Biến đổi khí hậu – Nguyên nhân khiến không khí lạnh về muộn hơn mọi năm
Những tác động mà biến đổi khí hậu đem lại là vô cùng tiêu cực, ảnh hưởng đến thời tiết, thiên nhiên hay thậm chí là đời sống, kinh tế và xã hội.
Sau một thời gian chịu sự ảnh hưởng của nắng nóng kéo dài, ngày 24/11 vừa qua, TP Hà Nội đón đợt không khí lạnh kèm theo mưa rào và dông rải rác ở nhiều nơi. Tuy nhiên, đợt không khí lạnh lần này đến muộn hơn khá nhiều so với những năm trước đây, nguyên nhân là do sự biến đổi khí hậu cũng như nóng lên toàn cầu.
Hà Nội đón đợt khí lạnh muộn kèm theo mưa dông rải rác. Ảnh: Tuấn Anh. |
Trong những năm vừa qua, nhiệt độ không khí ở Việt Nam có xu hướng gia tăng đáng kể. Cụ thể, nhiệt độ trung bình năm tăng khoảng 0,5ºC trên phạm vi cả nước và đặc biệt tăng mạnh trong những tháng hè, kéo dài sang đến gần hết mùa Thu tại miền Bắc.
Theo báo cáo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, năm 2020, miền Bắc đón đợt khí lạnh đầu tiên vào nửa cuối tháng 9. Sang đến năm 2021, đến tận gần giữa tháng 10 miền Bắc mới có đợt không khí lạnh. Và cuối cùng, sang đến năm 2022, phải tận đến tháng 11, người dân miền Bắc mới được cảm nhận đôi chút không khí của mùa Đông. Đây là minh chứng rõ ràng cho việc khí hậu tại Việt Nam cũng như toàn thế giới đang biến đổi nặng nề, nắng nóng kéo dài qua hết nửa mùa Thu, còn không khí lạnh thì trở nên "khan hiếm" và đến muộn hơn rất nhiều qua từng năm.
Đường phố Hà Nội vẫn nắng oi ả trong những tháng cuối năm. Ảnh: Tuấn Anh. |
Nguyên nhân biến đổi khí hậu tại Việt Nam
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy, Chuyên gia về Biến đổi khí hậu và Quản lý rủi ro thiên tai nhận định rằng biến đổi khí hậu tại Việt Nam có 2 nguyên nhân.
Về nguyên nhân chủ quan, khí hậu bị ảnh hưởng một phần lớn nguyên nhân do con người. Do nhu cầu sinh hoạt và lao động, con người đã không ngừng sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Cùng với đó, lượng khí thải lớn trong quá trình sinh hoạt, như khói xe máy, ô tô hay khí thải nhà máy ngày càng khiến nồng độ CO2 trong không khí tăng vọt.
Về nguyên nhân khách quan, ngoài từ con người gây ra thì thiên nhiên cũng là một phần nguyên do. Những thay đổi về nguyên lý hoạt động tự nhiên, đổi quỹ đạo trái đất… cũng gây nên biến đổi khí hậu. Cùng với đó, quá trình kiến tạo, thay đổi phương hướng của tự nhiên cũng là một nguyên nhân biến đổi khí hậu ở Việt Nam không thể không nhắc tới.
Một buổi chiều tháng 11 nắng nóng tại Hà Nội. Ảnh: Tuấn Anh. |
Thực trạng biến đổi khí hậu tại Việt Nam
Ngoài việc gây nắng nóng kéo dài, biến đổi khí hậu còn gây nhiều ảnh hưởng nặng nề tới thiên nhiên và con người Việt Nam.
Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về Biến đổi khí hậu và Quản lý rủi ro thiên tai, hạn hán, nắng nóng ngày càng có xu thế tăng lên và không đồng đều giữa các khu vực, nhất là ở Trung Bộ và Nam Bộ… tác động của biến đổi khí hậu gây ra nhiều tổn thất to lớn về người, tài sản, các cơ sở hạ tầng về kinh tế, văn hóa, xã hội và tác động xấu đến môi trường.
Hạn hán xảy ra tại Kiên Giang do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Nguồn ảnh: sưu tầm. |
Ngoài ra, không chỉ hạn hán, sự xuất hiện của những cơn mưa lớn, lũ quét, ngập lụt, triều cường ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống, sinh hoạt của người dân, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội quốc gia, thiệt hại nặng nề về tài sản và con người. Cụ thể, mực nước biển trung bình đã tăng 25 – 30 cm trong khoảng 50 năm qua. Nếu mực nước biển dâng cao 1m, sẽ có khoảng 10-12% dân số nước ta bị ảnh hưởng và GDP có thể tổn thất khoảng 10%.
"Những năm gần đây mình cảm thấy thời tiết ngày càng trở nên xấu và tệ hơn. Đã vào tháng 11 mùa Đông nhưng thời tiết Hà Nội vẫn nóng như mùa hè, nhưng bất chợt có thể mưa kéo theo khí lạnh về kèm theo độ ẩm cao. Thay đổi thời tiết thường xuyên và thất thường khiến không chỉ mình mà rất nhiều người xung quanh mình bị ảnh hưởng về sức khỏe và tinh thần", bạn Trần Đức Anh, hiện đang sinh sống và làm việc Hà Nội chia sẻ.
Lũ lụt tàn phá nhà cửa người dân tại miền Trung. Nguồn ảnh: sưu tầm. |
Giải pháp ứng phó đối với biến đổi khí hậu tại Việt Nam
Song song với việc nghiên cứu và tìm ra giải pháp, cần khẩn trương hành động để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu như: trồng rừng, sử dụng công nghệ sạch, giảm khí CO2 thải ra không khí...
Trước mắt, phải trồng và bảo vệ rừng, làm tốt việc bảo vệ môi trường, góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Tiếp theo đó, cần phải nâng cao nhận thức của cộng đồng về khí hậu và biến đổi khí hậu ở Việt Nam để có cách thích ứng với biến đổi khí hậu (sống chung với bão, lũ...).
Cuối cùng, cần luôn luôn tập trung phát triển kinh tế, nhưng phải đảm bảo phát triển bền vững trên nguyên tắc tôn trọng quy luật tự nhiên và tìm cách thích ứng với biến đổi khí hậu và thiên tai./.