Tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu
Quyết định của Mỹ được cho là sẽ làm suy yếu các nỗ lực toàn cầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Tại cuộc họp báo tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu, Tổng thống Trump cho rằng mức tăng nhiệt độ của Trái Đất vô cùng khiêm tốn. Ảnh: Reuters. |
Trong tuyên bố sẽ rút khỏi Hiệp định Paris, Tổng thống Donald Trump cho rằng, nước Mỹ cần một thỏa thuận chống biến đổi khí hậu công bằng hơn.
“Để hoàn thành nghĩa vụ của tôi nhằm bảo vệ đất nước và công dân, nước Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đối khí hậu”, ông nói.
“Nhưng Mỹ cũng bắt đầu đàm phán để tái gia nhập hiệp định này với các điều khoản hoàn toàn mới, công bằng với nước Mỹ, với doanh nghiệp, công nhân, người dân và những người đóng thuế của nước Mỹ. Vì vậy, chúng ta sẽ rút khỏi thỏa thuận nhưng chúng ta sẽ bắt đầu đàm phán lại. Chúng ta sẽ thấy liệu chúng ta có thể có một thỏa thuận công bằng và nếu có thể thì điều này thật là tốt. Và nếu chúng ta không thể có một thỏa thuận tốt thì cũng không sao”.
Với quyết định của Tổng thống Trump, nước Mỹ sẽ đi theo con đường riêng, tách khỏi hầu hết các nước trên thế giới trong cuộc chiến đối mặt với một trong những vấn đề cấp bách nhất của nhân loại ở thế kỷ 21. Cho đến nay, chỉ có Syria và Nicaragua là hai nước duy nhất không tham gia Hiệp định Paris về biến đổi ký hậu được ký kết tháng 12 năm 2015.
Việc chính quyền tổng thống Trump rút khỏi Hiệp định Paris đã gây thất vọng cho các tổ chức quốc tế và nhiều quốc gia khác. Người phát ngôn Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Stéphane Dujarric cho biết, quyết định của Mỹ là sự thất vọng lớn đối với các nỗ lực toàn cầu giảm thiểu khí thải nhà kính và thúc đẩy an ninh toàn cầu.
Lãnh đạo Đức, Anh, Italia và một số nước khác cũng khẳng định không thể đàm phán lại hiệp định trên và bày tỏ sự thất vọng đối với quyết định của chính quyền tổng thống Trump. Cựu tổng thống Barack Obama thì cho rằng, ông Trump đã chối bỏ tương lai khi quyết định rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận này.
Theo Hiệp định Paris, các nước tham gia cam kết duy trì nhiệt độ toàn cầu thấp hơn mức thời tiền công nghiệp 2 độ C và nỗ lực giới hạn mức tăng ở 1,5 độ C. Ngoài ra, các nước phát triển cũng cam kết cung cấp mỗi năm 100 tỷ USD đến năm 2020 và trong tương lai để hỗ trợ các nước đang phát triển thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu./.