Trung Quốc: Không khí Valentine tẻ nhạt khác thường bởi virus Corona
Nhân viên pha chế đeo khẩu trang tại nhà hàng seul&SEUL vắng khách. Ảnh: Reuters |
Khi thành phố lên đèn, seul&SEUL – một nhà hàng Pháp cao cấp tại Trung tâm thương mại Thượng Hải – vẫn vắng khách, nhà bếp im lặng, chỉ còn 2 nhân viên được giao nhiệm vụ khử trùng ly rượu và xếp chồng lên nhau.
“Số lượng khách đặt bàn trong ngày lễ Valentine năm nay gần như không có. Dịch bệnh đã xuất hiện bất ngờ. Nhà hàng của tôi đã nhận được lịch đặt bàn của khoảng 170 khách hàng, nhưng hầu hết mọi người đã gọi điện hủy bỏ”, anh Hu nói và cho biết vào thời điểm này hàng năm, anh rất bận rộn với các kế hoạch sắp xếp thực đơn đặc biệt và đặt bàn trước cho khách.
Theo hãng tin Reuters (Anh), nhà hàng của Hu chỉ là một trong nhiều doanh nghiệp tại Trung Quốc đang quay cuồng với sự ảnh hưởng của dịch COVID-19 do chủng virus Corona mới gây ra, dịch bệnh đã khiến nền kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi chính phủ khuyến cáo người dân nên ở trong nhà, hạn chế ra ngoài để lại những thành phố vắng lặng như “thị trấn ma”.
“Những tuần vừa qua thật khắc nghiệt. Ngày lễ Valentine là một ngày buồn vì chúng tôi chỉ có duy nhất một vị khách đặt bàn. Sẽ phải mất một thời gian nữa thì mọi thứ mới có thể trở lại như cũ. Nhưng không biết liệu nhà hàng của chúng tôi có thể tồn tại được lâu hay không”, anh Austin Hu, đầu bếp tại nhà hàng Heritage by Madison, một nhà hàng cao cấp nằm bên dòng sông Bund nổi tiếng của Thượng Hải, chia sẻ.
Sự bùng phát của dịch bệnh đã khiến lượng khách hàng giảm đáng kể từ trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Thông thường, đây là mùa cao điểm của các nhà hàng – khách sạn, nhưng khi chính quyền thành phố kéo dài kỳ nghỉ để ngăn chặn sự lây lan của virus, một số nhà hàng đang phải gồng mình tồn tại, trong khi đó nhiều nhà hàng khác đang phải vật lộn với tình trạng nhân viên bỏ việc.
Khi bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều cặp đôi yêu nhau lo sợ nhiễm virus đã không dám ra đường, tụ tập trong ngày lễ tình nhân. Thậm chí, nhiều cặp đôi vì hoàn cảnh còn không có cơ hội gặp gỡ nhau.
“Tôi sẽ không mạo hiểm sự sống của mình để ra ngoài ăn uống. Ngay cả khi mua đồ ăn ở ngoài, tôi chỉ đặt hàng KFC và McDonald vì các thương hiệu lớn sẽ đảm bảo an toàn thực phẩm”, Dina Li, người phụ nữ đã hủy bỏ ý tưởng đi ăn tối cùng chồng trong ngày lễ tình nhân năm nay để tránh lây bệnh, cho biết.
Tie Xiao trò chuyện cùng chồng qua điện thoại sau một ngày làm việc bận rộn. Ảnh: China Daily |
Khác với vợ chồng Dina Li, Yan Zhanfei và vợ Tie Xiao còn không có cơ hội gặp gỡ nhau trong ngày lễ tình nhân và nhiều ngày trước đó. Cả 2 vợ chồng anh cùng làm việc trong tuyến đầu của cuộc chiến chống lại virus Corona ở Vũ Hán. Anh Yan là một sĩ quan cảnh sát còn vợ anh – Tie – là một y tá. Họ đã phải gửi con trai 2 tuổi của mình cho ông bà để nhận nhiệm vụ từ khi dịch bệnh bắt đầu vào tháng trước. Cặp đôi phải liên lạc với nhau qua điện thoại trong thời gian ngắn ngủi bởi lịch trình làm việc dày đặc.
“Valentine đầu tiên của thập kỷ thật khác thường, không lãng mạn nhưng nó mãnh liệt, chân thực và ấn tượng hơn bao giờ hết”, cô Zhanfei chia sẻ.
Còn tại trung tâm thương mại Thượng Hải, anh Hu - chủ nhà hàng seul&SEUL - cho biết anh rất lo lắng về việc chấm dứt khủng hoảng, ước tính khoản lỗ của nhà hàng đã lên tới 700.000 nhân dân tệ (hơn 100.000 USD), chủ yếu là từ các khoản thanh toán tiền thuê địa điểm, tiền lương cho nhân viên và chi phí mua nguyên liệu.
“Những cửa hàng như chúng tôi hiện giờ đều không có thu nhập, nguồn vốn của chúng tôi chỉ có thể duy trì được từ 1 đến 2 tháng nữa. Và đó là giới hạn”, anh Hu chia sẻ.
Dịch bệnh bùng phát đã gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của nhiều người dân ở Trung Quốc. Tuy nhiên, đây cũng là dịp thích hợp để mọi người có thể chia sẻ sự yêu thương, xua tan nỗi lo về dịch bệnh và thay đổi quan điểm sống tích cực hơn.