Trẻ bị đau khớp, coi chừng hoại tử xương
Ca bệnh trên là trường hợp của bé gái T.T. (8 tuổi, ngụ tại Đắk Lắk) được gia đình đưa đến thăm khám, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á. Thời điểm nhập viện, bệnh nhi thường xuyên phải chống chọi với những cơn đau khớp háng, vận động khó khăn với những bước đi khập khiễng.
Bệnh nhi được bác sĩ thực hiện cuộc mổ xử lý tình trạng hoại tử chỏm xương, trật khớp háng |
Theo khai thác bệnh sử của bác sĩ từ phía gia đình được biết, tình trạng đau ở bệnh nhi xuất hiện đã lâu. Thời gian đầu, gia đình nghĩ đến tình huống bé hiếu động, chạy nhảy, vận động nhiều nên đau cơ, đau khớp. Tuy nhiên, những cơn đau ngày càng xuất hiện với mật độ nhiều hơn, mức độ đau mỗi ngày một nặng, gia đình đưa bé đến nhiều cơ sở y tế tại địa phương thăm khám nhưng không tìm ra bệnh nên quyết định chuyển bé lên TPHCM.
Các kết quả thăm khám, chẩn đoán hình ảnh ghi nhận, bệnh nhi bị trật khớp háng trái, hoại tử chỏm xương đùi trái vô trùng. Tình trạng trật khớp, hoại tử chỏm xương không chỉ gây đau đớn cho bệnh nhi mà còn đe dọa xảy ra những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến chức năng vận động, sức khỏe của trẻ.
Sau hội chẩn, các bác sĩ quyết định thực hiện cuộc phẫu thuật cho bệnh nhi. BS Phan Văn Tiếp, chuyên khoa Chấn thương Chỉnh hình Nhi cho hay: Ê kíp phẫu thuật đã can thiệp làm rộng độ che phủ chỏm xương đùi, chỉnh hình ổ cối, xử lý triệt để tình trạng trật khớp, hoại tử chỏm cho bệnh nhi. Hơn 1 tuần sau cuộc mổ, sức khỏe của trẻ đang bình phục tốt, dự kiến sau khi tháo bột, cháu sẽ được tập vật lý trị liệu để tìm lại khả năng vận động bình thường như những trẻ khác.
Sau khi tháo bột, trẻ sẽ được vật lý trị liệu phục hồi vận động |
Phân tích chuyên môn từ BS Tiếp cho hay: Hoại tử chỏm xương đùi ở trẻ em là bệnh lý ít gặp, thường dễ nhầm lẫn với các bệnh viêm khớp, đau sinh trưởng hoặc đau nhức thông thường. Hoại tử chỏm xương đùi có thể do rất nhiều nguyên nhân như viêm khớp háng thoáng qua, chấn thương, bệnh về máu, làm cho chỏm xương đùi bị thiếu máu nuôi, trong đó nguyên nhân nhiều nhất là viêm khớp háng.
Để tránh nguy cơ bị bỏ sót bệnh gây ra những biến chứng hoặc di chứng nặng nề cho những trẻ bị hoại tử xương đùi, bác sĩ khuyến cáo: Nếu thấy trẻ nhỏ từ lúc biết đi có dáng đi khập khiễng, chân ngắn, teo cơ đùi, đau gối, đau khớp háng, giới hạn cử động khi gập chân, chạy nhảy, đi không được… phụ huynh cần đưa trẻ đến khám tại các bệnh viện lớn có đầy đủ chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị sớm.