Tín dụng phát triển nông nghiệp: Cho vay nửa vời dự án chết yểu
Tín dụng ngân hàng là một trong những yếu tố quan trọng để thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, trong thời gian qua nhiều nông dân vẫn khó tiếp cận nguồn vốn này khiến việc đầu tư cho nông nghiệp bị đình trệ.
Gia đình ông Phạm Đình Chiểu, ở huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình được UBND tỉnh lựa chọn là mô hình điểm để phát triển nông nghiệp. Trong suốt 6 năm qua, gia đình ông đã đầu tư theo hướng chăn nuôi trang trại tổng hợp để phát triển kinh tế.
Tín dụng ngân hàng đang là một trong những yếu tố quan trọng để thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp. |
Hằng năm, trang trại của gia đình cung cấp riêng cho thị trường Hà Nội khoảng 500 tấn cá với nhiều chủng loại đặc sản như cá lăng, cá điêu hồng, cá chép dòn… Tuy nhiên, làm ăn hiệu quả là vậy nhưng gia đình ông Chiểu cũng gặp không ít khó khăn trong tiếp cận vốn vay ngân hàng để mở rộng đầu tư.
“Gia đình có mô hình nuôi cá lớn nhất ở Thái Bình và cần nguồn vốn rất lớn, mỗi năm khoảng 20 tỷ đồng, nhưng chỉ vay thế chấp được ngân hàng 1 tỷ. Đây là khó khăn lớn nhất của gia đình khi muốn mở rộng sản xuất, chăn nuôi”, ông Chiểu cho biết.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn toàn quốc (chưa bao gồm dư nợ cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam), tính đến hết tháng 9/2016 vừa qua đạt trên 925.000 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cuối năm 2015 và tăng 13,43% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm tỷ trọng 18% dư nợ cho vay nền kinh tế.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai xuất hiện nhiều vướng mắc trong tiếp cận vốn vay cho nông nghiệp, như thủ tục cho vay còn rườm rà; chứng minh tài sản đảm bảo lớn, vay được 100 đồng vốn lưu động thì cần chứng minh tới 500 đồng vốn tài sản khác để thế chấp; thời gian cho vay ngắn khiến việc trả nợ gấp rút, chưa kịp thu lãi đã phải tính tới phương án trả nợ.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, trong 5 năm vừa qua vốn tín dụng ngân hàng cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tăng bình quân là 17,4%, cao hơn so với mức bình quân tăng trưởng tín dụng toàn bộ hệ thống là 13,4%. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều điểm vướng mắc, đó là chính sách quy hoạch nông nghiệp còn bất cập chưa theo kịp nhu cầu phát triển hiện nay, nên nhiều người nông dân lúng túng không biết trồng cây gì, nuôi con gì? Thủ tục hành chính vẫn còn phức tạp.
“Câu chuyện tài sản tín chấp cần phải tính toán từ nhiều phía, nếu thông tin minh bạch, chính xác đáng tin cậy thì các ngân hàng cho vay tín chấp. Nhưng thông tin thiếu tin cậy không chính xác thì cho vay tín chấp cực kỳ rủi ro. Do vậy, cần hỗ trợ cho người dân hiểu biết hơn về kỹ năng tay nghề, kiến thức liên quan tài chính ngân hàng để sử dụng đồng vốn hiệu quả hơn”, ông Lực đề xuất.
Nhằm tháo nút thắt về ngồn vốn tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, cũng như tạo điều kiện cho người nông dân phát triển sản xuất tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tới đây, Ngân hàng Nhà nước định hướng sẽ tập trung vốn tín dụng với cơ chế chính sách có ưu đãi một cách phù hợp.
Theo đó, xác định trọng tâm, ưu tiên nguồn vốn tín dụng cho các lĩnh vực xuất khẩu, ứng dụng công nghệ cao, khoa học kỹ thuật để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm; các dự án, doanh nghiệp, hộ gia đình tham gia vào chuỗi liên kết giá trị sản phẩm từ khâu sản xuất, chế biến đến xuất khẩu. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai chính sách tín dụng, phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 55 của Chính phủ về tăng cường nguồn vốn tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất trong thời gian tới.
Ông Trần Văn Tần, Trưởng phòng tín dụng Nông nghiệp, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đầu tư cho vay hướng tới sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn giúp tăng khả năng liên kết trong chuỗi giá trị toàn cầu của sản phẩm.
Do đó, Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh triển khai chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 55, xác định doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn hiện nay là đối tượng khách hàng quan trọng trong chính sách đối tượng của ngân hàng. Ngân hành Nhà nước sẽ tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục vay vốn của khách hàng phù hợp với từng đối tượng và sản phẩm nông nghiệp được đầu tư tín dụng, đảm bảo đúng mục đích an toàn và hiệu quả.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, việc tiếp cận tín dụng cho phát triển nông nghiệp trong tình trạng cho vay nửa vời như hiện nay sẽ khiến chiến lược làm giàu từ nông nghiệp, gặp không ít khó khăn, thậm chí là “chết yểu”.
Để tái cơ cấu ngành nông nghiệp mạnh mẽ hơn, cần phải có những giải pháp đột phá, thực hiện đồng bộ để nhanh chóng tháo gỡ khó khăn giúp cho những ý tưởng làm giàu của nông dân phát huy tối đa giá trị vốn có./.