khẩu này có đủ để làm lay chuyển những cảm hứng về hạt nhân của chính quyền Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, ảnh hưởng đến kinh tế Triều Tiên sẽ là điều chắc chắn.
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc thuộc trường Đại học Fudan tại Thượng Hải, Cai Jian, cho hay: "Quyết định của Trung Quốc là một đòn giáng mạnh đối với nền kinh tế Triều Tiên. Mục tiêu đằng sau quyết định này là nhằm buộc Triều Tiên thay đổi đường lối chính sách của mình và ngừng theo đuổi các vũ khí hạt nhân một cách hiếu chiến."
Giáo sư Rüdiger Frank nhận định: "Trong quá khứ, Triều Triên có thể vượt qua được bão tố như vậy. Tuy nhiên, tầng lớp trung lưu mới ở nước này có thể làm thay đổi truyền thống đó với nhận thức nơi nào kinh tế thiệt hại thì nơi đó sẽ có rối ren."
Hiện tại thì vẫn chưa thấy hết được ảnh hưởng của lệnh trừng phạt của Trung Quốc đối với chính sách hạt nhân của triều Tiên. Song sự bảo trợ của nước ủng hộ quan trọng nhất đối với Triều Tiên không còn chắc chắn và trên chặng đường phía trước Triều Tiên có thể đơn phương độc mã hơn bao giờ hết./.