Trạm y tế phải là nơi người dân tìm đến đầu tiên khi có bệnh
Việt Nam là một trong những điểm sáng về y tế cơ sở
Theo Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cả nước hiện có 1.451 bệnh viện công lập, trong đó có 39 bệnh viện tuyến trung ương, 492 bệnh viện tuyến tỉnh, 645 bệnh viện huyện và 72 bệnh viện ngành cùng khoảng hơn 11.000 trạm y tế.
Thời gian qua, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến y tế cơ sở bước đầu có kết quả tích cực, đã quản lý được 13,6% người bệnh tăng huyết áp, 28,9% người bệnh đái tháo đường. Một số địa phương đã thí điểm và đạt khoảng 80% dân số được lập hồ sơ quản lý sức khỏe. Gần 80% người có thẻ bảo hiểm y tế đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại y tế cơ sở.
Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ đưa các bác sĩ từ các tuyến trên xuống tham gia điều trị tại y tế cơ sở, trạm y tế. |
Tuy nhiên, người dân vẫn còn thiếu tin tưởng vào chất lượng dịch vụ tại y tế cơ sở, thiếu hiểu biết về công tác phòng bệnh, tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế hợp lý. Bên cạnh đó, cơ chế thông tuyến đã làm cho số lượng khám chữa bệnh tại trạm y tế xã giảm rõ rệt. Hiện, trạm y tế chỉ thực hiện được khoảng 60% các dịch vụ theo phân tuyến kỹ thuật, chủ yếu là do thiếu cán bộ hoặc cán bộ y tế chưa được đào tạo, thiếu trang thiết bị. Đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu. Trong tổng số khoảng 11.000 trạm y tế xã, có gần 3.200 trạm y tế cần được xây mới và 3.597 trạm y tế cần được nâng cấp, sửa chữa.
Ông Kydong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam đánh giá, Việt Nam là một trong những điểm sáng về y tế cơ sở. Tuy nhiên, với sự phát triển của khoa học kĩ thuật, sự tiến bộ của ngành y tế và nhu cầu ngày càng cao của người dân thì công tác khám chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở chưa đáp ứng được.
“Cần phải đào tạo, cung cấp đầy đủ thông tin, kiến thức cho nhân viên y tế thì mới có thể điều trị được các bệnh không lây nhiễm, các bệnh mới nổi. Một giải pháp dài hạn là Việt Nam phải làm mạnh hơn nữa, vững chắc hơn nữa một hệ thống y tế bền bỉ, đảm bảo cung ứng dịch vụ để khuyến khích bác sĩ trẻ ra trường làm việc tại tuyến y tế cơ sở”- ông Kydong Park cho biết.
Đào tạo nhân lực cho mạng lưới y tế cơ sở
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu lấy con người làm trung tâm và dựa trên nền tảng dân số sẽ hỗ trợ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, thực hiện dự phòng, cung cấp vaccine, ứng phó với tình trạng khẩn cấp và thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân bảo đảm công bằng và hiệu suất.
Nhìn rộng hơn, chăm sóc sức khỏe ban đầu trong hệ thống y tế sẽ góp phần thực hiện 16 Mục tiêu Phát triển bền vững khác như xóa bỏ đói nghèo, cải thiện dinh dưỡng, giáo dục sức khỏe, học tập suốt đời, giảm bất bình đẳng, tiếp cận nước sạch và vệ sinh, xây dựng môi trường sống khỏe mạnh và bền vững.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn. |
Thứ trưởng nêu rõ, tại Việt Nam, vai trò của chăm sóc sức khỏe ban đầu đã và đang được khẳng định và đã nhận được chỉ đạo về chiến lược và cam kết chính trị. Nghị quyết 20-NQ/TW đã đề ra mục tiêu thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế toàn dân; mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe; được bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tham gia bảo hiểm y tế và thụ hưởng các dịch vụ y tế.
“Trong năm vừa qua, chúng ta đã có dự án xây dựng 26 trạm y tế xã để làm thí điểm và trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ có nhiều chủ trương, chính sách để đưa các bác sĩ từ các tuyến trên xuống tham gia điều trị tại tuyến y tế cơ sở, tuyến xã, đặc biệt là có thể có sự tham gia của các hệ thống y tế khác, như y tế dự phòng nhằm mục tiêu kiểm soát các bệnh lý, bệnh tật, đặc biệt là các bệnh lý không lây nhiễm ở tại các tuyến cơ sở”- Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết.
Trong giai đoạn 2014-2010, Liên minh Châu Âu phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Bộ Y tế thực hiện Dự án Giáo dục và đào tạo nhân lực y tế phục vụ cải cách hệ thống y tế (Dự án HPET). Dự án nhằm góp phần tăng cường số lượng, chất lượng nguồn nhân lực cho mạng lưới y tế cơ sở ở các vùng khó khăn, tăng cường chăm sóc sức khỏe một cách liên tục, lồng ghép và toàn diện cho cá nhân gia đình và cộng đồng. Theo đại diện của phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, nhằm cải thiện hệ thống y tế cơ sở, hiện nay EU đang tài trợ cho một số can thiệp cụ thể tại 10 tỉnh nghèo nhất Việt Nam, trong đó bao gồm Lai Châu, Lào Cai, Sơn La và Cao Bằng.
Ông Nguyễn Ngọc Hiển- Trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Sở Y tế Lai Châu cho biết, 5 năm qua, y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh có nhiều sự thay đổi, đặc biệt trong các lĩnh vực: chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống suy dinh dưỡng, phòng chống HIV/AIDS, phòng chống sốt rét, bệnh không lây nhiễm, chăm sóc sức khỏe trẻ em, người cao tuổi...
“Cùng với sự hỗ trợ của Liên minh Châu Âu, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung nâng cao chất lượng y tế cơ sở. Đặc biệt chú trọng đầu tư về đào tạo nguồn nhân lực; cơ sở vật chất hạ tầng; trang thiết bị, trong đó luôn đặt yếu tố con người là quan trọng nhất”- ông Hiển cho biết./.