Tin 24h ngày 3/12/2024
Thời tiết ngày 3/12: Bắc Bộ có mưa vài nơi, sáng sớm có sương mù
Trên biển, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển Trường Sa), vùng biển từ Khánh Hòa đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang có mưa rào và dông rải rác. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7-8.
Ngoài ra, ngày và đêm 3/12, vùng biển phía Đông Bắc khu vực Bắc Biển Đông và vùng biển từ Khánh Hoà đến Cà Mau có gió Đông Bắc mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8; biển động; sóng biển cao từ 2-4 m.
Toàn bộ tàu thuyền hoạt động ở các khu vực trên đều có nguy cơ chịu tác động của lốc xoáy, gió giật mạnh và sóng lớn.
Bắc Bộ có mưa vài nơi, sáng sớm có sương mù |
Dự báo thời tiết các khu vực trên cả nước:
Thủ đô Hà Nội nhiều mây, có mưa vài nơi, sáng sớm có sương mù nhẹ. Gió đông nam cấp 2-3. Sáng sớm và đêm trời lạnh. Nhiệt độ thấp nhất 20-22 độ C. Nhiệt độ cao nhất 24-26 độ C.
Phía Tây Bắc Bộ nhiều mây, có mưa vài nơi, sáng sớm có nơi có sương mù. Gió nhẹ. Sáng sớm và đêm trời rét. Nhiệt độ thấp nhất 18-21 độ C, có nơi dưới 17 độ C. Nhiệt độ cao nhất 24-27 độ C, có nơi trên 27 độ C.
Phía Đông Bắc Bộ nhiều mây, có mưa vài nơi, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác. Gió đông nam cấp 2-3. Sáng sớm và đêm trời lạnh, vùng núi trời rét. Nhiệt độ thấp nhất 19-22 độ C, vùng núi có nơi dưới 18 độ C. Nhiệt độ cao nhất 24-27 độ C.
Khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế nhiều mây, phía Bắc có mưa vài nơi, sáng sớm có sáng mù và sương mù nhẹ rải rác; phía Nam có mưa, mưa rào rải rác. Gió nhẹ. Đêm và sáng sớm trời lạnh. Nhiệt độ thấp nhất 19-22 độ C. Nhiệt độ cao nhất 25-28 độ C.
Các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Bình Thuận nhiều mây, có mưa, mưa rào rải rác và có nơi có dông. Gió đông bắc cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất phía Bắc 21-24 độ C; phía Nam 24-26 độ C. Nhiệt độ cao nhất 27-30 độ C.
Khu vực Tây Nguyên nhiều mây, có mưa rào và dông vài nơi; riêng phía Nam có mưa rào rải rác và có nơi có dông. Gió đông bắc cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất 18-21 độ C, có nơi dưới 18 độ C. Nhiệt độ cao nhất 26-29 độ C, có nơi trên 29 độ C.
Nam Bộ nhiều mây, có mưa rào rải rác và có nơi có dông. Gió đông bắc cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất 23-26 độ C. Nhiệt độ cao nhất 29-32 độ C, có nơi trên 32 độ C.
Chưa có chủ trương sáp nhập tỉnh, thành
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết: Trước mắt, việc sắp xếp tổ chức bộ máy sẽ được triển khai thực hiện ở cấp Trung ương. Đối với việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh sẽ thực hiện sau và hiện tại chưa có chủ trương sáp nhập tỉnh, thành ngay.
Hiện chưa có chủ trương sáp nhập tỉnh, thành phố ngay
Những ngày gần đây, có thông tin đồn thổi về việc nhiều tỉnh, thành phố tiến hành sắp xếp, sáp nhập, đổi tên.
Liên quan đến vấn đề này, chiều 27/11, trên TTXVN Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định các thông tin, hình ảnh đang lan truyền trên mạng xã hội là không đúng. Hiện chưa có chủ trương sáp nhập tỉnh, thành phố ngay.
Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, Bộ Nội vụ và các cơ quan chức năng đang triển khai việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả đúng như chỉ đạo của Bộ Chính trị và Tổng Bí thư Tô Lâm.
Nội dung này đã được Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII khẳng định "đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cần thống nhất rất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng và toàn hệ thống chính trị”.
Việc sắp xếp tổ chức bộ máy sẽ được triển khai thực hiện ở cấp Trung ương
“Trước mắt, việc sắp xếp tổ chức bộ máy sẽ được triển khai thực hiện ở cấp Trung ương. Đối với việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh sẽ thực hiện sau và hiện tại chưa có chủ trương sáp nhập tỉnh, thành ngay", Bộ trưởng Nội vụ khẳng định.
Cho biết các thông tin về phương án sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị hiện đang trong quá trình nghiên cứu, chuẩn bị và đang được thực hiện theo chế độ mật, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh nêu rõ, ai đưa lên mạng phương án này là sai quy định về bảo vệ bí mật nhà nước; ai vi phạm sẽ được xử lý theo quy định của pháp luật.
Bộ Nội vụ đã trao đổi với Bộ Công an và đề nghị cơ quan an ninh mạng xem xét, xử lý việc đưa các thông tin không đúng, gây ảnh hưởng đến tâm lý xã hội.
Sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là cuộc cách mạng
Trước đó, ngày 25/11, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đã họp xem xét, cho ý kiến về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".
Theo đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII xác định đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cần thống nhất rất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng và toàn hệ thống chính trị.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã cơ bản thống nhất nguyên tắc, mục tiêu, yêu cầu, tiến độ tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW và một số nội dung gợi ý, định hướng để các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương nghiên cứu, đề xuất sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng giao Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW:
(1) Quyết định sắp xếp theo thẩm quyền đối với những cơ quan, tổ chức đã có phương án sắp xếp, chuẩn bị kỹ lưỡng.
(2) Chỉ đạo xây dựng Báo cáo tổng kết; đề xuất nhiệm vụ, giải pháp đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thông qua.
Bác kháng cáo, tuyên y án tử hình bị cáo Trương Mỹ Lan
Ngày 3/12, sau gần 1 tháng xét xử và nghị án kéo dài, TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã đưa ra phán quyết đối với bị cáo Trương Mỹ Lan ( Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 47 đồng phạm trong vụ án Trương Mỹ Lan – Vạn Tịnh Phát, giai đoạn 1 có kháng cáo. HĐXX phúc thẩm đã tuyên y án tử hình đối với bị cáo Trương Mỹ Lan.
Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Trương Mỹ Lan bị TAND TP Hồ Chí Minh tuyên án tử hình về tội “Tham ô tài sản”, 20 năm tù về tội “Đưa hối lộ” và 18 năm tù “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng”.
HĐXX phúc thẩm TAND TP Hồ Chí Minh xác định, trong suốt 10 năm thâu tóm Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) với vai trò là cổ đông lớn, chiếm 91,5% cổ phần và có quyền hạn cao nhất tại SCB, bị cáo Lan đã chỉ đạo đồng phạm giải ngân cho nhóm công ty trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát tổng cộng hơn 2.500 khoản vay, thực hiện hành vi phạm pháp, rút tiền từ SCB phục vụ cho mục đích cá nhân, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngân hàng này. Tính đến tháng 10/2022, nhóm bị cáo Lan và Vạn Thịnh Phát còn 1.284 khoản vay, dư nợ 677.000 tỷ đồng gốc và lãi, số tiền thiệt hại của vụ án và bị cáo Lan có nghĩa vụ phải bồi thường cho SCB.
Theo HĐXX phúc thẩm, hành vi phạm tội của bị cáo Lan xuyên suốt, kéo dài và có tác động nghiêm trọng đối với SCB cũng như nền kinh tế quốc gia. Bản án sơ thẩm của TAND TP Hồ Chí Minh tuyên phạt bị cáo mức án tử hình về tội “Tham ô tài sản”, 20 năm tù về tội “Đưa hối lộ”, 20 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, tổng hợp hình phạt là tử hình là đúng pháp luật.
Hành vi của bị cáo Lan đặc biệt nghiêm trọng, hậu quả của các hành vi mà bị cáo Lan gây ra là quá lớn, chưa từng có trong lịch sử tố tụng, chưa biết khi nào mới có thể khắc phục…
Đối với kháng cáo của bị cáo Trương Mỹ Lan, HĐXX cho rằng không có căn cứ giảm án tử hình đối với bị cáo Trương Mỹ Lan.
Tại tòa bị cáo Lan nói đồng ý dùng các tài sản để khắc phục hậu quả nhưng tổng tài sản đưa vào chưa đủ để giảm nhẹ hình phạt tử hình về tội “Tham ô tài sản”.
Theo HĐXX, sau khi bản án có hiệu lực, bị cáo Lan tiếp tục khắc phục hậu quả, căn cứ Bộ Luật Hình sự hiện nay, người bị kết án tử hình về tội "Tham ô tài sản", nếu chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản, hợp tác tích cực hoặc lập công lớn, sẽ được giảm nhẹ hình phạt từ tử hình xuống chung thân.
Như vậy, nếu tính theo tỉ lệ 3/4 thì bị cáo Lan phải phải nộp ít nhất hơn 200 ngàn tỷ đồng thì mới có căn cứ xem xét giảm nhẹ hình phạt về tội “Tham ô tài sản”.
HĐXX phúc thẩm cũng ghi nhận sự chuyển biến tích cực về nhận thức, không kêu oan, thừa nhận sai phạm, đưa tài sản vào khắc phục hậu quả. Đây là những tình tiết mới nên cần ghi nhận giảm nhẹ cho bà chủ Vạn Thịnh Phát về tội “Vi phạm quy định cho vay trong các tổ chức tín dụng”.
Từ những nhận định trên, HĐXX phúc thẩm TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh tuyên y án tử hình về tội “Tham ô tài sản”, 20 năm tù về tội “Đưa hối lộ”, 16 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng”. Tổng hợp hình phạt bị cáo Trương Mỹ Lan phải chấp hành là tử hình.
Ngoài ra HĐXX cho rằng không có cơ sở để chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và tuyên y án chung thân đối với bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng thanh tra giám sát ngân hàng II - cục II, thuộc Ngân hàng Nhà nước; Trưởng đoàn thanh tra SCB) về tội “Nhận hối lộ”. Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc SCB), Bùi Anh Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT SCB)… về một trong các tội danh các tội “Tham ô tài sản”, chỉ giảm nhẹ hình phạt về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng” của bị cáo Văn, bị cáo Dũng.
TP Hồ Chí Minh: Dịch sởi gia tăng mạnh, một trẻ tử vong
Ngày 3/12, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, trong tuần qua, số ca mắc bệnh sởi tại Thành phố tăng mạnh, đặc biệt ở trẻ dưới 6 tháng tuổi và trẻ từ 11 đến 14 tuổi. Đáng chú ý, có một trẻ 12 tháng tuổi tử vong do mắc sởi.
Cụ thể, trong tuần 48 năm 2024, TP Hồ Chí Minh ghi nhận 319 ca mắc sởi, tăng hơn 58% so với trung bình 4 tuần trước đó. Số ca nhập viện do bệnh sởi là 180, tăng gần 37%, trong khi số ca điều trị ngoại trú đạt 180, tăng gần 99%. Đặc biệt, đã ghi nhận một trường hợp tử vong do sởi ở trẻ 12 tháng tuổi.
Trường hợp tử vong là một bé gái chưa được tiêm vaccine sởi, có cơ địa suy dinh dưỡng và mắc tật thiểu sản phổi bẩm sinh. Bé sinh vào tháng 11/2023, cư trú tại phường Linh Chiểu, thành phố Thủ Đức. Từ ngày 20/11/2024 đến 28/11/2024, bé được điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, với chẩn đoán nhiễm trùng huyết, viêm phổi nặng hậu sởi và xét nghiệm dương tính với sởi.
Đại diện Sở Y tế TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, trường hợp tử vong này là lời cảnh báo nghiêm trọng về mức độ nguy hiểm của dịch sởi, đồng thời khẳng định sự cần thiết của việc tiêm phòng đầy đủ, đặc biệt đối với những nhóm có nguy cơ cao mắc biến chứng nặng khi nhiễm bệnh.
Tính từ đầu năm 2024 đến nay, TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận tổng cộng 2.438 ca mắc sởi, bao gồm 1.752 ca nội trú và 686 ca ngoại trú, trong đó có 4 trường hợp tử vong.
Bên cạnh đó, số ca bệnh từ các tỉnh khác đến điều trị tại 4 bệnh viện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cũng gia tăng, với 574 ca, tăng 29,3% so với trung bình 4 tuần trước. Trong số này, có 342 ca điều trị nội trú. Từ đầu năm đến nay, số ca sởi tích lũy từ các tỉnh khác là 4.242 ca, bao gồm 3.219 ca nội trú và đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong tại bệnh viện của TP Hồ Chí Minh.
Theo báo cáo từ Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, dịch sởi đang gia tăng mạnh ở nhóm trẻ dưới 6 tháng tuổi và nhóm từ 11 đến 14 tuổi. Trong khi đó, tỷ lệ mắc ở nhóm 6 đến 9 tháng tuổi tăng chậm hơn và nhóm từ 1 đến 10 tuổi không ghi nhận sự gia tăng đáng kể.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP Hồ Chí Minh nhận định, số ca mắc sởi sẽ tiếp tục tăng cao, không chỉ ở TP Hồ Chí Minh mà nguy cơ bùng phát dịch còn có thể xảy ra ở nhiều khu vực khác trên cả nước nếu vấn đề miễn dịch cộng đồng chưa được giải quyết. Bác sĩ Khanh nhấn mạnh: “Chỉ có tiêm vaccine đầy đủ và đúng lịch mới có thể kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh”.
Để ứng phó với dịch sởi, TP Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai chiến dịch tiêm vaccine sởi đơn cho trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi. Tính đến ngày 1/12/2024, chiến dịch đã thực hiện được 6.278 mũi tiêm (đạt 17,16% so với tổng số trẻ đã được rà soát). Đồng thời, thành phố tiếp tục chiến dịch tiêm vaccine phòng sởi cho trẻ từ 1 đến 10 tuổi. Đến nay, hầu hết các quận, huyện đã hoàn thành trên 100% chỉ tiêu tiêm chủng.
Tuy nhiên, các đơn vị vẫn cần tiếp tục rà soát để đảm bảo không bỏ sót trẻ chưa được tiêm hoặc chưa tiêm đầy đủ. Đối với các bệnh viện và cơ sở y tế, ngành y tế chỉ đạo tăng cường rà soát và tổ chức tiêm vaccine phòng sởi cho trẻ thuộc nhóm nguy cơ (như trẻ mắc bệnh bẩm sinh, bệnh mạn tính…) nếu không có chống chỉ định.
Ngoài ra, các hoạt động giám sát, truyền thông và phòng chống dịch trong cộng đồng cần được đẩy mạnh. Các trường học có trách nhiệm phối hợp tổ chức tiêm chủng, lưu trữ đầy đủ hồ sơ tiền sử tiêm chủng và phối hợp với các đơn vị y tế trong việc phòng chống dịch bệnh sởi.
Hàng loạt người ở khắp miền Tây dính bẫy lừa của thanh niên 25 tuổi
TAND tỉnh Vĩnh Long hôm nay (3/12) xét xử bị cáo Trần Thanh Phương (25 tuổi, ngụ huyện Thanh Bình, Đồng Tháp) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.
Theo cáo trạng, bị cáo Phương không được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động "đưa người đi xuất khẩu lao động ra nước ngoài".
Tuy nhiên, từ tháng 2/2022, Phương lấy danh nghĩa một công ty (được cấp phép hoạt động), tự nhận là trưởng phòng đại diện rồi thành lập văn phòng tại tỉnh Đồng Tháp.
Tháng 2/2023, Phương đặt mua giấy tờ giả là đơn xin xác nhận có chữ ký của phó giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Đồng Tháp.
Phương dùng giấy tờ giả này liên hệ UBND xã để giới thiệu, tư vấn cho người có nhu cầu ra nước ngoài lao động, với lương cao, mục đích chiếm đoạt tài sản.
Phương hoạt động được 1 thời gian thì cơ quan chức năng phát hiện không đảm bảo điều kiện, buộc ngưng hoạt động nhưng bị cáo vẫn cố tình thực hiện hành vi phạm tội.
Tháng 7/2023, Phương xưng danh giám đốc của công ty, mở rộng địa bàn sang tỉnh Vĩnh Long để tư vấn cho người có nhu cầu xuất khẩu lao động ra nước ngoài.
Kết quả điều tra, bị cáo Phương lừa đảo 37 người ở khắp miền Tây như: Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Tiền Giang, Hậu Giang và TPHCM, với hơn 2 tỷ đồng.
HĐXX tuyên phạt bị cáo Phương 8 năm tù tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 1 năm tù tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”, tổng hình phạt là 9 năm tù.
Bộ Công an nghiêm cấm giữ phương tiện khi người điều khiển không có lỗi
Theo Điều 18 Thông tư 72/2024/TT-BCA, cán bộ CSGT hướng dẫn cho các bên liên quan đến vụ TNGT đường bộ tự giải quyết bồi thường thiệt hại dân sự tại trụ sở cơ quan, đơn vị. Trường hợp các bên liên quan trong vụ TNGT đường bộ không tự thỏa thuận giải quyết bồi thường thiệt hại dân sự thì phải lập biên bản, đồng thời hướng dẫn các bên liên hệ với Tòa án có thẩm quyền để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Sau khi hoàn thành việc điều tra, xác minh, giải quyết vụ việc, cán bộ CSGT thụ lý hoàn chỉnh hồ sơ và báo cáo lãnh đạo đơn vị kết thúc việc điều tra, xác minh, giải quyết. Đồng thời, thực hiện chế độ thống kê, báo cáo TNGT đường bộ, lưu hồ sơ theo quy định của Bộ Công an và pháp luật có liên quan.
Thông tư 72/2024/TT-BCA nghiêm cấm việc giữ phương tiện giao thông khi đã xác định người điều khiển không có lỗi. Khoản 4 Điều 10 Thông tư quy định, sau khi kết thúc khám nghiệm phương tiện giao thông, xác định người điều khiển phương tiện không có lỗi và không vi phạm các quy định khác của pháp luật thì phương tiện giao thông phải được trả ngay cho chủ sở hữu hoặc người điều khiển phương tiện. Nghiêm cấm việc giữ phương tiện giao thông của các bên liên quan đến vụ tai nạn giao thông để làm căn cứ giải quyết bồi thường thiệt hại.
Theo Điều 7 Thông tư 72/2024/TT-BCA về các nội dung điều tra, xác minh tình tiết của vụ TNGT đường bộ, kkhi tiến hành điều tra, xác minh vụ TNGT đường bộ, cán bộ CSGT có trách nhiệm làm rõ có hay không có dấu hiệu tội phạm; Có hay không có hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) đường bộ; Diễn biến, nguyên nhân dẫn đến TNGT đường bộ; Cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm trật tự, ATGT đường bộ, lỗi, nhân thân của cá nhân vi phạm;
Tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ; Tính chất, mức độ thiệt hại do hành vi vi phạm trật tự, ATGT đường bộ gây ra; Tình tiết khác có ý nghĩa đối với việc xem xét, quyết định xử phạt, giải quyết vụ TNGT đường bộ…Trong quá trình điều tra, xác minh có thể đề xuất trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản.
Đặc biệt, Điều 15 Thông tư 72/2024/TT-BCA nêu rõ, trong quá trình điều tra, xác minh vụ TNGT đường bộ, nếu có căn cứ xác định hiện trường bị xáo trộn, hiện trường giả hoặc xét thấy cần thiết cho việc điều tra, xác minh, giải quyết vụ TNGT đường bộ thì tổ chức dựng lại hiện trường vụ TNGT đường bộ để điều tra, xác minh. Việc dựng lại hiện trường phải có Kế hoạch dựng lại hiện trường và được lãnh đạo có thẩm quyền phê duyệt.
Nội dung dựng lại hiện trường gồm: Xác định lại vị trí người bị nạn, tang vật, phương tiện, dấu vết để lại ở hiện trường, xem xét lại những tình huống, hành vi và những tình tiết khi xảy ra vụ TNGT đường bộ; đo và vẽ lại sơ đồ hiện trường; chụp ảnh để làm cơ sở so sánh đối chiếu. Kết thúc dựng lại hiện trường, phải lập Biên bản khám nghiệm hiện trường dựng lại, vẽ sơ đồ hiện trường vụ tai nạn giao thông đường bộ được dựng lại; những người tham gia dựng lại hiện trường ký, ghi rõ họ, tên vào biên bản và sơ đồ.
Thông tư 72/2024/TT-BCA có hiệu lực từ 1/1/2025.
38 du khách Việt Nam bất ngờ 'biến mất' ở Jeju
Ngày 3/12, chính quyền đảo Jeju cho biết một nhóm khách du lịch Việt Nam đã mất tích sau khi nhập cảnh vào Hàn Quốc qua đảo Jeju ở phía nam.
Theo Tổ chức Du lịch Jeju, 38 người này nằm trong nhóm khoảng 90 khách du lịch từ Nha Trang đến Jeju trên chuyến bay của VietJet Air vào ngày 14/11.
Vào ngày 17/11, 38 người này đã biến mất tại điểm dừng chân cuối cùng trong hành trình tham quan của họ ngay trước giờ khởi hành. Những người còn lại trong đoàn đã lên chuyến bay trở về nước, theo Korea Times.
Du khách Việt Nam đến đảo Jeju nghỉ dưỡng có thể lưu trú mà không cần thị thực trong tối đa 30 ngày. Nhóm 38 người này không có thị thực và sẽ có thể lưu trú hợp pháp tại hòn đảo này cho đến hết ngày 14/12.
Cơ quan di trú địa phương đang tìm kiếm tung tích của những người mất tích bằng cách kiểm tra camera giám sát.
Đây không phải lần đầu du khách Việt "biến mất" khi đến Jeju du lịch. Vào tháng 1/2016, Yonhap đưa tin 46 du khách Việt không có thị thực đã "biến mất" khỏi hòn đảo nghỉ dưỡng Jeju. 46 người này nằm trong số 156 người Việt Nam đến đảo du lịch trong 6 ngày./.