Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét nhiều nội dung quan trọng trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5

Tin 24h ngày 9/5/2023
Quang cảnh phiên khai mạc.

Dự phiên khai mạc có các Phó Chủ tịch Quốc hội, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Về phía khách mời có Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn…

Đây là phiên họp thường kỳ cuối cùng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, dự kiến khai mạc ngày 22/5 tới.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội cho biết đây là phiên họp thường kỳ cuối cùng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, dự kiến khai mạc ngày 22/5 tới. Trong thời gian 4 ngày làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét và cho ý kiến đối với 13 nội dung lớn dự kiến trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành 1/2 ngày làm việc để tiếp tục cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung thảo luận các nội dung lớn như chủ trương thể chế hóa Nghị quyết 18-NQ/TW về các chính sách, pháp luật đất đai hiện nay; chính đất đai và phương pháp định giá đất; bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong việc sửa đổi các luật khác có liên quan, nhất là các dự án luật đang được trình Quốc hội.

Về dự án Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu cho ý kiến về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung các nội dung căn cứ vào thực tiễn hoạt động của các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng hiện nay; việc tái cơ cấu, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, xử lý nợ xấu, xử lý tình trạng sở hữu chéo; quản lý tài sản bảo đảm; vấn đề thanh tra, kiểm tra, giám sát…

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh quá cảnh cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội cho biết đây là dự án luật nhận được sự quan tâm của công dân Việt Nam ở trong nước và đồng bào ta ở nước ngoài, dự kiến trình Quốc hội xem xét thông qua theo thể thức rút gọn nên càng phải được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan đóng góp thêm ý kiến sâu về dự án luật này để hoàn thiện cơ sở pháp lý nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về xuất, nhập cảnh, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam và người nước ngoài xuất, nhập cảnh vào Việt Nam trong quan hệ với nước ngoài, vừa bảo đảm an ninh chủ quyền quốc gia vừa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28/11/2014 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (đồng thời xem xét việc bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023), nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, và Hội đồng nhân dân các cấp tổ chức lấy phiếu tín nhiệm những chức danh do Hội đồng nhân dân bầu phê chuẩn vào các kỳ họp cuối năm.

Liên quan dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tập trung cho ý kiến về các chính sách cụ thể, chính sách mới, các nhóm giải pháp…

Về đề nghị xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính, Chủ tịch Quốc hội cho biết, trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 22, đại biểu Quốc hội đã hoàn thiện hồ sơ và có Tờ trình mới đề nghị xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính (tên đại biểu đề xuất trước đây là Luật Bản dạng giới). Chủ tịch Quốc hội đề nghị xem xét, cho ý kiến về hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật nêu trên, nhất là về sự cần thiết các chính sách lớn và đánh giá tác động của chính sách được đề xuất để có quyết định phù hợp nhất.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022, triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023; Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; Báo cáo tài chính nhà nước năm 2021; Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV; Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri đã gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Trong thời gian diễn ra phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội để xem xét nội dung của chương trình kỳ họp. Nhấn mạnh dự kiến chương trình kỳ họp tới là rất nặng, tính riêng chương trình xây dựng luật và pháp lệnh có đến 20 dự án luật và dự thảo nghị quyết, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cần phải có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng để thuyết phục được Quốc hội, các cơ quan phải tập trung cao độ bảo đảm cho kỳ họp hoàn thành với nội dung tốt nhất.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định đối với 3 nội dung thuộc thẩm quyền bao gồm: dự thảo Nghị quyết về chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2023-2030; việc sử dụng kinh phí để mua bù một số mặt hàng trong dự trữ quốc gia; báo cáo công tác dân nguyện Quốc hội tháng 4.

Với khối lượng công việc lớn của phiên họp, thời gian khẩn trương, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Chính phủ, cơ quan hữu quan phát huy tinh thần trách nhiệm để bảo đảm chất lượng của phiên họp đạt kết quả tốt nhất.

Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung thảo luận đầu tiên của phiên họp: Cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

SEA Games 32: Ngày thi đấu 9/5 - Chờ 'cơn mưa Vàng' từ những bộ môn thế mạnh

Đây là động lực để các VĐV tiếp tục nỗ lực mang về thêm những vinh quang mới cho thể thao nước nhà tại SEA Games 32 ở Campuchia. Trong ngày 9/5, đoàn Việt Nam được kỳ vọng tiếp tục bứt phá khi có nhiều VĐV dự chung kết các nội dung, trong đó điền kinh và bơi vẫn là hai môn chủ lực với nhiều triển vọng giành HCV.

Trên đường chạy điền kinh, VĐV Nguyễn Thị Oanh sẽ thi 2 nội dung 1.500m và 3.000m vượt chướng ngại vật sau khi đã bảo vệ thành công tấm HCV nội dung 5.000m vào chiều 8/5. Ngoài ra, đội tuyển điền kinh Việt Nam cũng kỳ vọng HCV ở các nội dung chạy 400m nam-nữ, 5.000m nam, nhảy xa nam...

Ở môn bơi, "kình ngư" Nguyễn Huy Hoàng sau khi giành 2 HCV (cá nhân và tiếp sức) được dự đoán tiếp tục về nhất ở nội dung 200m tự do nam. Các đồng đội của anh cũng tiếp tục ra quân với các nội dung bơi bướm 100m nữ, bơi bướm 100m nam, bơi ngửa 100m nữ và 200m tự do nam.

Các môn khác có thể đóng góp HCV cho Đoàn Thể thao Việt Nam trong ngày 9/5 còn có bi sắt, tennis, vovinam, pencak silat, cờ ouk chaktrang, thể dục dụng cụ...

Bóng rổ nữ cũng tiếp tục thi đấu nội dung 5x5, trong khi bóng đá nữ có trận đấu quan trọng với Philippines để quyết định tấm vé đi tiếp.

Đội tuyển Bóng chuyền nữ Việt Nam sẽ có trận đầu tiên tại SEA Games 32. Đối thủ của các học trò HLV Nguyễn Tuấn Kiệt là đội tuyển Singapore.

Theo đánh giá của Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 32 - ông Đặng Hà Việt, nếu các VĐV thi đấu đúng sức, đoàn có thể có thêm 12-15 HCV trong ngày thi đấu 9/5.

Quảng Bình: Đã tìm thấy thi thể ngư dân mất tích trên biển

Tin 24h ngày 9/5/2023
Công tác tìm kiếm cứu nạn tại khu vực biển Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.

Sáng 9/5, Đồn Biên phòng Cửa Tùng (Biên phòng tỉnh Quảng Trị) cho biết, người dân trên địa bàn vừa phát hiện thi thể một người đàn ông trôi dạt vào bờ biển. Khoảng 5 giờ 20 phút cùng ngày, người dân thôn Mạch Nước, xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh, đã phát hiện thi thể người đàn ông trôi dạt vào bờ biển nên đã thông báo tới các cơ quan chức năng. Nhận được thông tin, lực lượng Đồn Biên phòng Cửa Tùng đã có mặt tại hiện trường. Nạn nhân mặc áo xám, quần lót, hai tay mang găng tay, ở phần đầu có nhiều vết bầm; được xác định là ông Nguyễn Văn Th. (52 tuổi, trú tại xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) bị mất tích khi đang đi đánh cá trên biển sau cơn dông lốc ngày 8/5. Lực lượng chức năng đã tiến hành các thủ tục bàn giao thi thể cho gia đình nạn nhân về mai táng theo phong tục của địa phương. Trước đó, rạng sáng 8/5, có 9 thuyền nan cùng 9 ngư dân chủ yếu là người dân thuộc địa bàn xã Ngư Thủy Bắc trong lúc khai thác hải sản trên biển bất ngờ gặp nạn và sóng đánh lật gây chìm thuyền. Khu vực các thuyền gặp nạn cách bờ biển địa phương khoảng 3-5 hải lý. Sau khi nắm được thông tin, Đồn Biên phòng Ngư Thủy, chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng cùng người dân địa phương đã triển khai công tác hỗ trợ, ứng cứu và tìm kiếm cứu nạn. Đến sáng 8/5, tám thuyền viên đã vào bờ an toàn; một thuyền viên mất tích là ông Nguyễn Văn Th. Tại Quảng Trị, trận mưa dông kèm theo lốc xoáy và gió giật mạnh xảy ra rạng sáng 8/5, đã khiến 2 vợ chồng ngư dân mất tích trên biển. Vào chiều 8/5, thi thể người vợ là chị Nguyễn Thị T. (sinh năm 1978, trú thôn Xuân Quy, xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong) đã được tìm thấy. Các lực lượng chức năng vẫn đang triển khai tìm kiếm thi thể người chồng là anh Nguyễn Đức T. (sinh năm 1970). Theo Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị, trận dông lốc kèm mưa lớn đã khiến 101 nhà bị tốc mái, hư hỏng; hơn 430 ha lúa bị ngã, đổ; 4 tấn lúa bị ướt; 2 thuyền đánh cá bị chìm.../.

Nhiều nơi trên cả nước mưa to từ 9 đến 11/5, đề phòng lũ quét, sạt lở

Dự báo, từ ngày 9-11/5, ở khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp. Trong mưa dông đề phòng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ ngày 9-11/5, ở khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và rải rác có dông với lượng mưa 30-70mm/24 giờ, có nơi hơn 100mm/24 giờ.

Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Ở khu vực Bắc Bộ hôm nay (9/5), có mưa rào rải rác và có nơi có dông, trời mát. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Dự báo thời tiết ngày và đêm 9/5 tại các khu vực trên cả nước:

Khu vực Hà Nội: Nhiều mây, sáng có mưa rải rác; sau có mưa vài nơi. Gió đông đến đông nam cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất từ: 23-25 độ C. Nhiệt độ cao nhất từ: 26-28 độ C.

Phía Tây Bắc Bộ: Nhiều mây, có mưa rào rải rác và có nơi có dông. Gió nhẹ. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất từ: 22-25 độ C, có nơi dưới 22 độ C. Nhiệt độ cao nhất từ: 26-29 độ C, riêng khu Tây Bắc có nơi hơn 29 độ C.

Phía Đông Bắc Bộ: Nhiều mây, sáng có mưa, mưa rào rải rác; sau có mưa vài nơi. Gió đông đến đông nam cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất từ: 22-25 độ C. Nhiệt độ cao nhất từ: 25-28 độ C.

Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế: Nhiều mây, có mưa rào vài nơi. Gió nhẹ. Nhiệt độ thấp nhất từ: 23-26 độ C. Nhiệt độ cao nhất từ: 28-31 độ C, có nơi hơn 31 độ C.

Đà Nẵng đến Bình Thuận: Nhiều mây, phía bắc có mưa rào vài nơi, riêng chiều tối có mưa rào và dông rải rác; phía nam chiều và đêm có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và rải rác có dông. Gió nhẹ. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất từ: 26-29 độ C. Nhiệt độ cao nhất từ: 28-31 độ C, phía bắc có nơi hơn 31 độ C.

Tây Nguyên: Nhiều mây, chiều và đêm có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và rải rác có dông. Gió nhẹ. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất từ: 21-24 độ C, có nơi dưới 20 độ C. Nhiệt độ cao nhất từ: 25-28 độ C, có nơi hơn 28 độ C.

Nam Bộ: Nhiều mây, chiều và đêm có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 2-3. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất từ: 24-27 độ C. Nhiệt độ cao nhất từ: 28-31 độ C, có nơi hơn 31 độ C.

Truy bắt các đối tượng chém nhân viên trạm dừng chân trên Quốc lộ 51

Ngày 9/5, Công an huyện Long Thành (Đồng Nai) cho biết, đơn vị đã bắt giữ đối tượng cầm đầu và đang khẩn trương điều tra, truy bắt những đối tượng còn lại trong nhóm nghi can dùng dao, mã tấu chém nhân viên trạm dừng chân khiến hai người bị thương.

Hai nạn nhân được xác định là anh Nguyễn Tiến Đạt (28 tuổi, quê Đắk Lắk) và anh Nguyễn Hoàng Linh (26 tuổi, quê Cà Mau) cùng là nhân viên trạm dừng chân Bò Sữa 2 trên Quốc lộ 51 (huyện Long Thành, Đồng Nai).

Trước đó, khoảng 13 giờ 30 phút ngày 7/5, Nguyễn Quốc Trưởng (21 tuổi, ngụ Bà Rịa-Vũng Tàu) rủ ba người khác đi trên hai xe máy mang theo mã tấu đến trạm dừng chân Bò Sữa 2 để giải quyết mâu thuẫn. Khi vừa tới nơi, các nghi can mang theo hung khí, xông vào bên trong trạm dừng chân nơi anh Nguyễn Hoàng Linh đang làm việc đuổi, chém các nhân viên. Hậu quả, anh Nguyễn Tiến Đạt bị chém gần đứt lìa cánh tay trái, anh Nguyễn Hoàng Linh bị chém nhiều nhát vào ngón tay cái. Sau khi gây án, Nguyễn Quốc Trưởng cùng đồng bọn nhanh chóng rời khỏi hiện trường, tẩu thoát.

Nhận được tin báo, Công an huyện Long Thành phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp đến hiện trường điều tra, trích xuất camera an ninh để xác minh, truy bắt các nghi can. Qua truy xét nhanh, lực lượng Công an đã bắt giữ Nguyễn Quốc Trưởng.

Qua đấu tranh, bước đầu Trưởng khai nhận, do có mâu thuẫn với anh Nguyễn Hoàng Linh từ trước đó nên đã rủ bạn đi cùng mang theo mã tấu đến tìm Linh.

Công an huyện Long Thành đang mở rộng điều tra, triển khai lực lượng truy bắt các nghi can còn lại để xử lý theo quy định của pháp luật.

Xác định danh tính thanh niên tử vong trên núi tại đảo Phú Quý

Qua xác minh ban đầu và khám nghiệm sơ bộ tử thi, lực lượng chức năng xác định nạn nhân chết do vết thương trên cổ gây mất nhiều máu dẫn đến tử vong.

Ngày 9/5, Công an tỉnh Bình Thuận cho biết đã xác định được danh tính nam thanh niên tử vong trên núi Cao Cát, thuộc thôn Quý Hải, xã Long Hải, huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận.

Người này được xác định là P.Q.Đ, giới tính nam, sinh năm 2000, trú tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong sáng 9/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Thuận phối hợp với Trung tâm Giám định Pháp y tỉnh cử lực lượng đến huyện đảo Phú Quý để điều tra nguyên nhân tử vong của nam thanh niên này.

Trước đó, khoảng 11 giờ ngày 8/5, một số khách du lịch trong lúc tham quan, ngắm cảnh tại khu vực chùa Linh Sơn (tọa lạc trên đỉnh núi Cao Cát, thuộc thôn Quý Hải, xã Long Hải) đã phát hiện một thanh niên đã tử vong.

Sau khi tiếp nhận thông tin, Công an huyện Phú Quý đã phong tỏa hiện trường và tiến hành thực hiện các biện pháp nghiệp vụ liên quan.

Qua xác minh ban đầu và khám nghiệm sơ bộ tử thi, lực lượng chức năng xác định người tử vong từ địa phương khác đến, giới tính nam, trên người không có giấy tờ tùy thân. Nạn nhân chết do vết thương trên cổ gây mất nhiều máu dẫn đến tử vong.

Vụ việc đang được tiếp tục điều tra làm rõ./.

Tai nạn xe buýt thảm khốc ở miền trung Ấn Độ, gần 50 người thương vong

Tin 24h ngày 9/5/2023
Hiện trường vụ tai nạn.

Nhà chức trách địa phương cho hay, chiếc xe buýt của công ty vận tải tư nhân lao xuống một con sông cạn từ độ cao 15m, khiến 20 người thiệt mạng và hơn 25 người khác bị thương.

Gần 20 người đã thiệt mạng và hơn 25 người khác bị thương trong vụ tai nạn xe buýt nghiêm trọng ngày 9/5 ở bang Madhya Pradesh, miền trung Ấn Độ.

Phát biểu với báo giới, ông Ravi Joshi - một nhà lập pháp địa phương, cho biết vụ tai nạn xảy ra ở huyện Khargone khi một chiếc xe buýt của công ty vận tải tư nhân lao xuống một con sông cạn từ độ cao 15m.

Khi tai nạn xảy ra, xe buýt đang di chuyển trên cầu, hướng đến thành phố Indore của bang Madhya Pradesh.

Những người bị thương đã được đến bệnh viện địa phương để cứu chữa. Ông Joshi cho biết số người thiệt mạng có thể sẽ còn gia tăng, do nhiều người bị thương đang trong tình trạng nguy kịch. Ông cũng cho biết nguyên nhân gây tai nạn có thể do xe chạy quá tốc độ.

Thủ tướng Narendra Modi đã gửi lời chia buồn đến gia đình những nạn nhân trong vụ tai nạn, đồng thời cho biết chính phủ sẽ bồi thường thiệt hại cho gia đình những người thiệt mạng và những người bị thương.

Thủ hiến bang Madhya Pradesh, Shivraj Singh Chouhan, cũng cho biết chính quyền bang sẽ bồi thường cho các nạn nhân.

Án mạng từ việc “boa” cho nữ tiếp viên 100.000 đồng

“Boa” cho nữ tiếp viên 100.000 đồng thì bị một thành viên trong nhóm khác ngồi trong quán nhậu nói khích. Xô xát xảy ra… Ngày 9-5, Công an TP Thủ Đức (TP HCM) phối hợp với các đơn vị liên quan mở rộng điều tra vụ đâm chết người trước quán nhậu trên địa bàn phường Bình Trưng Đông. Nạn nhân là H.Q.S (26 tuổi, quê Vĩnh Long). Theo thông tin ban đầu, rạng sáng 7-5, Phạm Minh Hiền, Nguyễn Minh Phúc (đều SN 1994) và 2 người bạn đến một quán trên đường Võ Chí Công (phường Bình Trưng Đông, TP Thủ Đức) để nhậu và hát karaoke. Họ kêu 1 nữ tiếp viên phục vụ. Thời điểm này, Bùi Minh Khôi (SN 1992) và 5 người bạn khác cũng đến nhậu. Tại đây, nhóm Phúc “boa” cho nữ tiếp viên 100.000 đồng vì cho rằng nữ tiếp viên chỉ phục vụ một lúc rồi ra ngoài. Lúc này, 1 người trong nhóm Khôi chê nhóm Phúc “boa” ít nên giữa hai nhóm xảy ra mâu thuẫn dẫn đến ẩu đả. Trong đó, nhân viên quán cũng tham gia.

Trung Quốc và Canada trục xuất các nhà ngoại giao của nhau

Ngày 9/5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo quyết định trục xuất nhà ngoại giao Jennifer Lynn Lalonde thuộc Lãnh sự quán Canada tại Thượng Hải.

Hãng tin Reuters dẫn thông cáo được đăng tải trên trang web của bộ trên cho biết nhà ngoại giao Canada buộc phải rời khỏi Trung Quốc trước ngày 13/5.

Trước đó, phóng viên TTXVN tại Ottawa cho biết ngày 8/5, Chính phủ Canada đã quyết định trục xuất nhà ngoại giao Trung Quốc Triệu Nguy với lý do can thiệp công việc nội bộ nước này./.