TP HCM: Đề xuất bỏ phí bảo trì chung cư liệu có khả thi?
Hiện nay, một trong số những nguyên nhân gây ra mâu thuẫn, tranh chấp tại các dự án nhà chung cư là vấn đề quỹ bảo trì. Liệu đây đã phải là phương án tối ưu cho việc quản lý, vận hành hiệu quả nhà chung cư?
Phí bảo trì chung cư là khoản tiền bằng 2% giá trị của căn hộ, được chủ đầu tư thu từ người mua.
Nhiều mâu thuẫn, tranh chấp tại các dự án chung cư hiện nay trên địa bàn TP HCM có nguyên nhân từ quỹ bảo trì. |
Theo quy định, số tiền này phải được gửi vào ngân hàng và bàn giao lại cho cư dân khi Ban quản trị chung cư được thành lập. Quỹ tiền này tại nhiều dự án chung cư có thể lên đến hàng chục tỷ đồng, đây là nguyên nhân dễ nảy sinh tiêu cực, tranh giành nhau giữa cư dân, Ban quản trị và chủ đầu tư.
Câu chuyện tranh chấp quỹ bảo trì tại các chung cư ở TP HCM khá phổ biến và tồn tại nhiều năm nay. Nhiều dự án chung cư chưa thành lập Ban quản trị, do đó chủ đầu tư giữ lại khoản quỹ này. Tuy nhiên, quá trình sử dụng lại thiếu minh bạch, dẫn đến bức xúc cho cư dân. Điều này dẫn tới nhiều cuộc biểu tình, căng băn rôn phản đối đã diễn ra, gây mất an ninh trật tự xã hội và khiến cho mâu thuẫn giữa các bên càng trở nên căng thẳng.
Đứng ở phía góc độ người dân, bà Phan Kiều Nhung, cư dân sinh sống tại chung cư TNR Gold View, Quận 4 cho rằng nếu không công khai quỹ bảo trì thì nguy cơ tiêu cực hoàn toàn có thể xảy ra vì số tiền này nằm trong tài khoản của chủ đầu tư, người dân không thể biết được việc sử dụng khoản tiền này như thế nào.
“Chúng tôi yêu cầu công khai quỹ bảo trì. Nếu công khai mỗi quý nguồn tiền này đang ở tổng mức bao nhiêu, dư lợi nhuận thế nào thì có thể chấp nhận nhưng bây giờ chúng tôi hoàn toàn không biết quỹ bảo trì đang ở đâu”, bà Nhung nói.
Theo Sở Xây dựng TP HCM, trong số 44 chung cư trên địa bàn hiện đang có tranh chấp thì có 34 chung cư liên quan đến vấn đề quỹ bảo trì (chiếm tỷ lệ 77%). Ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng phòng Quản lý nhà và công sở, Sở Xây dựng thành phố đề xuất: Nên bỏ thu khoản phí này khi người dân mua nhà, bởi nếu vẫn quy định thu phí thì sẽ tiếp tục phát sinh tranh chấp. Khi chung cư xảy ra hư hại thì cư dân có trách nhiệm đóng góp kinh phí, hoặc có chế tài để thu.
Đồng quan điểm, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho rằng phương thức thu và quản lý, sử dụng như cách làm hiện nay có nhiều bất cập, làm tăng gánh nặng cho người mua nhà. Hiệp hội cũng kiến nghị khoản phí này sẽ đóng trong vòng 60 tháng sau khi người mua nhận bàn giao căn hộ, mức đóng được chia nhỏ ra sẽ hợp lý hơn. Đây cũng thường là thời điểm kết thúc công tác bảo hành nhà chung cư nên mới cần quỹ để sửa chữa, bảo dưỡng.
Trái ngược với đề xuất trên, nhiều chuyên gia cho rằng việc duy trì quỹ bảo trì là cần thiết, với điều kiện có quy định cụ thể, chi tiết và có cơ chế giám sát minh bạch, chặt chẽ. Nếu thu phí bảo trì sau, việc này sẽ rất khó thực hiện, gây ra sự bị động trong việc bảo trì, bảo dưỡng các tài sản chung của chung cư.
Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu và Phát triển, Công ty DKRA Việt Nam đặt câu hỏi: “Đối với toà nhà, các nhà thầu xây dựng chỉ bảo hành công trình trong thời hạn nhất định, sau thời gian đó có vấn đề thì sẽ thế nào? Cần phải có sự thảo luận sâu hơn, tìm được giải pháp chung. Nếu nói bỏ ngay, đối với những dự án đã thu thì thế nào, những dự án sắp tới sẽ thế nào? ”
Thực tế, nhu cầu sửa chữa, bảo trì trang thiết bị, các công trình hạng mục của toà nhà chung cư sau một thời gian vận hành là có, do vậy cần có một khoản quỹ để xử lý vấn đề này. Các chuyên gia nhận định cần phải có những quy định rõ ràng hơn về việc quản lý, sử dụng quỹ bảo trì nhằm đảm bảo quyền lợi của cư dân khi có sự cố xảy ra.
Tiến sỹ Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho biết: “Quản lý quỹ này hoàn toàn có thể giao cho một đơn vị trung gian. Đơn vị này ở nước ngoài có thể là một quỹ tài chính, bởi quỹ tài chính họ có đội ngũ quản lý nguồn tiền và có sự giám sát chi tiền, họ có uy tín để bảo vệ số tiền đó và đền bù nếu chi sai mục đích”.
Có thể thấy, việc giữ hay bỏ thu phí bảo trì cũng chỉ nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi nhất, đảm bảo chất lượng cuộc sống của người dân. Quyết định cuối cùng thuộc về cơ quan ban hành luật. Phương án nào cũng có mặt hạn chế, do đó để giải quyết bài toán tranh chấp tại các dự án chung cư liên quan đến quỹ bảo trì, trước mắt cần tăng cường công giám sát, kiểm tra, xử lý của cơ quan quản lý nhà nước./.