Facebook Zalo youtube Tiktok

Tin 24h ngày 8/10/2024

Việt Nam
* Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam, Pháp Nhân chuyến thăm chính thức tới Cộng hoà Pháp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm từ ngày 6-7/10, hai nước đã ra tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện.
aa
Chú thích ảnh
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron họp báo chung. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Trên cơ sở những thành tựu hợp tác song phương đạt được từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973, trên cơ sở sự tương đồng về mặt lợi ích và chia sẻ tầm nhìn chung thống nhất về việc tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm và Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron, nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược toàn diện, nhân chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm từ ngày 6-7/10/2024.

Làm sâu sắc hơn hợp tác chính trị trước những thách thức quốc tế

Hai nước cam kết thúc đẩy quan hệ song phương trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng bình đẳng, chủ quyền, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của mỗi bên.

Trên bình diện song phương, hai bên cam kết duy trì trao đổi và tiếp xúc cấp cao thông qua tất cả các kênh giữa chính quyền Pháp với Đảng Cộng sản, Chính phủ, Quốc hội và chính quyền địa phương Việt Nam; nâng cấp, nâng cao hiệu quả và mở rộng các cơ chế hợp tác song phương.

Pháp và Việt Nam nhấn mạnh vai trò quan trọng của chủ nghĩa đa phương, trong đó Liên hợp quốc giữ vị trí trung tâm, đông thời tái khẳng định cam kết tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc, đặc biệt là tầm quan trọng của việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người và các quyền tự do cơ bản đối với sự phát triển của mỗi quốc gia. Hai bên cam kết tăng cường tham vấn và phối hợp tại các diễn đàn khu vực, đặc biệt là ASEAN, và quốc tế, trong đó có Tổ chức quốc tế Pháp ngữ.

Pháp và Việt Nam tái khẳng định cam kết duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông cũng như cam kết đối với việc tôn trọng đầy đủ Công ước Liên hợp quốc năm 1982 về luật biển. Hai bên phản đối mạnh mẽ mọi hình thức đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trái với luật pháp quốc tế và tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì an ninh và tự do hàng hải, hàng không không bị cản trở cũng như quyền đi lại không gây hại trên Biển Đông, đồng thời ủng hộ các nỗ lực của khu vực nhằm đạt được Bộ quy tắc ứng xử (COC) hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về luật biển.

Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đạt được một nền hòa bình toàn diện, công bằng và bền vững tại Ucraina, phù hợp với luật pháp quốc tế và trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc.

Hai bên tái khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của việc tôn trọng độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của tất cả các quốc gia.

Hai bên bày tỏ quan ngại sâu sắc trước sự leo thang đáng lo ngại của tình hình Trung Đông, kêu gọi tất cả các bên liên quan giảm leo thang và hết sức kiềm chế; lên án tất cả các cuộc tấn công nhằm vào dân thường và các hạ tầng dân sự; kêu gọi một lệnh ngừng bắn ngay lập tức và bền vững tại Dải Gaza, phóng thích tất cả con tin, cho phép vận chuyển quy mô lớn và không bị cản trở viện trợ nhân đạo. Hai bên nhắc lại cam kết của mình đối với giải pháp hai Nhà nước, như giải pháp duy nhất nhằm bảo đảm một nền hòa bình công bằng và bền vững cho Israel và Palestine cũng như bảo đảm sự ổn định trong khu vực. Đồng thời, hai bên kêu gọi ngừng bắn tại Li-băng nhằm tìm ra giải pháp ngoại giao phù hợp với Nghị quyết 1701 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh

Hai bên cam kết phát triển quan hệ trong lĩnh vực quốc phòng nhằm tăng cường năng lực tự cường, phù hợp với nhu cầu của mỗi bên. Để đạt được mục đích đó, hai bên quyết định tạo động lực mới cho hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng thông qua nghiên cứu, đề xuất và triển khai các dự án mang tính cơ cấu. Hai bên mong muốn tăng cường trao đổi đoàn, hợp tác, tham vấn cũng như các hoạt động đào tạo, theo các thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, đặc biệt là trong các lĩnh vực quân y, hoạt động gìn giữ hòa bình, hỗ trợ nhân đạo và cứu hộ, cứu nạn. Đồng thời, hai bên mong muốn thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực chia sẻ ký ức sau chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quân đội Pháp nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Việt Nam sẽ tạo thuận lợi cho các tàu quân sự của Pháp cập cảng Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam, nhằm phát triển hợp tác và trao đổi chuyên môn giữa hải quân và lực lượng cảnh sát biển hai nước. Hai bên cam kết thúc đầy hợp tác và đào tạo trong lĩnh vực an ninh, chống nhập cư bất hợp pháp và buôn bán người. Hai bên cam kết tăng cường trao đổi thông tin trong hoạt động chống tội phạm. Đồng thời, hai bên tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong bảo vệ người dân và tăng cường năng lực phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn.

Tăng cường quan hệ đối tác kinh tế nhằm phát triển trao đổi thương mại và đổi mới sáng tạo

Hai bên tái khẳng định quyết tâm chung thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư, trụ cột của quan hệ song phương. Hai bên nhắc lại tầm quan trọng của việc tiếp tục thực hiện đầy đủ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, bao gồm tiếp cận thị trường và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Về đầu tư, hai bên tiếp tục thúc đẩy các dự án của hai bên tại mỗi nước nhằm hướng tới một môi trường kinh doanh minh bạch, ổn định và có thể dự đoán được. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA). Việt Nam mong muốn Pháp sớm thông qua EVIPA.

Hai bên mong muốn phát triển và làm sâu sắc hợp tác chiến lược trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và công nghệ mới, đặc biệt thông qua các trao đổi về chính sách công và hoạt động đào tạo.

Việt Nam mong muốn thúc đẩy hợp tác với Pháp và các công ty của Pháp trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, giao thông đô thị và đường sắt, năng lượng tái tạo, chuyển đổi năng lượng, hydrogen phi các-bon, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, logistics và cơ sở hạ tầng cảng biển, hàng không dân dụng và cáp ngầm dưới biển. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu ứng dụng công nghệ hạt nhân dân dụng, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng. Hai bên cam kết tăng cường và mở rộng phạm vi hợp tác trong lĩnh vực vệ tinh. Đồng thời, hai bên mong muốn mở rộng hợp tác sang lĩnh vực khoáng sản thiết yếu.

Tăng cường hợp tác vì phát triển bền vững và tự cường

Trước các thách thức do biến đổi khí hậu, hai bên tái khẳng định quyết tâm đạt được mục tiêu đề ra trong Thỏa thuận Paris 2015. Hai bên tái khẳng định cam kết hướng tới sự cân bằng giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, trong khuôn khổ Đồng thuận Paris vì Con người và Hành tinh (Đồng thuận 4P). Pháp hoan nghênh các cam kết mạnh mẽ của Việt Nam hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và hướng tới việc loại bỏ sử dụng than đá. Pháp sẽ tiếp tục hỗ trợ để Việt Nam đạt được các mục tiêu nói trên đồng thời xây dựng được một mô hình kinh tế phát thải thấp, đặc biệt là thông qua khuôn khổ quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Việt Nam ghi nhận và ủng hộ sáng kiến CTA - Coal Transition Accelerator - nhằm phát triển các giải pháp để thúc đẩy thay thế nguồn năng lượng từ than đá. Pháp sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam nhằm ứng phó với các tác động của biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn lãnh thổ, trong đó có Đồng bằng sông Cửu Long.

Hai bên công nhận vai trò thiết yếu của đại dương đối với hành tinh và khí hậu và cam kết làm sâu sắc hơn các trao đổi về chủ đề này trong khuôn khổ đối thoại hợp tác về biển, đặc biệt để bảo đảm thành công của Hội nghị Đại dương Liên hợp quốc lần thứ 3, sẽ được tổ chức tại thành phố Nice vào tháng 6/2025. Trên tinh thần đó, hai bên duy trì và thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực thủy hải sản bền vững, trên cơ sở các quy định hiện hành của quốc tế và EU.

Tiếp tục thúc đẩy giao lưu nhân dân

Giao lưu nhân dân là nền tảng trong quan hệ song phương. Hai bên cam kết thúc đẩy giao lưu giữa nhân dân hai nước, tạo thuận lợi cho hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, trong đó có di sản, thể thao, trao đổi giáo viên, sinh viên và nhà khoa học, cũng như cho giảng dạy tiếng Việt và tiếng Pháp. Giao lưu nhân dân góp phần tăng cường hiểu biết lẫn nhau và đoàn kết giữa thanh niên và nhân dân hai nước. Đây cũng là động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế và xã hội.

Hai bên cam kết tiếp tục hợp tác trong các lĩnh vực y tế, tư pháp, quản trị và nông nghiệp và vui mừng nhận thấy hợp tác giữa các địa phương không ngừng được củng cố.

Căn cứ các nội dung của Tuyên bố chung, Bộ trưởng Ngoại giao hai nước có trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành hữu quan xây dựng kế hoạch hành động trong thời gian sớm nhất nhằm hiện thực hóa các mục tiêu nêu trên.

* Thủ tướng tặng Bằng khen cho 3 cá nhân xuất sắc trong công tác cứu hộ tại Lào Cai

Tin 24h ngày 8/10/2024
Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1112/QĐ-TTg ngày 7/10/2024 tặng Bằng khen cho 3 cá nhân thuộc tỉnh Lào Cai có thành tích xuất sắc trong phòng, chống, khắc phục hậu quả cơn bão số 3.

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1112/QĐ-TTg ngày 7/10/2024 tặng Bằng khen cho 3 cá nhân thuộc tỉnh Lào Cai có thành tích xuất sắc trong phòng, chống, khắc phục hậu quả cơn bão số 3.

3 cá nhân gồm: Ông Ma Seo Chứ, Trưởng thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu (huyện Bắc Hà); ông Hoàng Văn Diệp, Trưởng thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh (huyện Bảo Yên); ông Châu Văn Chung, Chủ tịch UBND xã Mường Hum (huyện Bát Xát).

Cụ thể, với tinh thần, trách nhiệm của người đứng đầu tại các khu dân cư, 3 cá nhân được khen thưởng dịp này đã chủ động, tích cực trong việc chỉ đạo nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác, kịp thời di dời đến nơi an toàn; tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng trong việc khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tại địa phương.

* Thảm họa lũ quét Làng Nủ: Tìm thấy thêm 2 thi thể nạn nhân sau gần 1 tháng mất tích

Sáng 8/10, UBND huyện Bảo Yên thông tin, các đơn vị tham gia cứu nạn, cứu hộ đã tìm thấy thêm 2 thi thể trong vụ lũ quét, lở núi xảy ra ở thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh gần 1 tháng trước. Qua kết quả xét nghiệm mẫu ADN, nạn nhân được xác định là anh Hoàng Văn G. (SN 1985) và cháu Hoàng Quỳnh L. (SN 2014).

Đến nay, trận lũ quét ở thôn Làng Nủ đã khiến 60 người chết, hiện còn 7 người mất tích. Số người an toàn là 87. Các lực lượng chức năng tỉnh Lào Cai đang huy động người ở địa phương và thiết bị... tập trung tham gia việc tìm kiếm các nạn nhân còn mất tích.

Thôn Làng Nủ nằm gần chân núi Voi, có 167 hộ với 760 đồng bào người Tày sinh sống nhiều đời. Trận lũ quét rạng sáng 10/9 khiến 33 hộ dân bị vùi lấp, 40 gia đình bị ảnh hưởng.

* Hà Nội xóa sổ nhà siêu mỏng, siêu méo

Theo quy định mới nhất của UBND TP. Hà Nội, mảnh đất sau thu hồi có diện tích dưới 15m2, mặt tiền hoặc chiều sâu so với chỉ giới xây dựng là 3m sẽ không được tồn tại. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 7/10/2024.

Thửa đất sau thu hồi không có lối đi và có diện tích đất nhỏ hơn diện tích tối thiểu được phép tách thửa cũng sẽ không được tồn tại. UBND TP cũng quy định rõ điều kiện hợp thửa cho các mảnh đất không đủ điều kiện tồn tại. Thời gian thực hiện thỏa thuận hợp thửa đất quy định nêu trên là 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp và 90 ngày đối với đất nông nghiệp, kể từ ngày UBND cấp huyện ban hành Thông báo thu hồi đất.

* Thi hành kỷ luật ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang

Ngày 7/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định về việc thi hành kỷ luật đối với ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang.

Quyết định nêu rõ, thi hành kỷ luật bằng hình thức Cảnh cáo đối với ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang do đã có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác và đã bị thi hành kỷ luật Đảng, thời gian thi hành kể từ ngày công bố Quyết định số 1711-QĐ/UBKTTW ngày 17/9/2024 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành (7/10/2024).

Trước đó, trong các ngày 28 và 29/8/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ thứ 46. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và kết quả kiểm điểm, đề nghị thi hành kỷ luật đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang.

Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát để Đảng đoàn HĐND tỉnh, Ban cán sự đảng UBND tỉnh và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong một số dự án đầu tư do Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An thực hiện trên địa bàn tỉnh.

Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ chủ chốt của tỉnh Bắc Giang đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm Luật Phòng, chống tham nhũng, vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương.

Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả nghiêm trọng, nguy cơ thiệt hại lớn tiền, tài sản của Nhà nước, gây dư luận xấu, làm giảm uy tín của tổ chức đảng và chính quyền địa phương, đến mức phải thi hành kỷ luật.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định ông Lê Ánh Dương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh cũng chịu trách nhiệm về các vi phạm trên.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo với ông Lê Ánh Dương.

* Smartphone sẽ có thể tự sạc pin bằng năng lượng mặt trời

Smartphone sẽ có thể tự sạc pin bằng năng lượng mặt trời
Smartphone sẽ có thể tự sạc pin bằng năng lượng mặt trời.

Các tế bào pin trong suốt có thể sạc từ năng lượng mặt trời đã được các nhà nghiên cứu tại Viện khoa học và công nghệ Quốc gia Ulsan (UNIST) phát triển thành công.

Được biết, nhóm nghiên cứu dưới dẫn dắt của Giáo sư Kwwanyong Seo đã thiết kế các mô-đun pin mặt trời có hình dáng giống như thủy tinh, hoàn toàn trong suốt và không màu. Nhóm cũng áp dụng công nghệ "all-back-contact" đặt tất cả các thành phần pin mặt trời được giấu ở mặt sau, giúp mặt trước giữ được vẻ đẹp thẩm mỹ.

Đặc biệt, công nghệ Seamless Modularization đã được phát triển để loại bỏ khoảng cách giữa pin mặt trời đồng thời giảm thiểu sự hiện diện của dây kim loại, tạo ra sản phẩm hoàn hảo về mặt thị giác.

Mô- đun pin mặt trời trong suốt mà UNIST phát triển có kích thước 16 cm² đã đạt hiệu suất ấn tượng khi cung cấp độ truyền dẫn ánh sáng từ 14,7% đến 20%. Như vậy, smartphone có thể được sạc một cách hiệu quả chỉ bằng ánh sáng tự nhiên, chứng minh rằng màn hình có thể trở thành nguồn năng lượng tiềm năng cho các thiết bị di động.

Bước tiến đột phá này sẽ mở ra khả năng pin smartphone trong tương lai sẽ được sạc bằng năng lượng mặt trời mà không cần dây cáp hay ổ cắm điện, một bước tiến quan trọng trong việc tích hợp năng lượng tái tạo vào cuộc sống hàng ngày.

* Thời tiết ngày 8/10: Ô nhiễm không khí ở Hà Nội vẫn ở mức có hại cho sức khỏe

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày và đêm 8/10, Bắc Bộ sáng sớm có nơi có sương mù, ngày nắng hanh với nền nhiệt cao nhất phổ biến ở mức 30-33 độ C; đêm không mưa; gió Đông Bắc cấp 2-3; vùng núi đêm và sáng sớm trời lạnh.

Sáng sớm 8/10, theo ứng dụng PAM Air (Mạng lưới quan trắc môi trường không khí độc lập đầu tiên phủ rộng tại 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam, do Công ty Cổ phần Tư vấn và Tích hợp công nghệ D&L quản lý), cùng với gió Đông Bắc, sương mù khiến độ ẩm cao, chất lượng không khí nhiều khu vực của Thủ đô Hà Nội tiếp tục ở mức có hại cho sức khỏe và không tốt cho nhóm nhạy cảm.

Kết quả đo của ứng dụng này cho thấy Hà Nội có 2 điểm màu đỏ (chỉ số ô nhiễm không khí từ 154-158), mức có hại cho sức khỏe.

Cụ thể các điểm đo tại: Cụm chung cư Văn phòng Quốc hội (quận Nam Từ Liêm) chỉ số ô nhiễm không khí ở mức 158; thị trấn Đông Anh (huyện Đông Anh) là 154.

Ngoài ra, Hà Nội còn có 4 điểm màu nâu (chỉ số ô nhiễm không khí từ 105-140), mức không tốt cho nhóm nhạy cảm. Điển hình các điểm đo tại: Chùa Láng (quận Đống Đa) chỉ số ô nhiễm không khí ở mức 129; Đội Cấn (quận Ba Đình) là 140…

Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) khuyến cáo người dân thường xuyên theo dõi chất lượng không khí để chủ động hạn chế tác động do ô nhiễm không khí gây ra.

Trong khi đó, ngày 8/10, khu vực từ Nam Hà Tĩnh đến Bình Định có mưa, mưa vừa và dông, cục bộ có nơi mưa to đến rất to với lượng mưa từ 20-40 mm, cục bộ có nơi trên 80mm.

Khu vực từ Phú Yên đến Bình Thuận, Nam Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa từ 15-30mm, cục bộ có nơi trên 60mm, thời gian mưa dông tập trung vào chiều tối và đêm; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc. Độ rủi ro thiên tai do lốc, sét cấp 1.

Ngoài ra, trong sáng 8/10, khu vực các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị có mưa với lượng phổ biến như: Hà Tĩnh từ 20-40mm, có nơi trên 70mm; các tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị từ 15-30mm, có nơi trên 50mm.

Tại các tỉnh trên có nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc, đặc biệt tại các huyện: Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh, Hương Khê, Thạch Hà (Hà Tĩnh); Bố Trạch, Lệ Thủy, Minh Hóa, Quảng Ninh, Quảng Trạch, Tuyên Hóa (Quảng Bình); Gio Linh, Vĩnh Linh, Hướng Hóa (Quảng Trị).

Độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy cấp 1.

Lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế-xã hội.

Để có biện pháp phòng tránh, ứng phó, các chuyên gia kiến nghị các cơ quan chức năng tại địa phương lưu ý rà soát các điểm nghẽn dòng, các vị trí xung yếu trên địa bàn.

Trên biển, ngày và đêm 8/10, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển Trường Sa), Nam vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau có mưa rào và dông rải rác.

Ngoài ra, từ chiều 8/10, vùng biển phía Đông Bắc của khu vực Bắc Biển Đông có gió Đông Bắc mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 8; biển động; sóng biển cao 2-3m; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7-8. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động ở các khu vực trên đều có nguy cơ chịu tác động của lốc xoáy và gió giật mạnh.

Thời tiết các khu vực ngày 8/10, phía Tây Bắc Bộ sáng sớm có nơi có sương mù, ngày nắng; gió nhẹ. Nhiệt độ cao nhất 30-33 độ C.

Phía Đông Bắc Bộ sáng sớm có nơi có sương mù, ngày nắng. Gió Đông Bắc cấp 2-3; vùng núi đêm và sáng sớm trời lạnh. Nhiệt độ cao nhất 30-33 độ C. Thủ đô Hà Nội sáng sớm có nơi có sương mù, ngày nắng. Gió Đông Bắc cấp 2-3. Nhiệt độ cao nhất 31-33 độ C.

Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế, phía Bắc sáng sớm có nơi có sương mù, ngày nắng. Phía Nam nhiều mây, có mưa, mưa vừa và rải rác có dông, cục bộ có nơi mưa to đến rất to; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ cao nhất phía Bắc 29-32 độ C, phía Nam 26-29 độ C.

Các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng-Bình Thuận, phía Bắc nhiều mây có mưa, mưa vừa và rải rác có dông, cục bộ có mưa to đến rất to. Phía Nam có mây, có mưa rào và dông vài nơi. Gió Đông Bắc cấp 2-3; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ cao nhất 30-33 độ C, phía Nam có nơi trên 33 độ C.

Khu vực Tây Nguyên có mây, có mưa rào và dông vài nơi. Nhiệt độ cao nhất 29-32 độ C. Khu vực Nam Bộ có mây, có mưa rào và dông vài nơi; Nhiệt độ cao nhất 31-34 độ C./.

Thainguyentv.vn

Tin mới hơn

Tin 24h ngày 10/10/2024

Kỷ niệm 70 năm giải phóng thủ đô 10/10: 70 năm trước, ngày 10/10/1954, các đoàn quân đã tiến về 5 cửa ô, tiếp quản Thủ đô Hà Nội từ tay thực dân Pháp, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, dựng xây Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

Tin 24h ngày 9/10/2024

* 70 năm giải phóng Thủ đô: Những dấu mốc quan trọng

Tin bài khác

Tin 24h ngày 7/10/2024

Tin 24h ngày 7/10/2024

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 7/10, ở khu vực từ Nam Nghệ An đến Quảng Ngãi có mưa vừa và dông, cục bộ có nơi mưa to đến rất to với lượng mưa từ 20-40 mm, cục bộ có nơi trên 100 mm. Cảnh báo nguy cơ có mưa cục bộ cường suất lớn (>100 mm/6 giờ).
Điểm sự kiện từ ngày 30/9 đến ngày 06/10/2024

Điểm sự kiện từ ngày 30/9 đến ngày 06/10/2024

Từ ngày 30/9 đến ngày 06/10/2024, Thainguyentv.vn đã đăng tải đậm nét nhiều tin tức, sự kiện trên các lĩnh vực: Chính trị - Kinh tế - Văn hóa - Xã hội... diễn ra trên thế giới, trong nước và trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Mời quý độc giả cùng chúng tôi xin điểm lại nội dung chính của những sự kiện đã đăng tải trong tuần.
Tin 24h ngày 6/10/2024

Tin 24h ngày 6/10/2024

Hôm nay (6/10), Bắc Bộ trời lạnh về đêm và sáng sớm. Nhiều tỉnh, thành Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ cảnh báo có mưa dông, gió giật mạnh trong chiều và tối nay.
Tin 24h ngày 05/10/2024

Tin 24h ngày 05/10/2024

Hà Nội: 5 xe va chạm, cầu Thăng Long ùn tắc
Tin 24h ngày 4/10/2024

Tin 24h ngày 4/10/2024

Ngày toàn dân phòng cháy, chữa cháy 4/10: Để bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy, chúng ta cần quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt; thường xuyên kiểm tra, kịp thời thay thế thiết bị điện và mạng điện hư hỏng.
Xem thêm

Đọc nhiều

Cách dịch biển số xe xấu-đẹp tại Việt Nam

Cách dịch biển số xe xấu-đẹp tại Việt Nam

Có rất nhiều cách luận biển số tại Việt Nam, trong đó dựa trên phát âm và giá trị là hai cách phổ biến nhất. Quan niệm xấu, đẹp về biển số tại Việt Nam có ...
Tự soi mình theo Nghị quyết Trung ương 4 để liên hệ, kiểm điểm, khắc phục

Tự soi mình theo Nghị quyết Trung ương 4 để liên hệ, kiểm điểm, khắc phục

Vì sinh mệnh chính trị của Đảng, vì sự nghiệp đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, các cấp ủy đảng từ Trung ương ...
[Megastory] Phát hiện 11 ca nhiễm COVID-19, Thái Nguyên nâng cao các giải pháp ứng phó

[Megastory] Phát hiện 11 ca nhiễm COVID-19, Thái Nguyên nâng cao các giải pháp ứng phó

Trong 3 ngày qua, Thái Nguyên phát hiện 11 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, gồm 3 trường hợp tại huyện Đồng Hỷ (ngày 31/10, cách ly từ khi trở về Thái Nguyên), 8 trường ...
Khu cách ly tập trung đầu tiên trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên sẵn sàng hoạt động

Khu cách ly tập trung đầu tiên trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên sẵn sàng hoạt động

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona gây ra,cùng với cả nước, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ ...
Thái Nguyên: 99 ca nghi nhiễm Covid-19, ghi nhận 57 ca mắc Covid-19 (ngày 30/11)

Thái Nguyên: 99 ca nghi nhiễm Covid-19, ghi nhận 57 ca mắc Covid-19 (ngày 30/11)

Thái Nguyên công bố 99 ca nhiễm Covid-19 mới, cập nhật sáng 30/11. Tổng số ca mắc Covid-19 lũy tích từ 01/01/2021 đến nay: 410 ca

Clip ngắn

Xem trên
[Megastory] Ký ức Lễ trình quốc thư đầu tiên

[Megastory] Ký ức Lễ trình quốc thư đầu tiên

70 năm đã trôi qua, ký ức về những ngày chuẩn bị tiếp quản thủ đô vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử trên ATK Đại Từ, Thái Nguyên. Một sự kiện ngoại giao quan ...
[Infographic] Nhìn lại công tác ứng phó, khắc phục thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

[Infographic] Nhìn lại công tác ứng phó, khắc phục thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

Cơn bão số 3 (bão Yagi) đã đi qua để lại hậu quả thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nhân dân các tỉnh miền Bắc nói chung và tỉnh Thái ...
[Infographic] Kết quả phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên 9 tháng năm 2024

[Infographic] Kết quả phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên 9 tháng năm 2024

Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên trong 9 tháng năm 2024 diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức, tiếp ...
[Photo] Mùa lúa ở Bản Tèn

[Photo] Mùa lúa ở Bản Tèn

Cảnh sắc Bản Tèn vào mùa lúa chín luôn là điều gì đó khiến nhiều người nhất định phải chinh phục trong hành trình du lịch vùng cao. Vẻ đẹp thơ mộng, bình yên của ...
Tự hào cờ đỏ sao vàng

Tự hào cờ đỏ sao vàng

Lá cờ nền đỏ với ngôi sao vàng 5 cánh luôn gắn liền với những sự kiện lịch sử hào hùng, là động lực để cán bộ, đảng viên và nhân dân ta phấn đấu, ...
[Infographic] Thái Nguyên: Khung kế hoạch thời gian năm học 2024-2025 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên

[Infographic] Thái Nguyên: Khung kế hoạch thời gian năm học 2024-2025 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên

UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Quyết định số 1908/QĐ-UBND về việc ban hành Khung kế hoạch thời gian năm học 2024 - 2025 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông ...
[Photo] Trào lưu “mỗi mái nhà là một lá cờ Tổ quốc”: Lan tỏa tình yêu nước

[Photo] Trào lưu “mỗi mái nhà là một lá cờ Tổ quốc”: Lan tỏa tình yêu nước

Những ngày gần đây, trào lưu "mỗi mái nhà là một lá cờ Tổ quốc" đang gây “sốt” trên mạng xã hội. Những hình ảnh, clip về mái nhà rực rỡ với cờ đỏ sao ...

Chương trình phát thanh

Thời sự Chuyên mục Phát thanh giao thông Tiếng dân tộc